QĐND - Nhắc đến nhà văn Nguyễn Đình Lạp, hầu như ít người biết. Có chăng, một số người chỉ biết đến ông có hai tiểu thuyết “Ngoại ô” và “Ngõ hẻm” được điểm qua trong các cuốn văn học sử, sách nghiên cứu, giáo trình đại học. Có phải Nguyễn Đình Lạp mờ nhạt trên văn đàn?
Nguyễn Đình Lạp sinh năm 1913 tại phố Bạch Mai (Hà Nội). Ông xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước. Ông nội là chí sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục. Bố mẹ mất sớm, Nguyễn Đình Lạp được chú ruột là Nguyễn Phong Sắc nuôi dạy, rèn giũa. Bản thân ông từng qua quân đội, công an. 20 tuổi, ông đã tham gia viết báo. Mất sớm (khi mới 39 tuổi) lại vào đúng thời kỳ đất nước khó khăn, nhiều tác phẩm của ông hiện giờ không thể tìm thấy bản thảo. Các tác phẩm hiện còn của ông cũng được in rời rạc và chỉ tương đối tập trung khi được tập hợp trong “Nguyễn Đình Lạp-tác phẩm” của Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin (2003), đầy đặn và đa chiều hơn trong “Nguyễn Đình Lạp-tuyển tập” của Nhà xuất bản Công an nhân dân (2015).
Bìa cuốn sách "Nguyễn Đình Lạp - tuyển tập" do Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành năm 2015.
Với số ít tác phẩm của mình, Nguyễn Đình Lạp đã được nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình đánh giá là mang tính hiện thực và hé ra khuynh hướng xã hội chứ không chỉ là hiện thực phê phán thông thường. Ông có những đóng góp quan trọng với văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học hiện thực giai đoạn 1930-1945. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Đình Lạp, trong bài viết của mình, GS Phong Lê cho rằng: “Thế hệ Vàng 100 năm bắt đầu từ Ngô Tất Tố, Hoàng Ngọc Phách… qua những tên tuổi lực lưỡng như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng… rồi Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh…, đến năm 2013 này là lần lượt Vũ Bằng, Vũ Đình Liên, Đoàn Văn Cừ, Trần Huyền Trân, Nguyễn Đình Lạp”. Cũng theo giáo sư, với các tác phẩm của mình, Nguyễn Đình Lạp “xứng đáng là một trong số những người hiếm hoi, sau Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố duy trì và chuyên canh một loại hình văn học, góp vào sự phong phú, đa dạng của gương mặt văn học Việt Nam hiện đại”. Trong khi đó, Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân khẳng định: "Những phóng sự, tiểu thuyết, truyện vừa, bài giảng của Nguyễn Đình Lạp tới nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Ngòi bút của ông hướng đến cuộc sống của những người có thân phận hèn mọn, địa vị thấp kém, cảnh đời lầm than, bế tắc...".
Tính nhân bản của ngòi bút Nguyễn Đình Lạp là một trong những yếu tố quan trọng khi đánh giá về giá trị các tác phẩm của ông. Qua các sáng tác của nhà văn tiền bối, TS Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học) đưa Nguyễn Đình Lạp "vào hàng ngũ nhà văn hiện thực với thành tựu lớn nhất là thể hiện đời sống người dân nghèo ngoại ô. Tác giả không chỉ phản ánh hiện thực mà còn nghiền ngẫm những quan hệ nhân sinh, xã hội. Từ đó đưa ra thông điệp về khát vọng đổi thay những bất công phi lý, khuyên thanh niên sống có lý tưởng, lành mạnh". PGS, TS Lê Thị Đức Hạnh cho rằng: “Đặc sắc của phóng sự Nguyễn Đình Lạp là giàu chất trí tuệ. Ông không chỉ giúp người đọc thấy được hiện tượng xã hội một cách cụ thể, sống động, phơi trần chân tướng tồi tệ, bệnh hoạn của một thời đại với những hậu quả, tác hại của nó mà thường trực tiếp phân tích, lý giải, tìm ra nguyên nhân xã hội của các hiện tượng. Như khi nói về một phụ nữ đã biến thành “một thứ hàng hóa” của khách làng chơi, ông có vẻ như bình thản, khách quan, nhưng ẩn chứa bên trong là cả một tâm tình, khi cho rằng: Lúc sinh ra đời, người này cũng “ngây thơ, chất phác”, có khác là “sinh ở chốn nghèo hèn” nên bị người đời “tranh hết cả việc làm”, “cả cơm ăn”...”.
Hy vọng rằng, trên cơ sở những đánh giá đầy trân trọng như vậy, sáng tác của Nguyễn Đình Lạp sẽ tiếp tục được tìm kiếm bổ sung để bạn đọc, các nhà nghiên cứu có cái nhìn tổng thể hơn về sáng tác và sự nghiệp của ông.
HUY AN