Chẳng hạn hôm nay, chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm một sự kiện rất lớn trong lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 20, ấy là kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946/19-12-2016), rồi các bạn sẽ đọc, xem và nghe được rất nhiều thông tin về ngày này của 70 năm trước, đủ để những người giàu tưởng tượng có thể hình dung ra những khung cảnh của Hà Nội, của cả nước ta ngày ấy. Nhưng còn thơ thì sao? Những bài thơ, câu thơ được các nhà thơ, vốn cũng là những người trong cuộc, rút ruột viết ra… thơ sẽ giúp chúng ta nhập hồn mình vào hơi thở nóng bỏng của thời khắc mà giờ đã lùi xa, giúp chúng ta bồi hồi sống lại những buồn vui, những cảm xúc thăng hoa của cả lo âu và hy vọng của hàng triệu con người… Thơ không chỉ giúp ta nhớ lại mà còn là sống lại lịch sử và điều ấy thật quý giá…

Và thế, chúng ta đang đứng trước cái buổi tối 19-12-1946 ấy, khi tiếng đại bác của quân ta ở Pháo đài Láng nổ rền vang, báo hiệu một cuộc chiến đấu đã bắt đầu, một cuộc chiến đấu rồi ra sẽ kéo dài ngót nghét 30 năm ròng trên mảnh đất Việt Nam của chúng ta, và sau đó từ đài phát thanh di động gọn nhẹ, Bác Hồ đã cất lên “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” vô cùng hào hùng và thiêng liêng, những cụm từ bất hủ: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Lời kêu gọi của Bác đã chạm vào đáy lòng toàn dân Việt Nam trong giây phút Tổ quốc lâm nguy, vận mệnh cả dân tộc đang trong cơn nước lửa…

Đúng vào thời khắc ấy, những người lính của Trung đoàn Thủ đô lặng lẽ bí mật vượt sông Hồng rút về chiến khu phía Bắc để bắt đầu cho một cuộc chiến cam go đang ở ngay trước mặt. Trong đoàn quân ấy có cả những anh Vệ Quốc quân sẽ là những văn nghệ sĩ nổi danh trong tương lai, như nhà văn Hồ Phương, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn… và đặc biệt có một nhà thơ đã thốt lên những câu thơ mà đến hôm nay chúng ta đọc lại vẫn bồi hồi xúc động:

Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa

Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm

Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa...

Đó là Chính Hữu, một nhà thơ trưởng thành và tiêu biểu cho thơ ca thời chống Pháp. Những câu thơ của một người lính xuất thân trí thức, đúng là còn mang hơi hướng của kiểu thơ tiền chiến, với dáng vẻ anh hùng nghĩa hiệp trong “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, hay thơ của nhóm “áo bào gốc liễu” của thi sĩ Trần Huyền Trân… nhưng đằng sau cái lốt y phục có vẻ tiểu tư sản vui vui ấy, người lính-trí thức này đã thể hiện một quyết tâm mới mẻ và kiên cường, đó là thái độ chọn con đường-dứt khoát đứng vào đội ngũ kháng chiến của toàn dân, một thái độ mà chỉ sau đó không lâu, từ Chiến khu Việt Bắc, một nhà thơ-nhạc sĩ nổi tiếng khác, Nguyễn Đình Thi, đã khái quát trong bài thơ lừng danh “Đất nước” của mình, với hình ảnh những người đã dứt áo lên đường đi chiến đấu:

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Sao lại “không ngoảnh lại”? Còn nhớ trong “Chinh phụ ngâm”, Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm đã cho người chiến binh thời xưa lên đường với tâm thế ngược lại:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.

Chắc chắn, nhà thơ của cách mạng không hề có ý định tranh luận gì với tiền nhân, mà đơn giản ông chỉ muốn nói hộ tâm thế của những anh Vệ Quốc quân thời đại Hồ Chí Minh, đã khẳng định rất chóng vánh một thái độ sống và chiến đấu thật khác với các chiến binh thời phong kiến xa xưa một cách cốt lõi, bản chất nhất. Ta tưởng nghe bước đi của thời đại mới trong bước chân của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam ngay trong những phút đầu tiên của cuộc trường chinh chống ngoại xâm.

Có lẽ vì thế, trong hành động dứt áo ra đi vội vã nhưng nhẹ như lông hồng ấy, đã có những cuộc lên đường và trở về rất kỳ lạ của những chàng trai Thủ đô như trong thơ của nhà thơ Hoài Anh sau này đã kể lại:

Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy

Ra phố mua một bao thuốc lá

Chín năm sau anh mới trở về nhà

Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến

Chín năm rừng, lòng vẫn Thủ đô.

Một chi tiết thơ quá thú vị, nhưng xin đừng ai nghi ngờ đấy chỉ toàn là hư cấu-không, chuyện thật đấy! Vì chính tôi đây, còn nhớ trong một giờ học ở Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp, khoảng năm 1961-1962, một thầy giáo của tôi từng kể lại chính ông cũng là một người lính lên đường vào đêm 19-12-1946. Trong câu chuyện ông nhắc một chi tiết rất vui, ấy là đêm lên đường, ông vội quá, đã bỏ lại chiếc xe đạp ở phía sau nhà Quốc hội, đến ngày trở về giải phóng Thủ đô 10-10-1954, ông đã tìm về chỗ cũ để… tìm chiếc xe đạp, nhưng tiếc là không thấy... - cả thầy và trò chúng tôi đều cười vang. Và sau này, trong bài thơ “Hà Nội trong không gian và thời gian” viết năm 1967 của mình, tôi đã bê nguyên chi tiết rất vui này của thầy mình vào thơ:

Bỗng nhớ hai mươi năm xưa, anh tự vệ thành Hà Nội

Ôm súng gác trước nhà Quốc hội

(Đêm rút quân, xe đạp khóa, dựng sau hè

Chín năm kháng chiến trở về

Quay lại tìm hoài không thấy!)

Thật là một cuộc lên đường kỳ lạ của một cuộc chiến tranh cũng kỳ lạ! Nếu có đất đai, bình rộng và sâu hơn, chắc sẽ có nhiều suy luận rất thú vị chưa chừng…

Nhưng thôi, trang báo có hạn, tôi xin dành đôi lời về Ngày Toàn quốc kháng chiến này bằng nhưng câu thơ của một nhà thơ lúc ấy vào mặt trận từ một nơi rất xa thủ đô Hà Nội-nhà thơ Khương Hữu Dụng, với bản trường ca “Từ đêm Mười chín”, được viết ở chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, khoảng năm 1947-1948.

Những người chiến sĩ ở dải đất miền Trung rất hẹp này, khác với ngoài Bắc, là chỉ vừa nhất tề đứng lên theo tiếng gọi thiêng liêng của Bác Hồ, vừa rời khỏi TP Đà Nẵng, rời khỏi mảnh ruộng nghèo của xứ Quảng là đã đặt một chân lên dãy Trường Sơn sừng sững chạy dài bất tận ở sau lưng. Và ngay lập tức, hình ảnh của người lính Trường Sơn quen thuộc đã hiện lên trong thơ của nhà thơ bấy giờ đã vào độ tứ tuần:

Rồi dốc, rồi dốc, leo rồi leo

Rồi khe, rồi lạch, vòng cong queo

Lên: Bám vào mây, xuống: Bíu gió

Trượt chân: Suối cuốn một làn rêu…

Một tiếng chim kêu sáng cả rừng

Lên đường chân lại nối theo chân

Đêm qua đầu chụm, run trên đá

Nay lại cùng mây sưởi nắng hừng…

Những câu thơ viết từ gần 70 năm trước mà nghe gần gũi vô hạn, nhất là với những người lính Trường Sơn của thời chống Mỹ chúng tôi, với cụm từ “một tiếng chim kêu sáng cả rừng” quá hay và quá lạ, mà nhiều nhà thơ, nhất là nhà thơ Xuân Diệu đã phải kinh ngạc!

Với tôi, một người lính thuộc thế hệ đến sau, viết sau (năm 1983) nhưng "Điệp khúc vô danh" cũng phần nào mường tượng ra  Ngày Toàn quốc kháng chiến:

Đất nước ra đi chưa kịp chuẩn bị gì

Những vị tướng đầu tiên

Những người lính đầu tiên

Ôm bụng đói mà lên đường đánh giặc

Nhưng đêm ấy họ lắng nghe lời Bác:

Ai có súng dùng súng

Ai có gươm dùng gươm

Ai không có, thì gậy tầy, giáo mác

Lời của Bác chính là lời Tổ quốc

Chưa ai hình dung trận đánh sẽ ra sao

Con đường sẽ ra sao

Và cả ngày thắng lợi

Đồng đội mới và ngọn cờ cũng mới

Mới mẻ bài ca

Mới mẻ khúc quân hành…

Họ hồn nhiên đoạn tuyệt với hôm qua

Có ngậm ngùi nhưng không hề lưu luyến

Và trước mặt những con đường kháng chiến

Đã mở rồi, không biết chạy về đâu…

Và họ đã đi như thế suốt ba mưoi năm để giành lại một ngày trở về trong độc lập, tự do!

Nhà thơ ANH NGỌC