Nguồn cảm hứng bay bổng, sáng đẹp

Trong những ngày này, mặc dù đang phải điều trị bệnh, nhưng khi được Ban tổ chức Trại sáng tác ca khúc về đề tài lực lượng vũ trang (LLVT) và chiến tranh cách mạng (CTCM) năm 2021 (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức từ tháng 9 đến tháng 10), nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội rất hào hứng nhận lời. Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh vui vẻ chia sẻ: “Khi điểm danh hơn 60 tác giả tham gia trại sáng tác, thấy mình có lẽ lớn tuổi nhất. Nhưng tôi rất vui khi được tham gia, bởi được làm việc, trao đổi trong môi trường hết sức cởi mở, chân tình, sôi động và trẻ trung. Đề tài về hình tượng người chiến sĩ luôn có sức hấp dẫn và là khát vọng sáng tác của bất cứ nhạc sĩ nào, mặc dù viết nên không dễ. Chính vì thế khi thấy tên những tác giả ở trại sáng tác lần này có nhiều gương mặt đã khẳng định tên tuổi như: Đỗ Bảo, Lê Anh Thủy, Mai Kiên, Huyền Ngọc, Hoàng Hồng Ngọc... tôi thực sự ấn tượng và hy vọng các bạn sẽ đi đường dài với đề tài này, để có nhiều hơn nữa những tác phẩm âm nhạc bay bổng, sáng đẹp tô thắm hình tượng Bộ đội Cụ Hồ”.

 Tiết mục biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội trong Chương trình nghệ thuật "Vang mãi khúc quân hành".

Trải qua những giai đoạn lịch sử của đất nước, âm nhạc đã trở thành cuốn nhật ký bằng âm thanh. Để rồi trong đó, bằng ca từ, giai điệu, hình ảnh người chiến sĩ hiện lên trong bối cảnh huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trong lao động sản xuất, trong không gian sinh hoạt đời thường, không gian sinh hoạt văn hóa tinh thần tại đơn vị, tại địa phương nơi đóng quân... Nhờ sự mở rộng biên độ, phạm vi phản ánh của ca từ, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ ngày hôm nay hiện lên một cách toàn vẹn hơn. Chẳng hạn mới đầu tháng 9 vừa qua, trên Facebook-Fanpage Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội trong Chương trình “Cuộc hành quân thời bình” giới thiệu những ca khúc hưởng ứng đợt vận động của Hội Nhạc sĩ Việt Nam về đề tài phòng, chống dịch Covid-19, những ca khúc mới xuất hiện như: "Tôi là anh lính binh nhất" (sáng tác Đỗ Bảo), "Niềm tin" (sáng tác Nguyễn Xuân Thủy), "Lời ru nơi tuyến đầu" (sáng tác Huyền Ngọc)... giới thiệu đến với khán giả một cách khá thú vị bởi tiết tấu vui nhộn, giai điệu thiết tha...

Khó thống kê có bao nhiêu ca khúc viết về người chiến sĩ trong thời kỳ mới, nhưng chắc chắn rằng tất cả lực lượng, quân binh chủng và hầu hết các ngành, các cơ quan, đơn vị trong quân đội đều có những ca khúc viết về họ. Điểm nổi bật trong những ca khúc thời kỳ mới chính là hình tượng chiến sĩ trẻ làm trung tâm với âm hưởng ca ngợi, tự hào như: “Những cô gái tân binh” (sáng tác Hoàng Thành), “Lính trẻ trên quê hương Bác Hồ” (sáng tác Xuân Thủy), “Tôi là anh lính binh nhất” (sáng tác Đỗ Bảo), “Lính binh nhì” (sáng tác Trương Ngọc Ninh), “Ước mơ chiến sĩ” (sáng tác Lưu Hà An), “Lính mới” (sáng tác Mai Kiên), “Ghi ta lính” (sáng tác An Hiếu)... Hay những sáng tác về nhiệm vụ của người chiến sĩ hôm nay, như: “Sứ mệnh trái tim” (sáng tác Hoàng Hồng Ngọc)-viết về lực lượng quân đội ta tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan (châu Phi)... Cùng với đó là những ca khúc về sự mất mát, hy sinh như “Rào Trăng thương nhớ ” (sáng tác Lê Anh Thủy) mang âm hưởng tha thiết, đầy tự hào. Âm hưởng đó có giá trị cổ vũ tinh thần, củng cố niềm tin, tình toàn kết quân-dân sắt son, bền chặt.

Để có những "tượng đài chiến thắng"

Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới vẫn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất truyền thống cao đẹp, kết tinh lại ở những tấm gương tiêu biểu, điển hình. Việc khắc họa chân dung những người chiến sĩ, đối với các nhạc sĩ, không chỉ là chuyện nhất thời mà còn là duyên nợ từ trái tim. Vì lẽ ấy, khi chia sẻ tại hội thảo “Xây dựng hình tượng Bộ đội Cụ Hồ thông qua tác phẩm âm nhạc trong thời kỳ mới”, được tổ chức trong khuôn khổ trại sáng tác âm nhạc năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh mảng ca khúc thì mong muốn và đề nghị các nhạc sĩ quan tâm, đầu tư thêm cho sáng tác khí nhạc với nhiều ngôn ngữ, màu sắc, hình thức và quy mô khác nhau. Để tới đây có thêm nhiều tác phẩm có chất lượng và giá trị nghệ thuật cao được dàn dựng, thể hiện phong phú mọi mặt tư tưởng, tinh thần, ý chí quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó là những tác phẩm phản ánh đời sống tinh thần, tình yêu, trách nhiệm, sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc-những nơi người chiến sĩ đang ngày đêm gánh vác những trọng trách, nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, cam go, đầy thách thức để đấu tranh, chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi hoàn cảnh.

 Hình ảnh của người chiến sĩ trong nhiệm vụ mới được tôn vinh trên sân khấu âm nhạc.

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận: “Những năm gần đây, mặc dù Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có nhiều chương trình hoạt động; đầu tư quy mô về lĩnh vực khí nhạc; có nhiều chương trình biểu diễn các tác phẩm khí nhạc được tổ chức... nhưng nhìn chung, các tác phẩm khí nhạc về đề tài LLVT, CTCM và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ không nhiều. Tổng kết trao giải 5 năm hoạt động văn học nghệ thuật, báo chí đề tài LLVT và CTCM giai đoạn 2014-2019 của Bộ Quốc phòng mà chỉ có 11 tác phẩm khí nhạc là quá ít ỏi. Mặc dù có nhiều lý do dẫn đến việc khan hiếm các tác phẩm khí nhạc về đề tài này, nhưng rõ ràng đây là một thực tế đáng để chúng ta suy ngẫm, trong đó, trách nhiệm một phần không nhỏ thuộc về các nhạc sĩ chúng tôi”.

Trại sáng tác âm nhạc toàn quân năm nay, Thượng úy QNCN Hoàng Hồng Ngọc (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) là gương mặt nhạc sĩ trẻ nhất tham gia. Nữ nhạc sĩ bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều trại sáng tác, chuyến đi thực tế, liên hoan nghệ thuật, chương trình truyền hình... về đề tài người lính. Qua những sân chơi đó, các tài năng nghệ thuật của các thế hệ được hội tụ, giao lưu và truyền đạt những kinh nghiệm sáng tác. Cần nữa là những hoạt động tuyên truyền, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, trong đó có âm nhạc về hình tượng người chiến sĩ được quan tâm, đầu tư để lan tỏa rộng rãi tới đông đảo công chúng sau khi hoàn thành sứ mệnh và khẳng định giá trị từ các trại sáng tác, hội diễn, liên hoan có uy tín.

Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội chia sẻ: “Tôi và các nhạc sĩ quân đội vẫn luôn ấp ủ nguyện vọng, bằng những sáng tác của mình có thể xây dựng thành công những “Tượng đài chiến thắng” của Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Để làm được điều đó, chắc chắn người sáng tác âm nhạc mà trước hết là các nhạc sĩ quân đội cần phải xác định tâm thế, điểm nhìn chiến sĩ-nghệ sĩ; bám sát hiện thực cuộc sống sinh động, phải có trải nghiệm và đặt mình vào đời sống của người lính, không xa rời thực tiễn; bám sát công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội trong giai đoạn mới để lấy tư liệu và cảm hứng sáng tác”.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ