Và sự chuyển mình của nông thôn mới ngày nay đã không ngừng mở ra cho người viết những cơ hội và thách thức, đặc biệt là những người viết trẻ.

Cùng sự phát triển không ngừng của xã hội, đời sống người nông dân cũng có những đổi thay. Sự đổi thay rõ nét nhất ở những giá trị đời sống và văn hóa nông thôn phần nào bị mai một do không còn phù hợp trong quá trình công nghiệp hóa. Bù lại, không ít những miền quê đã thoát cảnh nghèo khó, lạc hậu; đời sống và nghề nông của người nông dân được nâng lên một tầm cao mới, tạo nên sức sống mới cho bộ mặt nông thôn Việt. Điều đó ví như dòng sông luôn trôi chảy qua miệt cù lao bao đời thuần nông. Sông lấy đi những khoảnh đất lở và cũng nhanh chóng đắp bồi nên những bãi phù sa xanh tốt mới ở cuối làng.

Sứ mệnh của nhà văn, đặc biệt là nhà văn trẻ được đặt ra trước những đổi thay kéo theo nhiều câu chuyện. Là thế hệ sung sức nhất của nền văn học, lại là người đương thời và cũng là người chủ của tương lai đất nước, họ thực sự làm nên những góc nhìn và những suy nghĩ mới, bằng tác phẩm.

Các nhà văn đi thực tế sáng tác sau buổi tọa đàm “Văn học trẻ Đồng bằng sông Cửu Long, bản sắc và sáng tạo” tháng 8-2017. 

Song hành cùng sự phát triển của nông thôn, những cánh cửa “vũ môn” về đề tài nông nghiệp luôn được mở ra, vừa tạo sân chơi, vừa tạo cơ hội cho những người viết trẻ dấn thân và thử sức. Cuộc vận động sáng tác về đề tài “nông nghiệp, nông thôn, nông dân” liên tục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Cùng với đó là các cuộc thi do các cơ quan, đơn vị tổ chức, với sự đề cao, khuyến khích, vận động sáng tác những tác phẩm mới lạ và khuyến khích những nhà văn trẻ tham gia. Tổng kết các cuộc thi, chúng ta luôn thấy nhiều nhà văn trẻ đã xông xáo tham dự và đoạt giải, kể cả những giải thưởng cao. Điều đó cho thấy, nông thôn không chỉ luôn là đề tài không ngừng tồn tại và vận động song hành với nền văn học nước nhà mà còn là nguồn cảm hứng, nguồn động viên của rất nhiều người viết trẻ.

Thế hệ những nhà văn trẻ ngày nay được hưởng thụ một nền giáo dục mới, sống trong một xã hội hiện đại. Họ có nhiều cơ hội tiếp cận sách báo và tin tức một cách đa chiều để có cho mình một góc nhìn đa diện về nông thôn “xưa và nay”. Công nghệ thông tin bùng nổ vừa là cơ hội, vừa là thách thức với người viết. Cơ hội cho sự tiếp cận và “thực tế sáng tác online” vừa nhanh lại vừa đa dạng.

Nhưng từ đó cũng trải ra những thách thức. Nông thôn đổi mới, bên cạnh diện mạo hiện đại và đẹp đẽ thì ở những góc khuất, ngõ ngách cuộc sống vẫn còn những phận đời đặt ra với người viết trẻ cần có sự dấn thân, lắng nghe và thấu hiểu. Để thu nhận vốn sống, ủ mầm ý tưởng và tìm ngọn lửa châm ngòi cảm xúc cho tác phẩm, đòi hỏi người viết trẻ không thể chỉ ngồi trước bàn viết với chiếc điện thoại là có thể có tác phẩm thực sự mang hơi thở của nông thôn, giọng nói của người nông dân và những câu chuyện nghề nông.

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể vui mừng khi theo dõi các tác giả trẻ hiện nay, dễ dàng thấy được bên cạnh những tác giả theo đuổi các đề tài mới lạ thì vẫn có không ít tác giả dấn thân, sống và viết hết mình với nông thôn. Đó có thể là nơi họ sinh ra, lớn lên hoặc là một “quê hương văn học” mà các tác giả xem như “cuống rốn” của niềm cảm hứng viết. Các các phẩm của tác giả 8X viết về đề tài “tam nông” có thể kể đến như: "Gã chăn dê ở cù lao Giá và Gia tộc ăn đất" của Lê Minh Nhựt, "Đỉnh khói" của Nguyễn Thị Kim Hòa, "Khói sẽ làm mắt tôi cay" và "Cõng nhau trong một cõi người" của Hoàng Công Danh, "Những mùa gió rát" của Diệu Ái, "Cỏ dại thênh thang" của Tiểu Quyên, "Mây tía ngang trời" của Nguyễn Văn Luân, "Mật nắng biên thùy" của Nghiêm Quốc Thanh... Thế hệ 9X và 2K có: "Trăng màu hổ phách" của Cao Nguyệt Nguyên, "Dòng sông không trôi" và "Thủ lĩnh băng vịt đồng" của Lê Quang Trạng, "Mùa sen trắng" và "Kiếp người trôi ngược" của Phan Đức Lộc...

Một nền nông nghiệp có bề dày lịch sử và kinh nghiệm; có truyền thống văn chương “thuần nông” giàu chất liệu cùng một thế hệ những nhà văn trẻ đầy sức sống, hết mình dấn thân với đề tài “tam nông” một cách phong phú về số lượng và đa dạng về chất lượng cho chúng ta niềm tin và hứa hẹn sẽ có những tác phẩm chất lượng, song hành cùng sự chuyển mình của nông thôn mới và sự phát triển của nền văn học Việt Nam trong thời gian không xa.

Bài và ảnh: ĐINH PHƯƠNG THẢO