Tên sách "Vạn diệp tập" được giải thích theo nhiều thuyết khác nhau, nhưng tựu trung có thể hiểu là vạn lời hay ý đẹp (trang sách đẹp, bài thơ hay) được lưu truyền muôn đời. Ra đời sớm và định hình trong quãng thời gian gần 3 thế kỷ, "Vạn diệp tập" bao gồm gần 4.500 bài cổ thi của Nhật Bản theo các thể loại truyền thống (trường ca-Schoka, đoản ca-Tanca...).

Về tác giả, "Vạn diệp tập" lưu danh nhiều tên tuổi của thơ ca cổ Nhật Bản, từ thiên hoàng đến hoàng tử, công chúa, quan lại, thiền sư, bình dân, lính thú... Điểm đặc biệt, trong số các tác giả ấy, có nhiều người là nữ (nữ thiên hoàng, công chúa, quận chúa, người mẹ, người chị, thôn nữ...). Đặc điểm này có thể đề xuất một cách nghĩ về truyền thống tôn trọng nữ giới trong văn hóa Nhật Bản như một nét bản sắc.

       Bìa cuốn sách.

"Vạn diệp tập" có nội dung đa dạng, phong phú về đề tài, chủ đề, cảm hứng (thế sự, tôn giáo, tình yêu, thiên nhiên...). Dưới hình thức đoản ca hay trường ca... tình thơ của người xưa hiện ra cô đọng, hàm súc, ẩn chứa vẻ đẹp vừa tĩnh lặng, vừa bi thiết của tâm hồn Nhật Bản: "Trên bước đường lữ thứ/ Nào nguôi dạ nhớ quê/ Nhưng làm ta cảm động/ Là phía núi xa kia/ Thuyền quan sơn đỏ thắm/ Đang vượt sóng quay về" (Thơ Takechi no Kurohito).

Dưới hình thức các bài trường ca, đoản ca, tạp ca (nhiều mặt), hoặc cụ thể hơn như tương văn ca (hỏi thăm tin tức thân nhân bạn bè, tình yêu luyến ái...), vãn ca (ai điếu), tứ quý (thiên nhiên bốn mùa)... nghệ thuật thơ đã được tinh kết một cách đặc sắc, phản ánh quan niệm thẩm mỹ, tư tưởng nhân sinh của người Nhật từ hơn nghìn năm trước. Dù được viết bằng thể loại nào, người đọc cũng đều có thể nhận ra sự tinh tế trong việc sử dụng hình ảnh - biểu tượng, thủ pháp ẩn dụ, ngôn ngữ hàm súc, đa nghĩa: "Xuân đi qua mất rồi/ Hạ cũng vừa đến nơi/ Bao nhiêu áo trắng đẹp/ Đem hong nắng bên đồi/ Ngọn Kagu linh hiển/ Như hạ cánh từ trời" (Nữ Thiên hoàng Jito).

"Vạn diệp tập" luôn được xem là một bảo vật tinh thần của người Nhật Bản. Vì giá trị to lớn ẩn chứa trong tác phẩm, ở Nhật Bản hình thành một ngành nghiên cứu gọi là "Vạn diệp học" (tương tự như ở Việt Nam là "Kiều học"-nghiên cứu "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, ở Trung Quốc là "Hồng học"-nghiên cứu "Hồng lâu mộng" của Tào Tuyết Cần...). Nhìn về "Vạn diệp tập", chúng ta nhận ra những giá trị to lớn thuộc về tư tưởng, văn hóa, xã hội, lịch sử, tôn giáo, mỹ học Nhật Bản.

Không chỉ có vậy, "Vạn diệp tập" với sự quy tụ nhiều thành phần, tầng lớp nói lên tính dân chủ đã được đề cao trong lịch sử tinh thần, trong cấu trúc xã hội Nhật Bản. Các chủ đề, biểu tượng, quý ngữ cùng với hình thức thơ và lối biểu đạt tinh tế của "Vạn diệp tập" cũng trở thành mẫu mực cổ điển cho thơ ca trên xứ sở Phù Tang. Ra đời từ rất sớm, tồn tại bền bỉ qua ngàn năm với vị trí không gì có thể thay thế, "Vạn diệp tập" trở thành một biểu tượng, một “ngọn hải đăng" của thơ ca Nhật Bản.

Bản sách "Vạn diệp tập" do Nguyễn Nam Trân dịch và chú, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cùng Công ty Tao đàn liên kết ấn hành năm 2022 là một phần rất nhỏ (một phần mười) của bộ "Vạn diệp tập" trên xứ mặt trời mọc. Tuy thế, người đọc ở Việt Nam cũng có thể cảm nhận được tầm vóc, quy mô cũng như giá trị nhiều mặt mà tập đại thành này mang lại. Một điều thú vị nữa, đọc "Vạn diệp tập" trong cái nhìn tương liên, so sánh giữa tư tưởng, lịch sử, xã hội, văn hóa, mỹ học Nhật Bản và Việt Nam, chúng ta sẽ có những cảm nhận bất ngờ bởi kho tàng cất giấu từ quá khứ.

LÊ PHONG