Hai bên nã thẳng vào nhau từ khoảng cách chưa tới 80m. Những viên sĩ quan Pháp khản đặc giọng hô: “Nằm xuống!”, nhưng chẳng ai buồn để tâm. Trung đoàn của họ vẫn đứng đó, ngạo nghễ quanh lá cờ của mình.
Phía chân trời rộng lớn, vầng mặt trời đang lặn nơi đồng ngô và những cánh đồng cỏ; khói mù mịt bao phủ lên những người lính đang rối rít như bầy cừu trước những cơn gió giật đầu tiên của cơn bão sắp đến. Những cơn mưa đạn đang dội xuống mé bên kia con dốc. Không còn nghe thấy âm thanh nào khác ngoài các loạt súng nổ và tiếng rít của những viên đạn xé gió từ mỗi bên. Đôi lúc, lá cờ đang bay phần phật trên đầu trong tiếng gió rít từ khẩu súng máy lại biến mất trong làn khói súng. Rồi một giọng nói trang nghiêm và điềm tĩnh vang lên, át hẳn tiếng súng và cuộc vật lộn trước cái chết: “Lá cờ, các con ơi, chú ý lá cờ!”
 |
Minh họa: KHOA AN. |
Ngay lập tức, một bóng người mờ ảo trong làn bụi đỏ mù mịt lại nhảy vụt về phía trước và lá cờ hiệu lại được dựng lên, phần phật giữa trận tiền. Cứ thế, hai mươi hai lần lá cờ rời khỏi những đôi tay đang lạnh dần là hai mươi hai lần nó lại được dựng lên bởi những đôi tay ấm nóng của đồng đội khác. Cho đến lúc mặt trời khuất bóng thì cả trung đoàn chỉ còn lại một nhúm người, vừa chậm chạp rút lui vừa bắn chặn đối phương và lá cờ thì chỉ còn là một tấm vải rách lỗ chỗ trong tay Trung sĩ Hornus, người giữ cờ thứ 23 trong ngày.
Trung sĩ Hornus, một chiến binh lớn tuổi và kỹ tính, thậm chí còn chưa biết cách viết tên của mình. Anh từng mất hai mươi năm để có được quân hàm hiện tại. Tất cả những khổ đau trong đời một đứa trẻ mồ côi và những vất vả của đời sống quân ngũ hằn lại trên cái trán thấp, cái lưng còng lại nơi đeo chiếc ba lô và cái vẻ bất cần với cấp hàm của anh. Hornus còn nói lắp nữa. Nhưng có hề gì? Chẳng ai đòi hỏi người giữ cờ phải biết thuật hùng biện cả! Đêm hôm sau trận chiến đó, ngài Đại tá bảo Hornus: “Cậu được giao giữ cờ đấy, anh bạn can đảm ạ. Hãy giữ nó cho cẩn thận!” Và thế là người ta đính lên chiếc mũ của Hornus miếng phù hiệu cấp bậc thiếu úy màu vàng. Đó là tham vọng cả một đời của anh. Từ giờ phút đó, Hornus đi đứng nghiêm trang hơn. Nếu trước đây đã quen với việc lúc nào cũng cúi đầu, hai mắt nhìn xuống đất thì giờ đây Hornus tự hào nhìn thẳng vào lá cờ mà anh luôn giương cao, giữ thẳng, cao hơn cả cái chết hay bất cứ điều gì. Chưa bao giờ Hornus vui đến vậy. Trong những ngày chiến trận, anh luôn giữ chắc lá cờ bằng cả hai tay, không nói gì và bất di bất dịch, nghiêm nghị như một vị thầy tu đang nâng niu điều gì đó hết sức thiêng liêng. Cả cuộc đời và sức mạnh của anh dồn cả vào những ngón tay, giữ chặt lấy tấm vải quý báu mà những viên đạn đã xuyên xé không biết bao nhiêu lần. Đôi mắt đầy vẻ thách thức của anh nhìn thẳng vào quân Phổ như muốn nói: “Cứ thử cướp nó khỏi tay ta xem!” Và chẳng ai làm được điều đó cả, kể cả cái chết! Sau những trận chiến ở Borny, Gravelotte, lá cờ đã tơi tả với những lỗ thủng đạn xuyên như nhìn xuyên thấu qua đó được. Nhưng người lính già Hornus vẫn là người giữ cờ.
Rồi tháng 9 tới ở Metz với lễ phong sĩ quan và cái khoảng ngưng nghỉ dài dằng dặc đó khiến những khẩu thần công thành han gỉ và đội quân thiện chiến nhất trên thế giới này trở nên thối chí. Cả chỉ huy và lính tráng, không ai có niềm tin vào tương lai. Riêng chỉ có Hornus là vẫn tự tin. Lá cờ ba màu tơi tả là tất cả đối với anh, và cho đến khi nào đôi mắt anh còn nhìn được thì sẽ không có gì có thể bị mất đi. Nhưng thật không may là chẳng còn trận chiến nào nữa. Ngài đại tá đã mang lá cờ về nhà ông ở một nơi nào đó ở Metz còn Hornus khốn khổ thì chẳng khác nào người mẹ mất con. Lúc nào anh cũng nghĩ về nó. Và mỗi khi nỗi nhớ mong trở nên quá lớn, anh lại lần tìm đến Metz để được nhìn thấy nó vẫn đang đứng dựa vào bức tường ở nhà ngài đại tá thì anh lại quay về, lòng tràn đầy dũng khí và nhẫn nại, mang về chiếc lều thủng của mình giấc mơ về những trận đấu với quân Phổ cùng lá cờ tung bay trên chiến hào.
Thế nhưng mệnh lệnh từ Thống chế Bazaine đã đặt dấu chấm hết cho những giấc mơ đó. Một sáng, Hornus thức dậy và thấy cả doanh trại đang huyên náo. Binh lính túm lại thành từng nhóm và tỏ ra hết sức giận dữ. Tất cả đều giơ cao nắm đấm về phía thị trấn, như thể họ đang nổi cơn thịnh nộ với một kẻ tội đồ. Có những tiếng la: “Hãy mang xử bắn hắn ta đi!” hay đại loại như vậy, và các viên sĩ quan chẳng làm điều gì ngăn họ lại cả. Họ ngồi mỗi người một nơi, đầu cúi gằm như thể tủi hổ khi bị người khác nhìn thấy. Quả thực là vậy! Mệnh lệnh của Thống chế Bazaine vừa được truyền tới 150.000 quân được vũ trang tốt và còn rất thiện chiến rằng phải đầu hàng quân Phổ.
Mặt tái mét, Hornus vội hỏi: “Thế còn lá cờ thì sao?”
“Lá cờ cũng sẽ phải giao nộp. Tất cả những gì còn lại đều phải giao nộp: Súng ống, đạn dược… tất cả”.
Người lính già khốn khổ lắp bắp: “Lạy Chúa! Chúng sẽ không lấy được lá cờ của ta!”, rồi chạy thẳng về phía thị trấn.
Ở thị trấn cũng đang diễn ra một không khí hết sức nhốn nháo. Vệ binh quốc gia, dân thường, dân công… tất cả đều la ó kích động suốt dọc đường tới nhà Thống chế, nhưng Hornus chẳng nghe thấy gì. Suốt cả quãng đường tới Rue du Faubourg, anh chỉ nhắc đi nhắc lại mấy câu: “Định lấy cờ của ta sao. Không thể được! Họ không có quyền! Hãy cứ lấy cờ của ông ấy mà đưa cho quân Phổ. Còn cờ của ta ấy à? Đó là danh dự. Không ai được phép chạm vào nó!” Những câu nói đó vỡ vụn, rời rạc trong mỗi bước chạy của Hornus, nhưng chẳng hề gì. Ý nghĩ của Hornus là rất rõ ràng. Đó mới là điều quan trọng! Người lính già sẽ mang nó về cho trung đoàn của mình.
Khi tới nơi, Hornus không được phép vào. Ngài đại tá cũng đang nổi cơn thịnh nộ, không chịu gặp ai, nhưng Hornus không chịu buông tha. Anh la hét, chửi thề, liên tục đòi: “Cờ của tôi, tôi muốn lấy lá cờ!”
Cuối cùng, cánh cửa sổ cũng mở ra: “Phải anh đấy không, Hornus?”
“Vâng, thưa đại tá… Tôi…!”
“Lá cờ đang ở kho đạn và anh hãy đến đó mà lấy giấy chứng nhận”.
“Giấy chứng nhận ư! Để làm gì?”
“Đó là lệnh của Thống chế”.
“Nhưng, thưa đại tá…”
“Thôi! Để tôi yên”.
Cánh cửa sổ đóng sập lại. Hornus lảo đảo quay ra như người say rượu, miệng liên tục lặp đi lặp lại: “Giấy chứng nhận, chứng nhận”. Điều duy nhất Hornus nhớ lúc này là lá cờ đang ở kho đạn. Anh thẳng bước tới đó, dù không điều gì đang chờ đợi.
Cổng kho đạn đang mở toang cho mấy toa xe của quân Phổ tiến vào trong sân. Hornus rùng mình. Tất cả những người giữ cờ của các đơn vị đều đang tập trung ở đây. Có tới khoảng 50 hay 60 người như vậy. Ai trông cũng buồn bã và lặng lẽ, tụ lại phía sau những toa xe, đầu trần, ủ rũ dưới cơn mưa. Không khí như trong một đám tang. Ở một góc kho đạn, những lá cờ của các đơn vị quân đội dưới quyền Thống chế Bazaine đang nằm chất đống bên vỉa hè bê bết bùn đất. Không có gì buồn thảm hơn những tấm lụa màu rực rỡ với tất cả những huân, huy chương trên đó giờ nằm lay lắt trên mặt đất vấy bùn. Một viên sĩ quan nhặt từng lá cờ lên, đọc phiên hiệu mỗi trung đoàn và người giữ cờ tiến lên để nhận giấy chứng nhận. Hai viên sĩ quan Phổ đứng giám sát. Vậy là sẽ phải ra đi, ôi những lá cờ huy hoàng! Ôi những lá cờ, là biểu tượng cho lòng dũng cảm đang nằm sõng sượt buồn thảm dưới đất như những chú chim gãy cánh, hoen ố cả những chiến tích huy hoàng. Những cuộc hành quân trường chinh còn lưu dấu trong những nếp gấp. Mỗi vết đạn bắn trên xuyên thủng lá cờ là ký ức về một người giữ cờ vô danh nào đó đã ngã xuống; chỉ còn lại dấu vết của quân thù!
Có tiếng gọi: “Hornus, đến lượt anh rồi đấy. Họ vừa gọi tên. Vào mà nhận giấy chứng nhận đi!” Nhưng anh thì để tâm gì tới điều đó cơ chứ? Lá cờ của anh đang nằm kia, ngay trước. Nó là của anh, cao đẹp nhất và cũng tả tơi nhất với anh. Hornus như thấy mình lại đang ở giữa chiến hào bên đường ray ngày hôm đó, lại thấy tiếng hô trang nghiêm và điềm tĩnh của đại tá: “Lá cờ, các con ơi, chú ý lá cờ!” Anh lại thấy hai mươi hai đồng đội của mình đã ngã xuống bên lá cờ vinh quang. Người thứ hai mươi ba là anh.
Anh lại nhớ rằng ngày hôm đó, anh đã thề sẽ bảo vệ lá cờ cho tới hơi thở cuối cùng... và giờ thì…! Nghĩ tới đó, máu chạy rần rật lên đầu Hornus. Như người quẫn trí, Hornus nhảy bổ về phía viên sĩ quan Phổ, giật lấy lá cờ vinh quang của trung đoàn, cố giương cao nó lên một lần nữa, hô to: “Lá cờ vinh… qua..ng!”, nhưng tiếng hô tắc nghẹn lại trong họng. Lá cờ rung lên, trượt dần xuống trong lòng bàn tay Hornus. Trong giây phút cái chết cận kề, mọi thứ đều tê liệt. Trong cái không gian nặng nề bao trùm lên cái thị trấn vừa buông súng đó, lá cờ không còn tung bay nữa. Không thứ gì vinh quang còn có thể tồn tại. Người lính già Hornus cũng vậy. Uất nghẹn với tủi hổ và căm thù, anh ngã xuống, vỡ vụn!
Truyện ngắn của Alphonse Daudet (Pháp) HOÀNG LINH (dịch)