Tô Hải Vân được biết đến như một người đa năng: Tiến sĩ kinh tế, giảng viên đại học, làm báo, làm sách, viết văn... Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, với sáu tập truyện ngắn được trình làng, ông đã dần định hình cho mình một lối viết được đột khởi từ một tứ lạ, ý tưởng lạ, câu chuyện lạ đến kết cấu lạ, nhân vật lạ… Mỗi sáng tác của Tô Hải Vân thể hiện chiều sâu suy tư triết học về bản thể con người phức tạp, đa chiều. Không muốn lặp lại chính mình, càng không muốn trói buộc mình vào một phong cách, một thể loại, tác giả đã tiếp tục tìm tòi, thể nghiệm hình thức mới trong cuốn tiểu thuyết đầu tay “Người thứ hai”.

 “Người thứ hai” có sự lắp ghép, song hành hai tuyến truyện với sự lồng ghép, đồng hiện nhiều mảng không gian, thời gian và tâm lý khác nhau. Câu chuyện bắt đầu bằng cuộc hành trình giả tưởng của nhân vật “tôi” kiếm tìm “một chỗ đứng” trên chuyến tàu vừa thực vừa ảo. Song hành là chuyến tàu cuộc đời của Viễn, một trí thức trẻ, mang trong mình bầu nhiệt huyết tuổi thanh xuân với khát vọng sống và cống hiến. Trên chuyến tàu hư ảo, anh hiện diện như một kẻ đứng bên lề, bị đẩy văng ra, hoang mang, lạc lối. Hai cuộc đời phân thân - một thực một hư ảo, tuy khởi hành trong những khoảng không gian và thời gian khác nhau, nhưng lại chung một mục đích - truy tìm bản thể để sống đúng với con người mình dù là trong thế giới tưởng tượng.

Tô Hải Vân đã tạo dựng thế giới nhân vật phong phú theo nguyên tắc trái chiều: Một phía là tính phức hợp, đa diện của nhân vật (Viễn, Muôn, Hoan); phía bên kia là sự mờ hóa, làm “dẹt”, "bào mỏng" nhân vật. Bên cạnh các nhân vật vốn là hình chiếu của con người thực ngoài xã hội là những nhân vật hiện diện như những ký hiệu, mô hình, biểu tượng cho những góc khuất tâm hồn, trạng huống xã hội và bi kịch nhân sinh (“kẻ săn đầu người”-Muôn, giáo sư Hoài, viện trưởng Hoan, trưởng phòng Phiến, phó phòng Thuyên, nghiên cứu viên Huỳnh, gác cổng Hanh, nhân viên Loan, bạn đồng hành Liên…).

Tiểu thuyết “Người thứ hai” xuất hiện nhiều nhân vật phi nhân dạng, phi tính cách, phi tâm lý, phi cội nguồn, phi tồn tại, và được giải mã theo nhiều cách khác nhau. Thế giới người trong tác phẩm của Tô Hải Vân được đan cài tinh tế khiến người đọc luôn bị ám ảnh, nhiều lúc không phân biệt nổi giữa cuộc đời/người thực và ảo. Nhờ đó, tiểu thuyết của ông có những khám phá nhiều chiều về bản chất cuộc sống và căn tính con người, mở ra những tầng sâu mới thú vị đời sống đầy bí ẩn, vô cùng vô tận của những cá thể người.

Nét độc đáo khác của tiểu thuyết “Người thứ hai” có sự đan cài của người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng “tôi” (các chương được đánh số lẻ) và người kể chuyện ngôi thứ ba khách quan (các chương được đánh số chẵn). Bên cạnh đời sống đương đại đa chiều, ngổn ngang, tác phẩm hiện ra như một bản khảo trạng tâm lý nhân vật phức tạp, một “tiểu tự sự” về nội tâm và khát vọng cá nhân của con người. Cái vô tận của thế giới bên ngoài song hành cùng cái vô tận, đa chiều của tâm hồn. Với xu hướng tiếp cận tính phức tạp của cuộc sống trong thế giới hiện đại, tiểu thuyết của Tô Hải Vân được tổ chức theo lối kết cấu phân mảnh, đồng hiện, đa tầng bậc. Trong mỗi chương của tác phẩm luôn xuất hiện những dòng hồi cố liên tục của nhân vật khiến trục thời gian tuyến tính bị tháo dỡ, quá khứ cứ xô về đan xen và bồi đắp cho hiện tại. Lúc này, hiện tại và quá khứ soi vào nhau, lấp đầy dần những khoảng trống, tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh về cuộc đời của nhân vật chính. Cùng với đó là sự xếp chồng nhiều bình diện không gian: Không gian hiện thực (cái phức tạp, xô bồ của xã hội đương đại), không gian tâm tưởng (ký ức, vô thức, tưởng tượng của Viễn), không gian giả tưởng, siêu thực (chuyến tàu, ga xép, chợ bán bằng cấp, đồng hồ)… Sự đồng hiện các lớp không-thời gian kết hợp với đồng hiện các bình diện tâm lý khiến hình tượng văn học trở nên mơ hồ, đa nghĩa, gia tăng tính đối thoại, luận giải. Chính sự đồng hiện các bình diện tâm lý đã lý giải sâu sắc những động cơ thầm kín bên trong ý nghĩ và hành động của nhân vật. Ở một góc nhìn khác, việc thám hiểm vào tầng sâu vô thức, tâm linh thể hiện sự đa diện, nhiều chiều trong quan niệm về con người cũng như kiến tạo cảm thức mới về thế giới của nhà văn, trong đó nổi bật là thế giới nội tâm đa chiều của con người hiện đại.

Bên cạnh đó, Tô Hải Vân còn thể hiện nỗ lực làm mới thể loại bằng sự đa thanh, phức hợp trong giọng điệu (sự pha trộn giữa giọng triết lý, chiêm nghiệm, giọng chất vấn, hoài nghi, giọng hài hước, giọng khách quan, vô âm sắc…). Không rườm rà, cầu kỳ, bí hiểm, nhà văn đã kiến tạo nên lớp diễn ngôn tự sự vừa mang đậm chất hiện thực, đời thường - tươi tắn, hóm hỉnh, trẻ trung, sinh động; vừa tăng cường tính luận giải, đối thoại, giàu triết luận. Nhịp điệu tiểu thuyết nhanh nhờ những câu văn ngắn, chính xác, nhiều thông tin. Nhờ đó, người đọc có thể lựa chọn cho mình nhiều tâm thế thưởng thức: Nhẩn nha, sảng khoái; hoặc phát huy cao độ sức liên tưởng, kết nối kinh nghiệm cá nhân, để sống và chiêm nghiệm cùng câu chuyện. Tiểu thuyết “Người thứ hai” là một “trò chơi” ngôn từ, được thăng hoa cùng nỗ lực “vượt thoát”, làm mới, làm khác của Tô Hải Vân. Tác phẩm vừa là tiếng nói của ý thức, vừa là tiếng nói của tiềm thức, giấc mơ, vừa là tiếng vang của thực tại, vừa là tiếng vọng của siêu hình. Thông qua trò chơi ấy, tác giả muốn biểu đạt tinh thần dân chủ, sự khai phóng ý tưởng bằng ngôn ngữ trong tinh thần hiện đại/hậu hiện đại.

Cuộc đời là những chuyến đi, con người vừa chấp nhận tuân theo những đường ray đã được lập trình sẵn, vừa tự mở đường cho chính mình. Tiểu thuyết “Người thứ hai” sẽ dẫn mỗi người bước qua vùng tăm tối, vượt lên nỗi sợ hãi, tìm cho mình một chỗ ngồi đích thực trên chuyến tàu cuộc đời, để khám phá, trải nghiệm mọi buồn vui của kiếp nhân sinh. Cùng với chuyến du hành truy tìm bản thể của nhân vật, Tô Hải Vân cũng đã tự tạo cho mình một cuộc hành trình kỳ diệu trong vương quốc sáng tạo của văn chương. Ông đã khẳng định được sức bền, sức trẻ, tài năng, tâm huyết, niềm đam mê cùng sự nghiêm túc, cần mẫn của mình. Người đọc có quyền hy vọng và tin tưởng vào những sinh thể nghệ thuật đầy sức sống tiếp theo của nhà văn.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN HÙNG