Con cười ngại ngùng khi thấy mẹ phải mất nhiều thời gian để giải thích cho các cháu về những vật dụng khác lạ mà ở quê mới có. Mẹ gọi các cháu vào bếp, nổi lửa, khói liếm dần lên mái bếp ngói đã ngả màu đen sẫm già nua. Con tiến lại gần hít hà cái mùi quen thuộc, chợt thấy lòng mình nao nao.
Ở thôn quê, nhà nào cũng có một căn bếp nhỏ âm thầm đỏ lửa. Căn bếp tách biệt với nhà ở, nhỏ nhắn nhưng chứa đựng không biết bao nhiêu đồ dùng. Góc bếp, bao giờ cũng có một ô nhỏ để rơm, được rút từng thúng từ đống rơm sau nhà. Xung quanh là bao trấu, thùng gạo... Ngoài ra, mẹ còn gác thêm thanh tre đặt ngang trên tầng mái làm nơi để thúng, sảo, giần, sàng và một đôi quang gánh. Đồ dùng ấy hằng ngày đượm mùi khói bếp trở nên bền, chắc, chống được mối mọt.
Bếp có một chiếc kiềng bốn chân bằng sắt có thể để được cùng lúc cả soong cơm, siêu nước, soong canh. Khi nấu, chỉ cần đun lửa tập trung vào soong cơm và canh đến chín thì siêu nước đặt giữa cũng sôi. Thời xưa, bố mẹ đi làm đồng, con được giao nhiệm vụ nấu cơm tối cho cả nhà. Con nghịch ngợm, cời trộm mấy củ khoai lang mẹ đổ đầy dưới gầm giường. Đặt hết soong lên kiềng, con bỏ khoai lang vào bếp tro nóng. Hết bới ra lại ủ vào, chăm chú quên cả nhiệm vụ nấu ăn. Mùi khoai lang chín dở lẫn với mùi gạo khét, con giật mình nhớ ra nồi cơm quên chưa cho nước... Nhìn khói bếp loang trời chiều, con càng lo nghĩ nhiều đến lúc bố mẹ về sẽ trách mắng...
Ngày mưa bão, trời se lạnh, bố mẹ không đi làm đồng, chúng con quây quần bên bếp lửa của mẹ. Những đôi mắt ngây thơ chăm chú vào chiếc soong rang mẹ vừa cho 1 nắm thóc nếp, đè lên bằng một búi rơm rối. Chiếc soong ấy nguyên để nấu canh nhưng do sử dụng nhiều, bị thủng một lỗ nhỏ dưới đáy. Mẹ không bỏ đi mà dùng nó làm soong rang sử dụng lúc cần thiết.
Những hạt thóc nếp đảo đều, xoay tròn theo búi rơm trong chiếc soong mỏng. Chưa đầy một phút, những âm thanh lách tách vang lên đều đều. Sức nóng của lửa làm những hạt thóc nở bung, bật tung lên nhưng bị ngăn lại bởi búi rơm. Âm thanh lách tách vang lên đều đều, ngày càng gấp gáp hơn. Bỏng trắng xóa xen vào búi rơm đang cuộn tròn trong soong tựa những bông hoa điểm xuyết đều đặn. Mẹ dừng đảo đũa, rũ búi rơm nóng ran rồi đổ thành phẩm ra chiếc giần tròn. Những hạt bỏng trắng bóc rơi đều trong làn khói bếp đậm như phép màu ký ức tuổi thơ.
Những ngày mưa dầm, không gian mịt mờ như màu khói bếp, mùa ẩm kéo về giăng đầy trên dây phơi quần áo. Đôi mắt con buồn bã nhìn chiếc áo đồng phục ẩm ướt trên dây phơi. Bàn tay mẹ âm thầm nhóm bếp lửa, tỉ mẩn hơ từng ống tay, cổ áo cho con. Áo giăng trước ánh lửa bập bùng, hơi nước bốc lên chờn vờn trong sương sớm. Quanh mẹ, những cái bóng như nhảy múa với đủ hình thù. Bóng cái thúng tròn, cái sảo thưa, cái đòn gánh dựng đứng,... Duy có bóng mẹ lom khom in hằn trên vách bếp, lặng lẽ gửi yêu thương vào chiếc áo nhỏ cho con. Chiếc áo nhận từ tay mẹ đã khô mà mắt con lại ướt nhèm, vì khói bếp thì ít mà thương mẹ thì nhiều.
Với nhiều gia đình, chiếc bếp nhỏ bụi đầy bồ hóng chỉ còn là ký ức xưa. Nhưng mẹ của con vẫn nhất quyết giữ lại gian bếp cũ của gia đình dù đã có thêm bếp ga, bếp điện. Mấy đứa cháu quây quần, chen nhau cười nói trong căn bếp nhỏ của mẹ. Những đôi mắt ngây thơ cuốn hút theo đôi tay mẹ run run quay tròn búi rơm thơm bỏng nếp xen với mùi khói bếp nồng nồng...
NGUYÊN ĐỨC