Tranh kính ở đây chủ yếu là tranh thờ, thường thì một bộ tranh kính có bốn khung: Một khung hoành phi, một khung lớn ở giữa, hai khung liễn đối ở hai bên. Những năm gần đây khi kinh tế phát triển, đời sống khấm khá, người dân mới mua tranh kính đơn để trang trí nhà cửa.
Nhà văn Lê Quang Trạng, người con quê Chợ Mới dẫn tôi đến xưởng làm tranh kính của ông Nguyễn Minh Quang ở xã Long Giang để tìm hiểu về nghề này. Với người từ phương xa như chúng tôi, tranh kính là điều gì đó vừa lạ vừa quen. Quen bởi các họa tiết, tích truyện, đường nét khá giống với những bộ tranh thờ mà các gia đình ở miền Bắc và miền Trung hay treo những thập niên 1990.
 |
Những bức tranh kính cũ được chủ cũ đổi lấy tranh mới.
|
Điểm khác biệt là những tranh thờ chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài và thường là in trên các loại giấy khác nhau. Dường như quan niệm thẩm mỹ và tín ngưỡng của người miền Tây Nam Bộ có hơi khác đó là thích màu sắc rực rỡ hơn; đồng thời thích mọi thứ trong nhà phát sáng lung linh, giúp gia đình phát tài phát lộc, cuộc sống bình an, mọi sự cát tường như ý. Tranh kính đáp ứng những nhu cầu đó, nên trải qua hàng chục năm tranh kính vẫn được người dân miền Tây sông nước ưa chuộng. Thậm chí, có thời gian tranh kính cũng được nhiều gia đình ở nhiều vùng đất khác yêu thích.
Tranh kính được vẽ trên một tấm kính, nét vẽ không quá nghệ thuật, thay vào đó là sự mộc mạc. Sự độc đáo của tranh kính ở chỗ phải vẽ ngược, tức mặt vẽ là phía sau tấm kính và mặt chính của tranh là phía còn lại. Vì vậy người vẽ phải tư duy ngược để họa ra bố cục hợp lý, chữ phải viết chạy ngược từ phải qua trái.
Khi khoa học bắt đầu phát triển mạnh, những nghệ nhân bắt đầu áp dụng phương thức kéo lụa trên kính với nhiều ưu điểm vượt trội như: Nhanh, đẹp, màu sắc rực rỡ, độ tương đồng giữa các bức tranh hoàn toàn giống nhau, giá thành rẻ. Công việc sơn tranh kính khá đơn giản, chỉ ngồi tô vẽ các hình ảnh đã được vẽ lên tranh. Tuy nhiên, nếu không quen tay thì việc sơn trên tranh kính cũng không hề dễ dàng, phải di chuyển cọ sơn một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển để các màu sơn không bị lem và bề mặt sơn được bóng láng.
 |
Khung tranh được in kéo lụa. |
Tùy theo kinh tế của người mua mà tranh kính đơn giản hay cầu kỳ phức tạp. Gần đây, có loại tranh kính cẩn xà cừ có giá khoảng vài triệu đồng/bức. Một điều đặc biệt là những ai từng mua tranh kính có thể sử dụng tranh cũ để đổi lấy sản phẩm mới hoặc gửi tranh cũ để xưởng tô vẽ lại.
Nhân lực làm nghề tranh kính đều là người địa phương. Học nghề không quá khó khăn, đều là kinh nghiệm cha truyền con nối từ bao đời. Chỉ cần chịu khó, kiên trì là có một nghề phụ với thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng.
Ngày nay, nghề làm tranh kính không còn quá sôi động như cách đây 30 năm tuy nhiên nhu cầu thị trường vẫn còn nên các hộ dân ở đây vẫn duy trì nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế, du lịch An Giang.
Bài và ảnh: MỘC LAN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.