Đây là đợt phong tặng lần thứ 9. Trong danh sách được truy tặng, phong tặng danh hiệu cao quý lần này, chúng ta thấy có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, quen thuộc, như: Bùi Cường, Tô Lan Phương, Rơ Chăm Phiang, Tạ Minh Tâm... (âm nhạc); Nguyễn Thụy Vân, Trần Mạnh Cường... (điện ảnh); Trọng Trinh (PT-TH); Trần Hạnh, Minh Vương, Thanh Ngoan, Thu Hà, Minh Hằng, Công Lý, Trung Anh... (sân khấu)... Niềm vinh dự lớn lao này, trước hết thuộc về các nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn hóa của dân tộc. Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tôn vinh các nghệ sĩ xứng đáng với đóng góp xuất sắc của họ cho đất nước.

Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế, hàng vạn nghệ sĩ đã đồng hành với Đảng, với dân tộc, với quân đội. Được giác ngộ, đào tạo, họ thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng-văn hóa. Nhiều nghệ sĩ có mặt trên những nẻo đường ra trận nham nhở dấu vết đạn bom, ở các chiến trường ác liệt hay nơi biên giới, biển, đảo tiền tiêu biểu diễn phục vụ bộ đội, đồng bào. Có những giọng hát, giọng đọc, những vai diễn của nghệ sĩ mãi mãi được lưu giữ trong ký ức chiến sĩ, nhân dân. Văn nghệ sĩ thực sự trở thành binh chủng đặc biệt góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh để dân tộc ta giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Danh hiệu NSND, NSƯT ghi nhận tài năng xuất sắc, tâm huyết lớn lao, sự cống hiến bền bỉ của các nghệ sĩ với đất nước và cách mạng. Đó là dấu mốc đẹp trong cuộc đời nghệ sĩ mà họ đã đạt được bằng tài năng và nghị lực không nhỏ của mình. Đương nhiên, không phải dễ dàng gì mà đạt được những thành quả đó, dù có sẵn tài năng. Nếu các nghệ sĩ không gắn bó với dân tộc, chẳng chịu đắm mình vào cuộc sống chiến đấu vinh quang, lao động hăng say lập nhiều kỳ tích và còn cả những mất mát hy sinh. Chính hiện thực cuộc sống phong phú đã bồi đắp cho họ những cảm hứng, trải nghiệm, dẫn tới thành công trong nghề nghiệp. Sáng tạo của nghệ sĩ không thể không bắt nguồn từ cuộc sống, và tài năng của mỗi người chỉ được phát huy rực rỡ khi được đặt đúng chỗ.

Nghệ sĩ thường chọn cho mình một lối đi, một cách thể hiện phù hợp với khả năng, hoàn cảnh cá nhân. Tuy nhiên, lựa chọn nào cũng nên hướng về Tổ quốc và nhân dân để có đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bản sắc dân tộc chẳng khác gì tấm căn cước quan trọng của người Việt. Những sự bắt chước, lai căng trong sáng tác, biểu diễn không thể đưa nghệ sĩ đi xa, bay cao được. Chỉ có bám riết vào truyền thống, làm mới, làm hay, làm đẹp truyền thống mới hy vọng tạo ra được cái riêng biệt, độc đáo khi đi ra với nhân loại. Ai đó từng nói, đi đến tận cùng dân tộc sẽ gặp nhân loại. Tôi thấy điều đó là chính xác, nghệ sĩ nào quay lưng lại với dân tộc và truyền thống chắc chắn khó có vị trí vững vàng, lâu bền trong lòng công chúng.

Có được danh hiệu đã khó, giữ được danh hiệu còn khó hơn. Không phải không có nghệ sĩ sau khi được phong tặng danh hiệu bỗng chững lại hay bị khuất lấp đâu đó. Họ không còn giữ được lửa và sự sáng tạo trong nghệ thuật cũng nhạt nhòa đi một cách đáng sợ. Sự gắn bó với cuộc sống, với nhân dân, chiến sĩ cũng buông lơi. Ý thức là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa cũng bị xem nhẹ, hoặc coi thường. Với nghệ sĩ, cao hơn nghề, vẫn là đất nước và nhân dân. Số phận mỗi nghệ sĩ gắn liền với vận mệnh non sông, khi chiến tranh hay hòa bình đều thế cả. Dấn thân vào cuộc sống nhân dân là lựa chọn đúng của mỗi nghệ sĩ. Vì nhân dân phục vụ, câu ấy đâu chỉ dành cho lực lượng vũ trang mà đúng với cả giới nghệ sĩ. Không còn gì hạnh phúc hơn khi được nhân dân yêu quý, trân trọng. Đó mới là phần thưởng cao quý nhất, lâu bền nhất với mỗi nghệ sĩ chân chính; những người cống hiến không biết mệt mỏi cho Tổ quốc mình.

NGUYỄN HỮU QUÝ