Chỉ biết rằng, khi chúng tôi đi học, thân gạo đã to, cao hơn cả mái nhà, ngọn cây cao vút. Thân cây gạo thẳng đứng, cành lá không xum xuê như những loài cây khác mà khẳng khiu, chắt chiu để làm nên những bông gạo rực đỏ một khoảng không gian yên bình của làng quê. Dường như hoa gạo muốn “tỏa nắng” để thử sức với cái nắng tháng 3 đầu mùa. Nắng tháng 3 không gay gắt, không bỏng rát như mùa hè, không hanh khô như mùa đông mà dịu ngọt, ấm áp, dễ chịu lạ thường. Có lẽ, cái nắng tháng 3 được chắt chiu để làm cho hương vị những bông gạo quê tôi thêm đậm màu, rực rỡ, làm đẹp thêm khoảng cuối sân trường làng.

Những ngày tháng 3, đi trên con đường quê quen thuộc, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những chùm lửa nhỏ. Từ cổng làng, trường học, rồi cả cánh đồng làng. Những lúc rảnh rỗi, lũ trẻ chúng tôi thường xúm xít dưới gốc gạo già, tranh nhau nhặt hoa gạo rụng thi xem ai xâu được chuỗi dài nhất... Tiếng cười nói, cãi nhau tranh phần thắng cứ ồn ã một vùng.

leftcenterrightdel
Minh họa: QUANG CƯỜNG 

Tôi xa quê đến nay cũng đã hơn 20 năm. Mỗi độ tháng 3 về, chúng tôi có dịp hành quân qua các xóm, làng, được ngắm nhìn những bông gạo đỏ bắt đầu hé nở, tôi lại nao lòng nhớ về tuổi thơ, nhớ về dãy gạo cuối trường làng... Những lúc nghỉ giải lao trên thao trường, tôi và đồng đội ngồi tựa mình bên gốc gạo già trên các điểm cao, kể cho nhau nghe câu chuyện thuở thiếu thời. Rồi cùng nhau cười giòn tan dưới cái nắng tháng 3, nhặt bông gạo rụng, mân mê, ngắm nhìn... để làm vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê và nhớ lũ bạn thuở ấu thơ.

Tôi chợt nhận ra, không chỉ ở quê tôi mới có những chùm hoa gạo đỏ, mà những cây gạo khoe sắc mỗi độ tháng 3 có ở nhiều làng quê Việt Nam, điểm tô cho sức sống thanh bình, yên ả của người dân nơi ấy. Sắc đỏ mê mẩn giữa khoảng không gian bình yên vào mỗi độ tháng 3 cùng vạt nắng vàng trải xuống điểm cao đã gợi nhắc chúng tôi trở về những năm tháng tuổi thơ, để thêm quyết tâm học tập, luyện rèn trong môi trường quân ngũ.

LÊ QUYẾT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.