Dũng cảm nhìn nhận, dám loại bỏ “sạn”, “rác” trong sử dụng ngôn ngữ tưởng nhỏ nhưng không dễ làm ngày một ngày hai.
Trong đời sống hằng ngày, ngôn ngữ là chất liệu chính để giao tiếp cả trực tiếp và gián tiếp. Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đặc biệt trong nghệ thuật biểu diễn, ngôn ngữ là một trong những chất liệu chính và cơ bản để tạo nên cái chất, cái hồn và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Ngôn ngữ trong tác phẩm nghệ thuật có ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trong xã hội, không chỉ trong thưởng thức cái hay, cái đẹp mà còn có tác dụng trong hình thành nhân cách, đạo đức và lý tưởng, niềm tin...
 |
Rapper “Chị cả” trên một poster quảng cáo cho chương trình gameshow về rap.
|
Trong văn hóa giao tiếp, ngôn ngữ vốn được xem là phương tiện chủ yếu để truyền tải thông tin, trao gửi tâm tư, tình cảm. Ngôn ngữ được ví là “kho” lưu giữ và phản ánh bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Một người giàu ngôn ngữ, nắm vững ngôn ngữ, biết vận dụng, sử dụng ngôn ngữ linh hoạt trong giao tiếp sẽ được tôn trọng, vị nể và được xem là người có văn hóa cao, dễ thành công trong cuộc sống. Ấy nhưng, trong thời đại số, ngôn ngữ thuần Việt trong sáng được xem như “quốc hồn quốc tuý” của dân tộc bị lạm dụng ở các mức độ khác nhau. Ngày nay, “sạn” và thậm chí là “rác” trong sử dụng ngôn ngữ hiển diện ở khắp mọi nơi, trong đời sống sinh hoạt ở nông thôn, thành thị, trên không gian mạng, trong giáo dục và trong các loại hình nghệ thuật, giải trí... Tình trạng sử dụng ngôn ngữ không đúng lúc, đúng nơi thậm chí nếu lạm dụng ngôn ngữ đã dẫn đến nhiều hệ lụy, gây kích động, tấn công bằng vũ lực, thương tích, đổ máu và thậm chí tước bỏ tính mạng người khác. Người Việt có câu tục ngữ “lời nói đọi máu”, “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” cũng là do hiểu sâu sắc giá trị của ngôn ngữ, giáo dục con người tiết chế cái tôi, sử dụng ngôn ngữ đúng mực trong giải quyết các mối quan hệ.
Gần đây, một nhà khoa học ngôn ngữ có tiếng đã than thở với tôi về một vidio clip được tung lên mạng xã hội quay cảnh một bà cụ chửi có vần, có điệu, giống như đọc bài ca dao. Tuy nhiên, điều đáng bàn là lời bài chửi ấy toàn những câu từ tục tĩu không thể tưởng tượng khi nó phát ra từ miệng người cao tuổi. Nguyên nhân là do người nào đó đã vô tình hoặc cố ý đỗ xe ô tô ngay trước cổng, cản trở phần nào việc đi lại của gia đình bà. Nhân việc này, nhà ngôn ngữ học của tôi phân tích, “đặc sản” trong ẩm thực của người Việt có tên gọi “bún mắng”, “cháo chửi” giống như virus phát tán trong xã hội rất mạnh sang cả trời Tây. Anh bàn với tôi một ý tưởng kinh doanh ngôn ngữ để có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Bởi theo anh, chỉ Việt Nam mới có loại hình ẩm thực “bún mắng”, “cháo chửi”.
Cách đây mấy ngày, cộng đồng mạng dậy sóng khi một nhân vật của giới showbiz Việt có tên T.T. đến tận tư gia ép H.V.C phải nói ra những vấn đề khó nói trong mối quan hệ với mẹ nuôi, nhân vật nổi tiếng kín đáo giới showbiz đã qua đời. Sau vụ việc đã xuất hiện những buổi livestream đấu khẩu bằng những mỹ từ tục tĩu, vô văn hóa trên mạng xã hội, được rất nhiều người bình luận, ủng hộ có, phản đối có và cả chia sẻ cũng có.
Nhưng điều lo gại nhất là ngôn ngữ uế tạp và thiếu văn hóa ấy đang thẩm lậu vào môi trường giáo dục, ảnh hưởng trực tiếp tới các “mầm non đất nước”. Trước khi dịch Covid-19, tôi đến thăm anh bạn ở một huyện cách Hà Nội hơn 60km. Anh bạn bảo tôi chở qua trường THPT để đón con gái. Từng tốp nam nữ học sinh mặc đồng phục ra khỏi cổng trường ào ào như chim vỡ tổ. Có tốp đứng ở cổng trường nói chuyện như chỉ có mình chúng trên thế giới này bằng những câu từ lạc lõng, chửi thề không thể xấu hơn, khác xa với ngôn ngữ trong lớp học, khiến người lớn đứng cạnh đỏ mặt tía tai. Thấy tôi nóng mắt, than ngắn thở dài, người bạn lắc đầu và thả một câu vào không gian chật hẹp của chiếc sedan: “Loạn”. Ấy nhưng, mệt nhất là mấy ông, mấy bà có trình độ học vấn tự xưng là chuyên gia, diễn giả khi “phổ biến kiến thức” về các lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp để lấy tiền. Họ lôi chuyện trên trời dưới bể, trong đó có cả những câu chuyện giường chiếu đỏ mặt, nhằm thu hút người nghe như một cách để làm thương hiệu.
Trong dịp chống dịch Covid-19 kéo dài gần 4 tháng, chúng ta được chứng kiến những màn "tỉ thí ngôn ngữ" của những kẻ mang “tâm lý con vích” và “triết lý loài cua” với lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh. Hầu như ở địa phương nào cũng có một hai trường hợp đình đám chống đối lực lượng chức năng được lan tỏa trên mạng xã hội mà tiêu biểu như những lời nói tục tĩu, phản cảm của “chị đại” quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Gần đây nhất, khi lực lượng chức năng huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) tiêu hủy đàn chó của người dân từ đi Long An về Cà Mau do sợ lây dịch thì nhận được những phản ứng mãnh liệt của một số đối tượng. Họ đã lợi dụng việc này để hình sự hóa, chính trị hóa vấn đề, vu cáo rằng đã bị “lỗi hệ thống” bằng những ngôn ngữ rất chính trị. Họ lợi dụng ngôn ngữ để biến chó, mèo thành người và người thì trở thành chó và mèo.
Chuyện ngôn ngữ bị bóp méo, trở thành phương tiện kiếm cơm của các loại hình nghệ thuật biểu diễn đã không còn quá xa lạ trong xã hội chúng ta. Ngôn ngữ uế tạp, ỡm ờ và thậm chí là tục tĩu xuất hiện ở các chương trình hài kịch được phát sóng khá nhiều. Nhưng có lẽ, thảm họa kinh khủng đáng lo ngại nhất vẫn là hiện tượng “rác” ngôn ngữ trong ca nhạc. Những bài hát giàu ngôn ngữ hình ảnh, giàu cảm xúc đã dần thưa vắng, nhường chỗ cho những ca khúc câu từ cộc lốc, cũn cỡn, dung tục, phản cảm đến độ phải gọi là “rác” nhạc. Nếu ai đã từng nghe các ca khúc trong MV “Chim quý trong lồng” ra mắt ngày 12-7-2021 của Văn Mai Hương và K-ICM hoặc MV “Anh đếch cần gì nhiều ngoài em” của Đen Vâu hay một sáng tác mới có tên “Em yêu kem chuối” của rapper LK thì hẳn sẽ không dám tin nó là thật. Trên không gian mạng, nhất là trên mạng xã hội, vấn đề sử dụng ngôn ngữ thái quá, phản cảm, vô nguyên tắc để kiếm “nút vàng”, “nút bạc” diễn ra nhan nhản. Cá biệt, có cá nhân còn tự làm nội dung hài kịch bôi xấu dân tộc thiểu số bằng những ngôn ngữ ngây ngô hoặc thực hiện “phỏng vấn dạo” đánh vào sự tò mò và giải trí tầm thường trong xã hội.
Tiếng Việt vốn giàu đẹp, phong phú và đa dạng, khiến cho nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, sáng tạo nghệ thuật say mê. Đã có những tác phẩm bằng ngôn ngữ mang giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao đóng đinh vào trái tim nhiều thế hệ, góp phần phê phán cái xấu, hình thành nhân cách, đạo đức, lý tưởng sống cao đẹp ở nhiều lớp người. Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thầy trong sử dụng tiếng Việt đã từng nhắc nhở: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”(1); hay “Ta phải giữ đất nước của chúng ta, Tổ quốc của chúng ta; phải giữ cái tiếng của chúng ta”(2). Người mong rằng mỗi người dân Việt Nam đều có ý thức bảo vệ tiếng Việt cả trong giao tiếp cũng như viết báo, làm văn... “Không nên dùng tiếng ngoại quốc, khi có thể dùng tiếng ta”(3)...
Làm cách nào để chặn đứng hiện tượng “rác”, “sạn” trong sử dụng ngôn ngữ ở xã hội chúng ta; làm thế nào để ngôn ngữ tiếng Việt giàu đẹp lan tỏa... là những câu hỏi khiến nhiều người trăn trở. Nhưng trước khi có các biện pháp đủ mạnh để trấn hưng nạn ngôn ngữ “rác”, “sạn” trong đời sống của ngành chức năng, mỗi người trong xã hội chúng ta cần nêu cao ý thức khi sử dụng ngôn ngữ, tránh sử dụng những ngôn từ thô tục, kém trong sáng. Càng là người lớn tuổi, người có vị thế xã hội thì càng phải giữ ý khi sử dụng ngôn ngữ sao cho thông tin truyền tải chính xác, biểu cảm, mang giá trị văn hóa cao.
Gần đây, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Giá kể cơ quan chủ quản của ngành văn hóa cũng nhân cơ hội này mà định hướng, cổ vũ, tạo thành phong trào bài trừ “sạn”, “rác” ngôn ngữ ra khỏi đời sống và trong các tác phẩm văn học nghệ thuật và loại hình nghệ thuật biểu diễn thì hay biết mấy.
Bởi ngôn ngữ chỉ thực sự đẹp khi người sử dụng ngôn ngữ yêu cái đẹp, cái tinh túy do ngôn ngữ mang lại.
Tiến sĩ BÀN TUẤN NĂNG
Chú giải:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, t.13, tr.465.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 306.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, 33.