Tôi bảo: “Chắc chắn rồi, ai mà chẳng biết chú ngựa chiến tuyệt nhất của trung đoàn cơ chứ?”. Viên trung sĩ bảo: “Nó hiện đang được biên chế cho Watrup quản lý, nhưng Watrup thì lại đang ốm nặng và khó mà qua khỏi. Nếu cậu muốn, tôi sẽ cho cậu quản lý Brass-Jens”.
Thế là tôi có Brass-Jens mặc dù đã có rất nhiều cãi vã, tranh giành nổ ra vì ai cũng muốn có được con chiến mã số một đó. Lúc mới gặp, Brass-Jens nhìn tôi như muốn hỏi: "Anh là ai?", nhưng tôi nói lý với nó chứ. Tôi bảo rằng Watrup đang nằm viện và rất nguy kịch, và rằng viên trung sĩ đã biên chế nó cho tôi quản lý rồi; sẽ chẳng ích gì nếu chống lại điều đó. Brass-Jens hiểu ngay. Những ai từng gặp Brass-Jens đều bảo rằng chỉ mình nó thôi cũng khôn ngoan bằng hai viên kỵ binh cộng lại ấy chứ. Mà đúng thế thật; nếu có thiếu điều gì ở nó thì chắc là nó không biết nói mà thôi; mà đó thì chẳng phải là lỗi tại nó.
Khi tôi bảo với Brass-Jens rằng tình hình Watrup rất đáng lo, nó thở dài hệt như con người vẫn thường thở dài mỗi khi buồn vậy. Tôi thường xuyên nói chuyện với nó. Mỗi khi nói chuyện, Brass-Jens thường hý lên khe khẽ hay khịt khịt mũi và tôi thì luôn hiểu được nó muốn nói gì.
Chúng tôi được lệnh hành quân về phía nam. Đi mất vài ngày thì chúng tôi tới một ngôi làng gần Aabenraa. Chúng tôi ở một trang trại. Ông chủ giàu có nhưng hết sức keo kiệt và chúng tôi gần như chẳng bao giờ được ăn no. Nhưng ông ta có tới sáu cô con gái mà tôi lại rất thích một trong số đó; cô gái cũng thích tôi. Vì thế, cô gái chia thêm khẩu phần buổi tối cho tôi. Sáng ngày thứ hai, khi tôi đang sắp xếp chuẩn bị lên đường thì cô gái tới ngoài chuồng ngựa.
Cô bảo: “Rasmus à, anh sắp lên đường rồi. Chưa chắc là chúng ta sẽ gặp lại nhau. Anh có thể sẽ hy sinh, hay sẽ có người con gái khác ở đâu đó giữ chân anh”.
Tôi trả lời: “Helle này, em có biết rằng dẫu còn sống hay sẽ nằm xuống thì anh cũng sẽ không có người con gái nào khác nếu người đó không phải là em không?”.
Helle bảo: “Cầu Chúa ban phước cho chúng ta. Bố mẹ em sẽ không cho em lấy anh đâu. Họ đã chọn sẵn cho em một đám rồi”.
Tôi bảo: “Nếu em thực lòng yêu anh thì hãy đợi anh một thời gian nữa. Anh cũng sắp được giải ngũ rồi. Anh sẽ về với khu nông trang của bố anh thôi. Rồi chúng ta sẽ làm đám cưới, tất nhiên là nếu em sẵn lòng trốn đi cùng anh”.
Helle ôm lấy cổ tôi, đặt lên môi tôi một nụ hôn, sụt sịt khóc và nhanh chóng rời khỏi chuồng ngựa.
Tôi đặt yên cương lên mình Brass-Jens và phóng đi cùng những người kỵ binh khác. Khoảng thời gian sau đó quả là nhọc nhằn. Đôi lúc chúng tôi kiếm được thức ăn; cũng có lúc chẳng có gì để cho vào bụng. Nhưng lúc nào tôi cũng chia khẩu phần của mình cho Brass-Jens. Bất cứ lúc nào về tới doanh trại, việc đầu tiên tôi làm là tìm cho Brass-Jens chút rơm và yến mạch, hay thứ gì có thể ăn được cho nó. Chúng tôi đi xa, rất xa. Tôi cũng không biết mình đã tới những đâu nhưng chúng tôi không thấy dấu vết nào của chiến tranh nữa. Cuối cùng, chúng tôi được lệnh quay về.
Suốt dọc đường về, tôi không ngừng nghĩ tới Helle. Khi gần tới ngôi làng của Helle, tôi tới gặp ngài đại úy, kể với ông mọi sự tình và những gì tôi dự định sẽ làm và xin phép cho tôi mang Helle theo. Tôi bảo: “Brass-Jens có thể mang được cả tôi và Helle. Tôi biết nó sẽ rất sẵn lòng giúp tôi điều đó”.
Ngài đại úy mỉm cười: “Cậu thật là một tay láu cá. Nói xem làm sao cậu có thể đánh cắp con gái nhà người ta như vậy được? Họ sẽ theo cậu bén gót và cậu sẽ phải trả giá vì điều đó đấy. Lúc đó thì tôi cũng chẳng thể cứu cậu được”.
Tôi bảo: “Không sao. Tôi sẽ đưa bộ quần áo cưỡi ngựa của tôi cho cô ấy hóa trang; sẽ không ai biết cả. Tôi sẽ bảo với mọi người rằng đó là một kỵ binh ở Fyn hiện đang bị ốm và bỏ lại trong làng”.
Ngài đại úy bảo: “Được, được đấy đồ láu cá. Tôi sẽ nói chuyện với ngài đại tá để xin phép. Nhưng tôi sẽ không để lộ âm mưu của cậu đâu. Tôi sẽ bảo rằng chính là Brass-Jens đã nhất quyết mang người kỵ binh bị ốm đó đi cùng”.
Thế là mọi việc diễn ra như đã định. Chúng tôi tiến vào ngôi làng; hai bên đường, từ người già cho tới trẻ nhỏ đứng trước cửa nhà chào đón chúng tôi. Helle cũng đang đứng đó. Cô ấy đã nhìn thấy tôi và khi tôi giơ cao thanh kiếm lên chào, khuôn mặt Helle bừng sáng.
Khi ăn xong bữa khuya, tôi giấu một miếng bánh mì mang tới chuồng ngựa. Brass-Jens hý lên khe khẽ khi thấy tôi và ngửi thấy mùi bánh mì. Tôi bảo nó: “Bánh mì ngoài khẩu phần đấy nhé. Mày có thể chở thêm một người nữa hay không?”.
Brass-Jens kêu khẽ như đáp lời.
Tôi bảo: “Mày đã hứa rồi đấy nhé. Và mày sẽ không phải hối tiếc đâu”.
Đúng lúc đó thì Helle bước vào, vẻ mặt buồn vui lẫn lộn. Giờ phút trốn chạy đã đến và Helle cảm thấy hơi buồn vì điều đó. Helle bảo: “Nói cho cùng thì đó là bố mẹ em; em sinh ra ở trang trại này. Thế mà từ giờ em sẽ không còn được gặp lại họ nữa. Em sẽ đi cùng những người xa lạ, chỉ mình anh là thân quen. Rasmus à, anh sẽ đối xử tốt với em chứ?”.
Tôi bảo: “Em thấy anh đối xử với Brass-Jens thế nào rồi đấy. Anh đã chia sẻ từng mẩu bánh mì với nó. Vậy thì sao anh lại có thể đối xử không tốt với em được kia chứ?”.
Helle hỏi: “Chúng ta sẽ trốn khỏi đây bằng cách nào?”.
Tôi trả lời: “Đừng lo! Anh đã nghĩ về điều đó rồi”.
Nói rồi tôi đưa bộ quần áo cưỡi ngựa, một chiếc mũ lưỡi chai, một chiếc áo choàng, đôi tất dài và đôi giầy cho Helle, bảo cô ấy mặc vào. Tôi bảo: “Bây giờ thì em đi tới ngôi làng cách đây bốn dặm, vào quán trọ trong làng và đợi anh ở đó. Sẽ không lâu đâu. Nhưng em phải giả bộ như mình đã kiệt sức nhé”.
Helle làm đúng như những gì tôi bảo. Vài giờ sau, chúng tôi lên đường. Khi chúng tôi tới quán trọ và dừng lại đó, Helle khập khiễng bước ra và hỏi xin đi nhờ.
Tôi nhìn ngài đại úy để xin phép. Ông bảo: “Tất nhiên là được, nhưng như vậy Brass-Jens sẽ phải chở hai người đấy”.
Tôi bảo: “Chúng tôi đã thỏa thuận xong rồi”. Và thế là không ai nói gì thêm nữa. Không cần phải kể nhiều về những gì xảy ra tiếp theo nữa. Chúng tôi về nhà an toàn và tổ chức đám cưới ngay sau đó. Về phần Brass-Jens thì sau khi về tới Horsens, nó cũng được giải ngũ và đem bán cùng một số ngựa chiến khác. Tôi đã mua lại Brass-Jens mặc dù giá khá đắt.
Tôi bảo nó: “Brass-Jens này, ta muốn chăm nom mày vì những gì mày đã làm giúp ta”.
Đáp lại lời tôi, Brass-Jens hý lên khe khẽ. Tôi đã không phụ lời hứa với Brass-Jens. Nó ở với tôi được gần bảy năm. Đó là quãng thời gian an nhàn đối với Brass-Jens. Nó chỉ thỉnh thoảng phải chở tôi lên thị trấn và thi thoảng tham gia chút việc nông trang vào mùa gieo hạt và thu hoạch.
Một bận tôi có việc đi vắng bốn ngày. Khi về nhà thì chẳng thấy ai ở nhà cả, trừ mẹ tôi đang quấy cháo trên bếp. Tôi hỏi: “Có chuyện gì thế mẹ? Mọi người đi đâu cả rồi?”.
“Ra đồng với Brass-Jens cả rồi. Có vẻ như nó không qua khỏi được lần này”.
Khi tôi ra tới nơi, mọi người đang vây quanh Brass-Jens. Tôi bảo: “Ta e là lần này tình hình không được khả quan đâu, Brass-Jens ạ”. Nó ngẩng đầu lên nhìn tôi thở dài như thể đồng ý. Cuối cùng, nó ngả đầu xuống, xoãi thẳng bốn chân mà đi.
Chúng tôi chôn Brass-Jens trong vườn nhà mình vì không muốn lũ chó và lũ lợn đào dũi quanh mộ của nó. Brass-Jens nằm dưới gốc táo già mà bố tôi đã chiết cành để trồng ngày trước. Câu chuyện là thế! Giờ đây mỗi lần nhìn cây táo, tôi lại nhớ tới Brass-Jens”.
Truyện ngắn của Steen Steensen Blicher (Đan Mạch)
LINH QUANG (dịch)