Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời khi như mặt trăng
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?
1982
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được biết đến rộng rãi với trường ca "Mặt đường khát vọng" mang âm hưởng sử thi huyền thoại cùng tập thơ "Ngôi nhà có ngọn lửa ấm" (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam). Năm 2001, Nguyễn Khoa Điềm nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đó là sự ghi nhận những cống hiến to lớn của ông cho nền văn học nước nhà.
 |
Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn |
Thơ Nguyễn Khoa Điềm rất giàu suy tư và cảm xúc, cất lên từ một điệu tâm hồn, điệu sống say mê mà sâu đằm. Có lẽ, đó là nét chính làm nên cốt cách thi ca của ông. Đi qua "Mặt đường khát vọng" đến "Ngôi nhà có ngọn lửa ấm" và những bài thơ hậu chiến, Nguyễn Khoa Điềm càng lắng tụ nhiều hơn những suy cảm trước cuộc đời, con người, thời gian và sự sống. Bài thơ "Mẹ và quả" là một tiếng thơ, một điệu trữ tình tiêu biểu cho phong cách ấy.
Xuất phát từ những suy tư, cảm xúc về cuộc đời của mẹ, gắn với những năm tháng tảo tần, vun trồng chăm sóc và hy vọng, gắn với những mùa quả-đời người, bài thơ "Mẹ và quả" là tiếng lòng của người con chân thành mà sâu lắng. Tự nhiên như nhựa ấm trong cành để đọng vào hoa trái, tứ thơ chợt đến khi tác giả nghĩ về những mùa quả mẹ gieo trồng trong mối liên hệ với chúng con. Tứ thơ này đậu trên 3 hình tượng: Mẹ-quả-con, với mối liên hệ vừa hiển lộ vừa ẩn tàng, tạo nên chiều sâu cho cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm.
Tứ thơ mẹ-quả-chúng con được khai mở bằng những liên hệ từ cuộc đời tần tảo của mẹ. Vun trồng, chăm sóc và hái gặt, nhịp điệu ấy tuần tự qua năm tháng, qua những vòng quay đều đặn của mặt trời, mặt trăng. Ngày và đêm, những lặn, mọc của mùa quả mang bao hy vọng, chờ trông của mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả trưng dụng hình ảnh bí, bầu-tượng trưng cho những mùa quả. Ở đó, có một trường nghĩa nối kết đến mẹ và con. Lớn lên và lớn xuống cũng không phải là cách nói cốt chỉ để tạo hình ảnh đối lập, mà trọng tâm rơi vào hình dáng bí, bầu trĩu xuống như giọt mồ hôi lặng thầm của mẹ. Thành quả nào chẳng nhọc nhằn, cái lớn xuống kia, hóa ra lại là nguồn cơn cho những gì đang lớn lên. Đó chẳng phải là nguồn sống/lớn lên của những đứa con hay sao?
Những quả theo mùa chỉ là cấu trúc bề mặt của văn bản hình tượng, mạch thơ được khơi sâu hơn, nơi ý nghĩ, cảm xúc đã đọng lại trong thứ quả tuyệt vời nhất mà mẹ dành cả đời chăm bẵm-những đứa con. Khổ cuối của bài thơ chứa đựng sức nặng tư tưởng đã vun trồng từ tứ thơ khởi phát. Ý nghĩ dẫn về phía con, với nỗi băn khoăn, tự vấn. Sẽ không có câu trả lời thống nhất, thỏa đáng cho lời tự vấn này, nếu nhìn từ hai phía: Mẹ-con. Có lẽ, mẹ sẽ chẳng bao giờ an lòng về những đứa con của mình, cho dù chúng có lớn đến chừng nào. Cái giật mình hoảng sợ chính là khi con nhận ra điều đó. Càng hoảng sợ hơn, là khi mẹ không còn nhiều thời gian để chứng kiến con mình chín chắn, trưởng thành. Liệu có bao giờ? Bàn tay mẹ mỏi là hình ảnh tượng trưng cho đời mẹ. Trái quả, non xanh là tượng trưng cho đời con. Hai nẻo ấy, khắc khoải nỗi lo âu của mẹ, nỗi lo sợ của con. Bài thơ vì thế mà day dứt đến chữ cuối cùng, day dứt mãi vào hồn ta.
Bài thơ "Mẹ và quả" của Nguyễn Khoa Điềm khép lại bằng một câu hỏi, bởi thế, những ý nghĩ, cảm xúc không dừng lại. Nước mắt chảy xuôi, mồ hôi chảy xuôi, bí bầu lớn xuống, còn con người thì lớn lên. Nhưng, trong cõi lòng bao dung của mẹ, có bao giờ hết những âu lo, đợi chờ, hy vọng? Nhịp điệu ấy làm nên nghĩa lý nhân văn của sự sống. Đó là giá trị tư tưởng mà Nguyễn Khoa Điềm gửi gắm trong thi phẩm chân thành, sâu lắng này.
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.