Bộ phim “Mẹ vắng nhà” được thực hiện năm 1979 bởi đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Khánh Dư, dựa trên tác phẩm chuyển thể từ truyện ký “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi. Phim kể về cuộc sống, sinh hoạt của 5 chị em bé bỏng trong lúc đế quốc Mỹ đẩy mạnh càn quét trên toàn chiến trường miền Nam nói chung, các tỉnh Tây Nam Bộ nói riêng. Trong số đó, đứa út còn đang tuổi nằm nôi. Mẹ của các em chính là nữ du kích Út Tịch (do NSƯT Ngọc Thu thủ vai) thường xuyên vắng nhà đi chiến đấu. Cô chị cả tên Bé (do diễn viên Vân Dung thủ vai) trông các em ở nhà, bày ra nhiều trò chơi cho bọn trẻ và mong mỏi mẹ về. Bộ phim đã giành giải Bông sen Vàng ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5 và giải Lọ hoa pha lê tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary (Cộng hòa Séc) vào năm 1980. 46 năm trôi qua, phim vẫn để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả.
 |
Hình ảnh nghệ sĩ Ngọc Thu hóa thân vai chị Út Tịch trong phim “Mẹ vắng nhà”. Ảnh tư liệu
|
NSƯT Ngọc Thu kể, để thể hiện thành công nhân vật chị Út Tịch trong phim, bà và đoàn làm phim đã đi thực tế tại quê chị Út Tịch (xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh). Bà được bà con xung quanh nhà chị Út Tịch nhận xét là khá giống nhân vật nguyên mẫu ngoài đời. Khi quay bộ phim, Ngọc Thu mới 23 tuổi, chưa lập gia đình và có con, nên phân đoạn khiến bà ngượng ngùng nhất chính là cảnh chị Út Tịch cho con bú. “Mặc dù có diễn viên đóng thế là mẹ ruột của em bé nhưng tôi vẫn phải diễn đến đoạn vén áo lên, trong khi cả đoàn làm phim và rất nhiều người dân đứng xung quanh xem diễn xuất. Tôi vừa ngượng, vừa lúng túng vì chưa biết cách cho con bú”, NSƯT Ngọc Thu chia sẻ.
Nhớ lại khoảnh khắc ấy, nghệ sĩ Ngọc Thu bày tỏ rằng, bộ phim đã mang lại cho bà nhiều đổi thay, không chỉ về mặt nghề nghiệp mà còn cả trong những suy nghĩ về cuộc đời. Hơn 3 tháng trời sống ở miệt vườn cùng 5 “người con” của mình, Ngọc Thu đã thực sự được làm “mẹ”, vì ngoài đời, các em bé vẫn gọi nữ diễn viên thân mật là “má” để quen miệng. Bà nhớ những buổi ăn cơm ngay trên bờ ruộng và nghỉ trưa ở phim trường, các em bé ngủ luôn trên cầu mà hằng ngày các em vẫn đi qua. Thỉnh thoảng, đoàn làm phim lại phải chạy đến khi nghe một tiếng “ùm” bởi có em ngủ quên nên đã rơi từ trên cầu xuống kênh.
“Mẹ vắng nhà” là bộ phim có nhiều trẻ nhỏ tham gia xuyên suốt từ đầu đến cuối phim. Những đứa trẻ tự ăn, tự học, tự chơi với nhau, tự lo cho nhau. Mỗi khi xem phim, thương đến tận cùng hoàn cảnh thiếu thốn của các em nhỏ trong chiến tranh, không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc mà thiếu cả tình mẹ. Nỗi khát thèm mẹ được thể hiện rõ khi các em trèo lên cây dừa để ngóng mẹ: “Thấy mẹ không, chị Hai?”, “Tao thấy mẹ rồi, mẹ đang chiến đấu...!” là hình ảnh lặp đi lặp lại khiến khán giả xem phim thương đến trào nước mắt... Mỗi khi xem lại những cảnh này, NSƯT Ngọc Thu cũng không cầm được nước mắt. Bà vẫn còn nhớ lời nói của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư: “Phim không có những gay cấn, xung đột, mỗi hình ảnh trong phim như một bài thơ. Tất cả sắp xếp như một bức tranh ở cạnh nhau, khán giả cứ xem từng bức một. Và khi xem đến cuối, người xem sẽ rút ra được thông điệp: “Không nên có chiến tranh vì sẽ mang lại muôn vàn nỗi khổ đau. Nhất là gây nỗi khổ đau cho phụ nữ và trẻ em”.
Có lẽ rất đúng khi có người cho rằng, chừng nào điện ảnh dân tộc vẫn còn cần đến một vẻ đẹp thiếu phụ, thật Việt Nam, giản dị, nhân hậu, đôi chút mơ màng thì chừng đó vẫn còn lý do để chờ đợi và gặp được tiềm năng diễn xuất như của Ngọc Thu. Điện ảnh đã chọn Ngọc Thu, đạo diễn đã chọn Ngọc Thu như một sự sinh ra để làm “Mẹ vắng nhà”-vai chị Út Tịch.
NGỌC LIÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.