Là người được đào tạo bài bản về nghề (rất hiếm nhà phê bình, nghiên cứu là dân “tay ngang”), có quá trình theo dõi văn học lâu dài, ý kiến của nhà phê bình mặc nhiên được nhà văn coi trọng hơn bạn đọc thông thường. Vậy nhà văn trông chờ gì ở nhà phê bình? Có hai giai thoại văn nghệ nêu lên mong muốn của nhà văn đối với nhà phê bình.

Giai thoại thứ nhất là câu chuyện giữa thiên tài văn học Nga Đốt-xtôi-ép-xki và nhà phê bình nổi tiếng Bê-lin-xki. Lúc Bê-lin-xki - khi đã rất nổi tiếng - tình cờ đọc được một truyện ngắn của Đốt-xtôi-ép-xki (vừa mới vào nghề văn), nửa đêm ông đến gặp Đốt-xtôi-ép-xki và bảo: “Anh có biết mình là ai không? Anh chính là thiên tài văn học”. Được nhà phê bình tầm cỡ nhất nhì của văn đàn Nga thời đó khen ngợi, Đốt-xtôi-ép-xki vô cùng sung sướng, lao vào viết, hăm hở mang cả chồng bản thảo mới đến khoe Bê-lin-xki. Bê-lin-xki đọc xong liền ném hết vào lò sưởi, nghiêm giọng bảo Đốt-xtôi-ép-xki rằng: “Đốt-xtôi-ép-xki chỉ là Đốt-xtôi-ép-xki khi theo đuổi chủ nghĩa hiện thực”. Đốt-xtôi-ép-xki ghi lời tạc dạ lời dặn đó và trở thành đại văn hào như chúng ta đã biết. Giai thoại phản ánh thái độ “cầu thị” của nhà văn đối với ý kiến của nhà phê bình về việc phát triển sự nghiệp trong tương lai. Nhà văn mong muốn nhận được từ nhà phê bình những nhận xét, góp ý thẳng thắn về chuyên môn hẹp như phong cách sáng tác, loại hình sáng tác, đề tài, cách xây dựng nhân vật… Nhưng đây là câu chuyện của quá trình tiền sáng tác, khi nhà văn mới chỉ lên ý tưởng cho đứa con tinh thần của mình. Còn khi tác phẩm đã thành hình, điều nhà văn chờ đợi nhất ở nhà phê bình lại hoàn toàn khác.

Điều mong chờ ấy nằm ở giai thoại thứ hai vốn quá phổ biến ở phương Đông là câu chuyện Bá Nha - Tử Kỳ. Điểm mấu chốt của tình bạn “tri âm tri kỷ” đẹp đẽ giữa hai người nằm ở chỗ Tử Kỳ luôn đoán và khen đúng tiếng đàn của Bá Nha đang hướng đến điều gì. Nắm bắt và gọi ra được những tâm tư thầm kín mình gửi vào trong tác phẩm là điều các nhà văn mong muốn ở nhà phê bình khi tác phẩm của mình đã xuất bản. Ở chiều ngược lại, nhà phê bình sẽ mong đợi điều gì ở nhà văn, hay chính xác hơn là ở tác phẩm của họ? Có hai mối quan tâm, tương ứng với hai sự mong muốn. Mối quan tâm thứ nhất của nhà phê bình đối với tác phẩm là trong tác phẩm này có yếu tố nào phù hợp với lý thuyết văn học mình đang theo đuổi.

Như đã nói ở trên, rất hiếm nhà phê bình là dân “tay ngang” mà đa phần là những người được đào tạo bài bản. Trong quá trình đào tạo và thực hành nghề sau này, mỗi nhà phê bình sẽ tự tìm cho mình một hướng đi riêng, gắn liền với một hoặc một nhóm lý thuyết. Và tác phẩm văn học xuất hiện những yếu tố gắn với lý thuyết đó sẽ thu hút mối quan tâm của nhà phê bình. Tác phẩm lúc này với nhà phê bình chẳng qua chỉ là công cụ, minh chứng cho tính đúng đắn của lý thuyết mà thôi. Mối quan tâm thứ hai đến từ sự hấp dẫn và bí ẩn của tác phẩm. Trong trường hợp này nhà phê bình bị thu hút bởi nguyên lý trò chơi. Nhà văn là người sáng lập trò chơi, còn nhà phê bình là người chinh phục. Trò chơi càng khó, càng hấp dẫn thì càng thúc đẩy quyết tâm chinh phục của người chơi. Và khi đã tham gia trò chơi, không ai muốn chơi một mình. Cần có người chơi cùng, càng nhiều người chơi càng tốt, khi đó người chiến thắng mới thể hiện được những “giá trị” của mình. Tác phẩm văn học một khi đã biến thành “trò chơi” của giới nghiên cứu, phê bình chắc chắn sẽ nổi tiếng và có sức sống lâu dài trong đời sống văn học. Tuy nhiên đây là điều rất khó. Một giai đoạn, một thời kỳ văn học thường chỉ có vài ba tác phẩm “may mắn” trở thành trò chơi của thế giới nghiên cứu, phê bình. Ở chiều hướng ngược lại, nếu nằm ngoài hai mối quan tâm kể trên, đối với nhà phê bình lúc đó tác phẩm văn học chỉ đơn thuần có giá trị “giải trí”.

Tuy nhiên, những điều trên chỉ mang tính lý thuyết. Giữa thực tế và mong muốn là hai việc hoàn toàn khác nhau. Do đó, tình bạn giữa Bá Nha và Tử Kỳ xuất hiện trong giai thoại nhiều hơn là đời thực. Và mối quan hệ giữa nhà văn-nhà phê bình trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay đã có những biến đổi cho phù hợp. Nhà văn giờ không chỉ cần những nhà phê bình tri âm, cần những lời nói đúng “tơ lòng” mà còn “chấp nhận” cả những ý kiến trái chiều về tác phẩm của mình, miễn sao sách trở nên “hot”. Thậm chí việc bị “đánh đập” ở nhiều trường hợp lại là một phần của kế hoạch “quảng bá” cho tác phẩm trong hoàn cảnh thị phần văn chương ngày càng bị thu hẹp so với các loại hình giải trí khác và mọi việc muốn thành công phải nhờ đến công nghệ PR như một yếu tố bảo đảm. Về phía nhà phê bình, do giữa tác phẩm thỏa mãn được một trong hai mong muốn, đặc biệt là mong muốn thứ hai, luôn nằm ở số ít, nên họ buộc phải mở rộng “đường biên văn học” để “sinh tồn”. Điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến họ trên một số mặt trong cuộc sống, chuyên môn, thậm chí cả đạo đức nghề nghiệp.

Song dẫu có biến chuyển thế nào, quan hệ cộng sinh giữa nhà văn và nhà phê bình vẫn không thay đổi.

MINH TRANG