leftcenterrightdel
Nghệ nhân Ưu tú Y Sim Êban chỉnh âm cho chiêng. 

Đối với NNƯT Y Sim Êban, nhịp chiêng như đã thấm vào máu thịt. Tâm sự với chúng tôi, nghệ nhân cho biết, từ khi còn là cậu bé hơn 10 tuổi, ông đã được theo cha mẹ tham gia các lễ hội của buôn làng, hay đến nhà bà con trong buôn dự đám hỏi, lễ cưới và luôn tỏ ra rất thích thú khi được nghe tiếng chiêng. Y Sim Êban "say" chiêng đến mức lần nào cũng tìm cách đến gần các nghệ nhân đang diễn tấu chiêng rồi cầm chiếc dùi tự chế để bắt chước gõ theo nhịp chiêng. Từ niềm đam mê, tự học hỏi, cộng với sự truyền dạy của cha nên Y Sim Êban sớm biết sử dụng các nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, đing năm, đing atut, ching kram... Nhờ đó, Y Sim Êban được kết nạp và trở thành nghệ nhân trẻ nhất của đội chiêng buôn Nui. Theo NNƯT Y Sim Êban, từ năm 2001 đến nay, khi văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở địa bàn Tây Nguyên được quan tâm khôi phục, gìn giữ và phát huy thì nhiều buôn làng của người Ê Đê, trong đó có buôn Nui đã lập lại được đội chiêng nghệ nhân, đồng thời thành lập mới đội chiêng trẻ. Ngoài những bộ chiêng do các hộ dân gìn giữ, buôn Nui còn được tỉnh Đắk Nông cấp thêm hai bộ chiêng mới. Những nghệ nhân lớn tuổi như ông Y Sim Êban còn tích cực tham gia các lớp truyền dạy đánh chiêng cho lớp trẻ. Bản thân NNƯT Y Sim Êban đã trực tiếp dạy diễn tấu cồng chiêng được 4 lớp, trong đó có hai lớp ở buôn Nui và hai lớp tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Cư Jút, thu hút hơn 220 học viên theo học. Trong gia đình, NNƯT Y Sim Êban đã truyền dạy diễn tấu cồng chiêng và các bài chiêng cho con trai Y Hưng Byă; truyền dạy nghề đan gùi cho cháu trai Y Kha Byă. NNƯT Y Sim Êban cũng giành được nhiều huy chương tại các kỳ liên hoan văn hóa cồng chiêng do các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và huyện Cư Jút tổ chức. 

Năm 2023 này, mặc dù đã bước sang tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng NNƯT Y Sim Êban vẫn thuộc và nhớ được nhiều bài chiêng cổ của người Ê Đê như: Đánh báo lễ hội; bài hát Ay ray; bài đối đáp; bài múa xoang và bài Pak kơ ga. Đặc biệt, NNƯT Y Sim Êban còn sáng tác được 3 bài chiêng mới, gồm: Chiếc lá diều bay; ếch kêu đầu mùa; gà gáy ba giờ sáng. Không chỉ đam mê diễn tấu cồng chiêng, sáng tác các bài chiêng mới, NNƯT Y Sim Êban còn biết chỉnh chiêng, đan gùi và chế tác nhiều nhạc cụ như: Sáo; đing atut; đing năm và ching kram. Nhờ những hạt nhân tích cực như NNƯT Y Sim Êban, buôn Nui đã khôi phục và gìn giữ được 9 bộ chiêng; thành lập hai đội chiêng, trong đó có một đội chiêng nghệ nhân và một đội chiêng trẻ. Buôn Nui đã trở thành buôn văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào Ê Đê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH