NSNA Trần Tuấn đã chia sẻ về những cơ duyên được chụp ảnh vị tướng của lòng dân.

Phóng viên (PV): Trong sự nghiệp của mình, chắc hẳn nghệ sĩ đã có nhiều dấu mốc đáng nhớ, đặc biệt là khoảng thời gian gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vậy điều gì đã đưa ông trở thành người ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của vị tướng huyền thoại?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn: Tôi là phóng viên ảnh của Việt Nam Thông tấn xã (sau này là Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN). Sau những năm tháng làm phóng viên chiến trường tại Thừa Thiên Huế (1973), tôi đảm nhiệm việc xây dựng Phân xã TTXVN tại Huế sau ngày đất nước thống nhất. 

Nhà báo, NSNA Trần Tuấn và cuốn sách “103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Đây là cuốn sách thứ 5 của ông về vị tướng trong lòng nhân dân Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà 

Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của tôi là vào đầu năm 1976. Khi ấy, tôi đang thường trú tại Huế thì nhận được lệnh tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến công tác hai tháng thăm các tỉnh phía Nam vừa giải phóng.

Cơ duyên ấy còn nối dài khi cùng năm đó, tôi được điều động ra Quảng Ninh công tác. Đại tướng có lịch trình làm việc tại đây, và một lần nữa, tôi lại được tháp tùng. Sau chuyến đi này, khi trở về Hà Nội, Đại tướng đề nghị lãnh đạo TTXVN cử tôi làm phóng viên ảnh riêng trong các chuyến công tác. Sự tin tưởng ấy là niềm vinh dự, là trọng trách lớn lao mà tôi luôn khắc ghi.

Nhà báo, NSNA Trần Tuấn chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PV: Bức ảnh đầu tiên chụp Đại tướng có ý nghĩa như thế nào đối với nghệ sĩ?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn: Ký ức về bức ảnh đầu tiên chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn vẹn nguyên trong tôi, đó là một bức ảnh đen trắng, ghi lại khoảnh khắc Đại tướng trở về thăm Trường Quốc học Huế vào đầu năm 1976.

Những chuyến công tác sau đó, cùng Đại tướng thăm lại chiến trường xưa, gặp gỡ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đón tiếp các phái đoàn ngoại giao, hay những chuyến công du nước ngoài... tất cả đều trở thành những kỷ niệm vô cùng ý nghĩa đối với tôi.

Mỗi bức ảnh tôi chụp Đại tướng đều là một câu chuyện, một khoảnh khắc điển hình, có những bức ảnh trở thành “độc nhất vô nhị”. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nâng niu, gìn giữ từng tấm ảnh như những “báu vật” của riêng mình.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng cây tại khuôn viên Trường Quốc học Huế trong chuyến về thăm lại trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PV: Điều gì đã thôi thúc nghệ sĩ tập trung thể hiện một Đại tướng rất “đời thường”, đặc biệt trong bối cảnh xã hội thời bấy giờ có những đặc thù riêng?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn: Với tôi, sự giản dị chính là một biểu hiện của tầm vĩ đại. Càng giản dị, càng khiêm nhường, con người ta càng trở nên lớn lao. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm, được nhân dân kính trọng - chắc chắn không thể là một người tầm thường. Chính sự ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc đối với đức độ và tài năng của Đại tướng đã thôi thúc tôi tìm kiếm những khoảnh khắc “đời” nhất.

Trong bối cảnh đất nước thời bấy giờ, khi những giá trị cá nhân còn chưa được đề cao, việc thể hiện một vị tướng bình dị không hề dễ dàng. Nhưng tôi tin rằng, chính trong cuộc sống thường nhật và trong những điều mộc mạc nhất, chân dung của một con người vĩ đại mới được khắc họa chân thực và rõ nét.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, thương binh 1/4, họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng vẽ chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

PV: Nghệ sĩ đã làm gì để dung hòa được hai yếu tố: Vừa ghi lại khoảnh khắc đời thường, vừa đáp ứng được yêu cầu của báo chí cách mạng thời bấy giờ?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn: Một tác phẩm báo chí chỉ thực sự có giá trị khi nó hòa nhịp với hơi thở của thời đại, phản ánh đúng bối cảnh xã hội. Sớm quá hay muộn quá so với dòng chảy ấy, tác phẩm đều khó lòng được đón nhận. Vào thời kỳ bao cấp, những khoảnh khắc đời thường của Đại tướng có thể chưa mang giá trị tuyên truyền tức thời, nhưng tôi vẫn kiên trì ghi lại bởi trong tôi luôn có một niềm tin mạnh mẽ.

Tôi xem những bức ảnh ấy như tư liệu lịch sử, mang giá trị lâu dài. Bên cạnh những hình ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, cổ vũ tinh thần chiến đấu, tôi muốn lưu giữ một góc nhìn khác - một Đại tướng nhân hậu, gần gũi trong cuộc sống thường nhật. Để mai sau khi nhìn lại, người ta vẫn thấy ông là một vị tướng huyền thoại nhưng không xa cách, là người vô cùng giản dị và gần gũi đến vậy. 

PV: Để có thể vừa bắt kịp những khoảnh khắc “vàng”, vừa ghi lại đầy đủ thông tin trong bối cảnh tác nghiệp đầy áp lực, chắc hẳn nghệ sĩ phải có những phương pháp làm việc đặc biệt, nghệ sĩ có thể chia sẻ về điều đó?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn: Nghề phóng viên ảnh, nhất là phải theo sát các sự kiện thời sự của Đại tướng, đòi hỏi tốc độ và sự nhạy bén cực kỳ cao. Đại tướng làm việc rất nhanh, do đó mình cũng phải “chạy”, không thể chậm trễ.

Tôi còn nhớ mãi câu chuyện thứ 75 trong cuốn sách “103 câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Năm 1990, Đại tướng về thăm tỉnh Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang sáp nhập). Trong chuyến đi, Đại tướng nghe được hoàn cảnh khó khăn của chị Nguyễn Thị Tỉnh, một diễn viên đoàn văn công phải mở quán nước để trang trải cuộc sống. Ngay lập tức, Đại tướng nói: “Tôi muốn đến thăm quán nước của vợ chồng chị Tỉnh”.  Thế là cả đoàn cùng Đại tướng đến quán nước nhỏ của chị. Tôi lúc ấy đang quay phim bằng chiếc máy nặng cả chục kg nhưng khi thấy hình ảnh Đại tướng ân cần thăm hỏi, động viên gia đình chị, tôi lập tức bỏ máy quay, lấy ngay máy ảnh ghi lại khoảnh khắc bình dị mà lay động lòng người này. Và thật vinh dự, bức ảnh đó đã trở thành một trong tám tác phẩm giúp tôi nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2022.

PV: Nghệ sĩ đã phải chuẩn bị ra sao để có những hình ảnh bình dị về Đại tướng ?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn: Để “bắt” được những hình ảnh đắt giá, người phóng viên ảnh chuyên trách, đặc biệt là khi theo sát một nhân vật như Đại tướng, cần hội tụ nhiều yếu tố, trên hết là thấu hiểu sâu sắc về nhân vật. Ta phải hiểu phong cách, cử chỉ của họ trong từng hoàn cảnh để dự đoán và “chớp” lấy thời khắc.

Như sự kiện kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2004), khi đó, có hàng trăm phóng viên trong và ngoài nước chen chúc nhau tại Mường Phăng. Thời điểm Đại tướng vào thăm hầm chỉ huy, phóng viên vây quanh, ai cũng muốn ghi lại hình ảnh lịch sử. Hầm thì hẹp, trời lại nóng, tôi vừa phải kề vai sát, vừa phải tìm cách len lỏi. Ra đến gần cửa hầm, tôi lại phải "động não" nhanh chóng, nghĩ làm sao mình phải thoát khỏi biển người này để sau đó khẩn trương lên phía trước. Lúc đó, đồi núi thì cao mà điểm mình đứng thì thấp, không thể ghi được ảnh.

Ngay lập tức, tôi trèo lên một cái cây gần đấy, nhanh tay chụp những kiểu ảnh mà mình đã hình dung từ trước. Nhìn quanh, tôi thấy mình là người duy nhất có mặt ở vị trí đó. Có lẽ, chính nhờ sự chuẩn bị kỹ càng và khả năng đón trước tình huống và một chút liều lĩnh, tôi đã ghi lại được giây phút lịch sử quý giá ấy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại Điện Biên Phủ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PV: Nhìn lại hành trình ấy, điều gì từ Đại tướng đã ảnh hưởng đến sự nghiệp của nghệ sĩ?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn: Đại tướng không chỉ là một vị tướng tài ba, mà còn là một người yêu nghệ thuật, đặc biệt là nhiếp ảnh. Có những lần đi công tác, chính Đại tướng lại đề nghị: “Anh Tuấn, anh đưa máy đây, tôi chụp cho anh”. Quan sát cách Đại tướng cầm máy, chọn góc, tôi lại học thêm được một bài học quý giá. Có thể nói, chính Đại tướng là người thầy lớn, chỉ bảo cho tôi rất nhiều trong quá trình tác nghiệp.

Và cứ thế, hàng nghìn cuốn phim, hàng vạn bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đời, đó thực sự là một “kho báu” vô giá, kết tinh từ những năm tháng tôi được làm việc và học hỏi bên cạnh một nhân cách lớn.

PV: Trân trọng cảm ơn nghệ sĩ!

THANH HÀ (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.