Ngày 8-10-2024, nhà văn Hoàng Quốc Hải là 1 trong 10 cá nhân được thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024.
Hoàng Quốc Hải không sinh ra ở Hà Nội, nhưng với ông, Hà Nội không chỉ là một điểm dừng chân, mà là bến đỗ của tâm hồn, nơi chất chứa tình yêu mãnh liệt dành cho văn hóa và lịch sử của đất nước. Sinh ra ở một làng quê yên bình tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, tuổi thơ ông gắn bó với những câu chuyện dân gian và bản sắc truyền thống dân tộc đã ngấm vào máu thịt ông.
Dù đã bước sang tuổi 86, nhà văn Hoàng Quốc Hải vẫn không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức, bởi ông coi văn chương như một biển lớn cần không ngừng khám phá. Ông luôn tâm niệm: "Cái tưởng đúng hôm qua chưa hẳn đã là khuôn vàng thước ngọc cho hôm nay".
 |
Nhà văn Hoàng Quốc Hải.
|
Đến với sự nghiệp văn chương cũng như một cơ duyên, ông tâm sự: “Người ta sinh ra đời không ai nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn. Khi lần đầu đặt chân đến Hà Nội, tôi cảm nhận được sự cuốn hút kỳ lạ từ những góc phố cổ kính, từ những ngõ ngách rêu phong, nơi từng ngôi nhà, từng viên gạch như thầm thì kể về một thời oanh liệt. Chính sự cuốn hút ấy đã thôi thúc tôi dấn thân vào con đường văn chương để kể lại cho đời về một Hà Nội mà mình đã trót thương yêu từ cái nhìn đầu tiên”.
"Hà Nội có thể không cần có tôi nhưng tôi không thể thiếu Thăng Long - Hà Nội”, nhà văn Hoàng Quốc Hải nhấn mạnh.
Tình yêu ấy không đơn thuần là sự ngưỡng mộ, mà là một thứ tình cảm mãnh liệt, sâu lắng, một sự kết nối tâm hồn giữa ông và mảnh đất này. Chính vì vậy, từng tác phẩm của ông không chỉ phản ánh cuộc sống mà còn là lời tỏ bày tình yêu chân thành với Thủ đô.
Cho đến nay, hơn 6 thập kỷ học tập và sinh sống tại Hà Nội đã gắn kết ông với mảnh đất này một cách tự nhiên và sâu sắc. Tình yêu với Hà Nội trong ông cứ thế lớn dần lên, nhất là khi đảm nhận vai trò biên tập cho Tạp chí Sáng Tác Hà Nội.
Ông chia sẻ: “Càng đi sâu tìm hiểu, tôi càng nhận ra Thăng Long - Hà Nội như một "mỏ quặng khổng lồ" chứa đựng những trầm tích văn hóa quý báu đã kết tinh qua bao thế kỷ. Dù các bậc tiền bối đã khai thác, vẫn còn biết bao điều mới mẻ chờ đợi phía trước”.
Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, ngày trước, khi chỉ đọc những tác phẩm của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Bằng, Khái Hưng, Thế Lữ, Tô Hoài, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Trúc Khê, Ngô Tất Tố… ông đã thấy Hà Nội đầy quyến rũ.
Về sau, khi được làm việc cùng các bậc đàn anh như Tô Hoài, Kim Lân, Bùi Huy Phồn, Nguyễn Xuân Sanh, Huyền Kiêu… tầm mắt của ông càng mở rộng và thấy rõ hơn vẻ đẹp đặc biệt của mảnh đất này.
Cũng chính vì lẽ đó mà trong sự nghiệp văn chương của mình, gần 3/4 các tác phẩm của ông đều dành cho Hà Nội, gồm đủ các thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, bút ký, tạp văn, phê bình và nghiên cứu. Đặc biệt, hai bộ tiểu thuyết lịch sử "Tám Triều Vua Lý" và "Bão Táp Triều Trần" là một hành trình xuyên suốt 400 năm lịch sử với độ dài hơn 6.500 trang.
Điều đặc biệt trong văn chương của Hoàng Quốc Hải là ông không chỉ miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của Hà Nội mà còn đi sâu vào linh hồn của nó. Mỗi con phố, mỗi mái ngói rêu phong đều được ông nhìn nhận như một sinh thể sống, mang trong mình những ký ức và cảm xúc riêng biệt.
Phải là người mang tình yêu chan chứa và sâu đậm mới có thể hiểu, cảm nhận sâu sắc về mảnh đất ngàn năm văn vật. Nhà văn xúc động: “Hà Nội và Thăng Long, hai cái tên chẳng thể tách rời trong tôi, Hà Nội là hiện tại còn Thăng Long là trầm tích. Chúng ta nhìn vào hiện tại để hiểu được những gì của Thủ đô đổi mới nhưng nhìn vào quá khứ chúng ta như nhìn vào một tấm màn sương đục”.
Không chỉ mô tả Hà Nội dưới góc nhìn lịch sử, mà ông còn đưa vào đó hơi thở đương đại của thành phố này. Hà Nội của ngày hôm nay – vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa bình dị nhưng lại hào hoa, trong từng góc phố, từng hàng cây. Qua ngòi bút của ông, những câu chuyện bình dị về đời sống, sinh hoạt của người Hà Nội trở thành những mảnh ghép đầy màu sắc, tạo nên bức tranh toàn cảnh về một Hà Nội mang trong mình sức sống mãnh liệt.
Đối với nhà văn Hoàng Quốc Hải, viết về Hà Nội không chỉ là niềm đam mê mà còn là một trách nhiệm. Ông mong muốn những tác phẩm của mình sẽ là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ hiểu được giá trị của văn hóa truyền thống. Ông tin rằng, mỗi người con Hà Nội cần biết trân trọng quá khứ, bởi quá khứ chính là nền tảng để dựng xây tương lai.
Khi biết tin được trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024, ông bày tỏ niềm vui vì sự ghi nhận từ tập thể. Nhân dịp này, ông cũng muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Hội Nhà văn Hà Nội - nơi ông đã gắn bó từ ngày đầu thành lập, cũng như Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội - nơi đã đề cử ông tới lãnh đạo Thành phố.
Có thể thấy, qua những tác phẩm của Hoàng Quốc Hải, người đọc không chỉ thấy một Hà Nội hiện lên sống động mà còn cảm nhận được những giá trị văn hóa truyền thống thấm đẫm trong từng câu chữ. Di sản văn chương ông để lại là một kho báu vô giá, là hành trang tinh thần cho các thế hệ sau. Những trang sách ấy, dù đơn sơ hay sâu lắng, vẫn luôn là lời nhắc nhở rằng Hà Nội, dù thay đổi, nhưng vẫn là trái tim, là linh hồn bất diệt của một dân tộc.
Cả một đời người đã dành để yêu, để viết, để lưu lại những gì đẹp nhất, thanh bình nhất của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Nhà văn Hoàng Quốc Hải không chỉ là một người viết về Hà Nội, mà ông chính là linh hồn của Hà Nội trong văn chương.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải sinh năm 1938, Hội viên Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội, là tác giả của hàng chục cuốn tiểu thuyết lịch sử và nhiều bài viết trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội trên cả nước góp phần quan trọng trong dòng chảy văn học, dòng chảy lịch sử Việt Nam.
Với những đóng góp đặc biệt xuất sắc, ông được tặng thưởng Huân chương chống Mỹ hạng Nhì; Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Giải thưởng "Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội" năm 2008; Giải thưởng của Hội Văn nghệ Hà Nội cho tác phẩm "Làng quê chị Dậu" năm 1969, tác phẩm "Ông giám đốc như tôi đã biết" năm 1970; "Giải thưởng Nhà nước" cho bộ tiểu thuyết "Bão táp triều Trần" năm 2017; Giải "Thành tựu văn học trọn đời" của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2020.
|
Bài, ảnh: MINH ÁNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô xem các tin, bài liên quan.