Xuất bản phẩm đầu tiên của Nguyễn Đình Thi là những tác phẩm liên quan đến triết học như: “Triết học Kant”, “Triết học Descartes”, “Siêu hình học”... Ở tuổi mười tám, đôi mươi, sức viết của Nguyễn Đình Thi chỉ là loại sách nhập môn, chưa phải là những nghiên cứu tầm cỡ, sâu sắc. Nhưng chúng chỉ dấu tác giả là người am tường triết học. Hầu hết các phương pháp nghiên cứu văn hóa, văn nghệ đều thoát thai từ triết học.
Nắm được căn cốt triết học, việc tìm hiểu khoa học văn chương của Nguyễn Đình Thi thực sự dễ dàng. Song, ông là người chuyên tâm sáng tác, không chú tâm đi sâu vào con đường nghiên cứu nên mãi đến sau năm 1954, ông mới bắt đầu viết tiểu luận văn chương, đó là: “Mấy vấn đề văn học” (1956), “Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ hiện nay” (1957), “Công việc của người viết tiểu thuyết” (1964).
 |
Nhà văn Nguyễn Đình Thi (thứ hai, từ trái sang) cùng các đồng nghiệp sơ tán trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Ảnh tư liệu |
Nguyễn Đình Thi cũng giống nhiều văn nghệ sĩ tầm vóc, luôn ý thức “tự nghiên cứu” để giải đáp nhiều câu hỏi nảy sinh trong quá trình sáng tác, từ đó rút ra nhiều kinh nghiệm. Việc Nguyễn Đình Thi viết các tiểu luận phê bình là một lẽ tất yếu muốn thể hiện những suy ngẫm của mình với văn chương, mối quan hệ giữa văn chương với con người và đời sống, chứ không hẳn ông viết trong vai một nhà lãnh đạo văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Trang viết tiểu luận của Nguyễn Đình Thi không sa vào lý luận với những phạm trù, khái niệm hàn lâm mà như những bài nói chuyện thủ thỉ, tâm tình. Phải đọc kỹ mới thấy nhiều luận điểm hết sức giá trị. Chẳng hạn, trả lời cho câu hỏi vì sao chất lượng sáng tác ở nhiều cây bút còn non, ông trả lời là do ít suy nghĩ về đời sống!
Hay như thời điểm văn học đổi mới mạnh mẽ vào thập niên 1980, một số nhà văn trẻ quá “hăng hái”, “bốc trời”, cho rằng tác phẩm của mình là tiên tiến, chê bai những tác phẩm văn chương trước đó. Nguyễn Đình Thi không phản đối chuyện đổi mới văn chương nhưng ông cho rằng nhà văn cần phải có nền tảng tri thức, vốn sống phong phú mới có thể đổi mới thật sự. Ông cho rằng nhiều nhà văn chỉ là đang “đổi ngược” chứ không phải đổi mới.
Nhiều ý kiến của Nguyễn Đình Thi có tính gợi mở quan trọng. Chẳng hạn, về vấn đề giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới, ông cho rằng cần giới thiệu những tác phẩm khác lạ, đậm đà bản sắc Việt Nam. Dẫn chứng của ông là trường hợp “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài được độc giả nước ngoài yêu thích vì họ ít có loại truyện đồng thoại.
Bên ngoài trang sách, trong các buổi trò chuyện “trà dư tửu hậu”, Nguyễn Đình Thi thể hiện tầm khái quát và sự hiểu biết về văn chương rất sâu sắc. Trong tác phẩm “Dĩ vãng phía trước” (2011) của Ngô Thảo kể nhận xét của Nguyễn Đình Thi: Văn chương ở Việt Nam có xu hướng lấy đời sống làm gốc giống văn học Nga, văn học Mỹ; không giống kiểu văn chương luận đề, thiên về tri thức, sách vở như văn chương Pháp. Mỗi kiểu viết có cái khó riêng, song, theo Nguyễn Đình Thi, nếu viết văn kiểu hiện thực “thật thà như đếm” sẽ khó vượt qua những đỉnh cao sừng sững trên thế giới.
Ngoài ra, Nguyễn Đình Thi đã bỏ thời gian để đi nói chuyện, giảng bài hàng nghìn lần ở các trường đại học, trại viết, cơ quan, đơn vị... Ấn tượng với những cây bút trẻ là một nhà văn lịch lãm, uyên bác. Nghe Nguyễn Đinh Thi trò chuyện, họ được “truyền lửa”, quyết tâm dấn thân vào con đường chữ nghĩa đầy khó khăn nhưng cũng rất thú vị.
MỘC MIÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.