Hiểu một cách giản dị thì phê bình sinh thái là mối quan hệ gắn kết và gắn nối môi trường tự nhiên và văn hóa để kiến tạo văn bản văn hóa về môi trường.
Tôn trọng trái đất tức tôn trọng con người, phá hủy trái đất tức phá hủy căn nhà con người sống, tàn phá môi trường tức làm thui chột tính người. Đó là tinh thần nhân văn đáng quý của hướng nghiên cứu này… Nó kêu gọi con người phải hòa hợp, giữ gìn, tôn trọng tự nhiên, sống chung với tự nhiên. Điều này hoàn toàn phù hợp với bước đi của triết học văn hóa đương đại kêu gọi con người đối thoại văn hóa, trong đó đối thoại cả với tự nhiên. Mà căn cứ để đối thoại là hiểu biết (tự nhiên); bình đẳng (với tự nhiên); tôn trọng, và biết lắng nghe (tự nhiên). Ngay Thế vận hội mùa Hè Rio de Janeiro-2016 vừa diễn ra tại Brazil nổi tiếng môi trường xanh cũng kêu gọi toàn thế giới bảo vệ môi trường và bầu không khí.
Nội dung như vậy nên tất yếu phê bình sinh thái đương đại phải kêu gọi quay trở về với giá trị văn hóa thiên nhiên phương Đông. Mà như chúng ta đều biết, từ hàng ngàn năm nay với thuyết “thiên nhân hợp nhất” văn hóa phương Đông luôn quan niệm con người thống nhất, hài hòa với tự nhiên, là một phần của tự nhiên: “Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật” (Lão Tử). Khổng Tử còn dạy học trò thuận theo tự nhiên thì phải tôn trọng nó, không được đốn cây lớn trong mùa xuân, không được bắt cá nhỏ. Trong truyền thống văn hóa Ấn Độ, trước khi lên trị vì đất nước các vị anh hùng đều phải có thời gian tu thân trong núi cao rừng thẳm để hòa mình vào thiên nhiên, tu trí, tĩnh tâm. Nhà chùa thờ Phật thường nép mình dưới bóng cây cổ thụ là biểu hiện một triết lý con người hạnh phúc là được lẫn vào thiên nhiên… Ở nước ta, các bậc đại Nho như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… đều tìm về với tự nhiên, coi đó là ngọn nguồn của hạnh phúc.
Rất phương Đông và cũng rất dân tộc, Bác Hồ ưa thích cuộc sống gần nơi thiên nhiên tự do, tĩnh tại, thanh sạch: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Khi phải gánh vác nhiệm vụ trọng đại lãnh đạo cuộc kháng chiến Bác Hồ vẫn dành thời gian hạnh phúc cùng thiên nhiên, làm thơ cùng “bạn” trăng: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ”, dành thời gian hạnh phúc cùng con trẻ, cùng cỏ cây… Từ góc nhìn này ta thấy Bác Hồ cũng là bậc đại Nho đã học tập, tiếp thu, kế thừa, phát triển và nâng cao từ truyền thống.
Như vậy chúng ta có một hệ mỹ học riêng về sinh thái được kết tinh ở tư tưởng các vĩ nhân, không phải tìm đâu xa, hãy tìm về tư tưởng mỹ học truyền thống để kiến tạo hiện tại.
Chúng ta tự hào khi phê bình sinh thái phương Tây đang phải tìm về văn hóa phương Đông, trong đó lấy thơ về thiên nhiên của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh… làm cứ liệu để sinh động hóa lý thuyết này. Với giới sáng tác, có thể là chưa hiểu sâu nhưng bằng tài năng và tính trực giác tiên phong, thì biểu hiện của phê bình sinh thái đã có trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu với Một lần đối chứng, Phiên chợ Giát, Sống mãi với cây xanh… Và sau đó là sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Trí... Chúng ta mong muốn và chờ đợi nhiều hơn nữa những sáng tác về khuynh hướng này của các nhà văn Việt Nam đương đại. Vì đó là hướng đi đậm đà tính dân tộc truyền thống lại rất quốc tế nhân loại hiện đại.
NGUYÊN THANH