Nhà thờ, con sông và những cánh đồng là nơi để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời mỗi người dân Xu-đăng. Trong khi hầu hết lũ trẻ độ tuổi tôi chẳng mấy thích thú khi phải đến nhà thờ học kinh Cô-ran thì tôi lại rất thích. Lý do là tôi học thuộc lòng rất nhanh và nhà thờ luôn yêu cầu tôi lên đọc thuộc một chương mỗi khi có khách. Tôi sẽ được xoa đầu và véo nhẹ lên má giống như cái cách mọi người vẫn làm khi thấy tôi đi cùng ông nội.
Tôi cũng yêu con sông gần nhà. Ngay sau khi đọc kinh Cô-ran buổi sáng xong, tôi sẽ vứt tấm bảng gỗ xuống và phi nước đại về với mẹ, vội vã tọng bữa sáng xuống dạ dày, rồi chạy ào ra bờ sông. Bơi chán chê, tôi lên bờ ngồi ngắm nhìn dòng sông đang mải miết chảy về hướng đông, lẩn vào phía sau rừng keo. Tôi lỏng cương cho trí tưởng tượng bay bổng và hình dung rằng có một bộ tộc người khổng lồ phía sau khu rừng đó. Đó sẽ là một bộ tộc của những người đàn ông cao, gầy, có râu trắng và mũi nhọn như ông nội tôi. Mỗi khi trả lời các câu hỏi của tôi, ông đều đưa ngón trỏ lên gãi gãi chóp mũi. Còn bộ râu của ông thì mềm mượt, rậm và trắng như bông. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy thứ gì trong đời lại trắng tinh khiết và đẹp đến thế. Ông tôi cũng rất cao. Tôi chưa thấy ai trong vùng chào ông mà không phải ngẩng lên nhìn. Khi bước vào một ngôi nhà nào đó, ông tôi đều phải cúi thấp người khiến tôi luôn so sánh cái lưng cong lại của ông với dòng sông chảy quanh phía rừng keo. Tôi luôn mường tượng một ngày nào đó lớn lên tôi cũng sẽ cao to và mảnh mai như ông, bước những bước dài oai vệ.
Tôi tin rằng mình được ông cưng chiều nhất. Cũng chẳng có gì là lạ. Tôi nổi trội giữa đám anh, chị, em họ ngu ngốc. Người ta vẫn nói rằng tôi là một đứa trẻ thông minh. Tôi luôn biết khi nào ông nội muốn tôi cười, khi nào phải im lặng. Tôi cũng luôn nhớ giờ cầu nguyện của ông, chuẩn bị tấm thảm lót chân cho ông, rồi đổ đầy những bình nước tẩy trần mà không cần ông phải sai bảo. Khi rảnh rỗi, ông rất thích nghe tôi đọc kinh Cô-ran bằng cái giọng du dương trẻ ríu rít. Những lúc như thế, khuôn mặt ông lộ rõ vẻ xúc động.
Một hôm, tôi hỏi ông về người hàng xóm Ma-xút. Tôi nói: “Cháu đoán là ông không thích ông hàng xóm Ma-xút”.
Ông lại gãi gãi mũi trước khi trả lời: “Đó là một người lười biếng. Ông không thích những người như vậy”.
Tôi hỏi: “Người lười biếng là sao?”.
Ông tôi cúi đầu ngẫm nghĩ, sau đó nhìn ra cánh đồng rộng lớn, nói: “Cháu có thấy cánh đồng chạy dài từ giáp sa mạc cho tới bờ sông Nin kia không? Một trăm phê-đan (42 héc-ta) đấy. Cháu có thấy những cây chà là đó không? Cả những hàng keo và cây say-an kia nữa? Tất cả là của Ma-xút. Ông ta thừa hưởng từ bố mình”.
Nhân lúc ông nội ngừng lại, tôi quay sang cái khu vực rộng lớn ông vừa nói. Tôi không quan tâm ai là chủ nhân của những cây chà là hay khu đất đen xì, nứt nẻ đó. Với tôi, đơn giản đó là đấu trường cho những giấc mơ và sân chơi của mình.
Ông tôi tiếp tục: “Đúng thế. Bốn mươi năm trước đây, tất cả thuộc về Ma-xút. Giờ thì hai phần ba số đất đó đã là của ông”.
Vậy mà trước giờ tôi cứ tưởng khu đất là của ông nội ngay từ đầu.
“Khi lần đầu tiên đặt chân tới ngôi làng này, một mẩu đất cắm dùi ông cũng không có. Khi đó, Ma-xút sở hữu tất cả. Nhưng giờ thì vị trí đã đảo ngược. Trước khi về bên Thánh A-la, ông sẽ lấy toàn bộ số đất còn lại”.
Không hiểu sao những lời nói của ông nội làm tôi thấy sợ hãi và buồn cho người hàng xóm Ma-xút của chúng tôi. Tôi mong sao ông nội sẽ không làm những gì ông vừa nói! Tôi nhớ giọng hát của Ma-xút. Giọng hát mới tuyệt vời làm sao. Cả tiếng cười của ông nữa, mạnh mẽ, ào ạt như tiếng nước đổ. Còn ông tôi thì chẳng bao giờ cười.
Tôi hỏi ông nội tại sao Ma-xút lại bán đất và nhận được câu trả lời là: “Đàn bà”. Cái cách ông phát âm từ “đàn bà” khiến tôi tưởng tượng ra rằng đàn bà là điều gì đó khủng khiếp lắm.
Ông nói: “Ma-xút lấy nhiều vợ. Mỗi khi lấy thêm vợ, ông ta lại bán cho ông một vài phê-đan”.
Tôi nhẩm nhanh từ số đất của Ma-xút và nghĩ có lẽ ông ta đã lấy tới 90 bà vợ. Nhưng rồi tôi chợt nhớ tới 3 bà vợ của Ma-xút, vẻ ngoài tiều tụy của ông trong chiếc áo dài truyền thống có ống tay đã rách cùng con lừa què với chiếc yên lừa nhàu nát. Những suy nghĩ đó cứ nhảy nhót trong đầu tôi ngay cả khi Ma-xút đang đi về phía chúng tôi.
Ma-xút nói: “Hôm nay sẽ thu hoạch chà là. Ông có muốn ra xem chút không?”.
Bảo vậy nhưng tôi thấy Ma-xút không thực sự muốn ông tôi đến. Thế nhưng ông nội tôi đứng bật dậy, mắt sáng ngời. Ông kéo tay tôi đi thẳng ra chỗ thu hoạch chà là của Ma-xút.
Tới nơi, đã có người mang cho ông tôi một chiếc ghế trên có phủ một bộ da bò. Tôi đứng bên cạnh. Có rất nhiều người ở đó, toàn là những người tôi biết. Không hiểu sao tôi cứ để ý đến Ma-xút. Ông có vẻ xa lánh cái đám đông đang thu hoạch chà là nhà mình, cứ như thể việc đó chẳng có gì liên quan đến ông và cứ như thể những cây chà là kia không phải của ông vậy. Đôi lúc Ma-xút cũng giật mình khi một cành chà là lớn rơi xuống. Có lúc ông hét to với cậu bé đang ngồi vắt vẻo trên ngọn cây chà là và bắt đầu vung chiếc liềm sắc lẻm: “Này, không được cắt vào tim cây như thế!”.
Tiếng hét của ông rơi tõm vào thinh không. Chẳng ai chú ý và cậu bé trên ngọn chà là nhanh chóng vung liềm. Từng chùm chà là rơi xuống như món quà từ “cao xanh”.
Còn tôi thì lại miên man suy nghĩ về cụm từ Ma-xút vừa dùng: “tim cây”. Tôi lại thấy cây cỏ cũng có cảm giác, cũng có một trái tim đang đập dồn. Tôi nhớ có lần Ma-xút nói khi ông thấy tôi nghịch mấy cành cây chà là non: “Cây chà là cũng giống như con người, cũng biết vui buồn và đau khổ, cậu bé ạ”.
Lúc đó tôi đã rất bối rối.
Giờ nhìn lại, đám người trước mắt tôi đã đang rùng rùng như kiến bu quanh mấy cây chà là, nhặt quả. Quả chà là sau đó được vun cao thành đống. Người ta đến cân và đổ chúng vào ba mươi chiếc bao tải. Rồi đám đông giải tán. Giờ chỉ còn lại thương gia Hút-xen, ông Mô-xa chủ khu đất giáp nhà tôi về phía đông, và hai người đàn ông tôi chưa từng gặp bao giờ.
Có tiếng ngáy. Thì ra ông nội tôi đã ngủ từ lúc nào. Ma-xút thì vẫn đứng vậy, miệng đang nhai một nhành cây như cái cách người ta vẫn thường làm khi chẳng biết làm gì cả.
Đột nhiên ông tôi bừng tỉnh, đứng bật dậy, đi về phía những bao tải chà là. Theo sau ông là thương gia Hút-xen, ông chủ Mô-xa và hai người đàn ông lạ mặt. Tôi liếc nhìn Ma-xút, thấy ông chậm chạp tiến về phía chúng tôi, giống như khi người ta muốn quay lui nhưng chân thì vẫn cứ tiến về phía trước. Tất cả xúm quanh mấy bao chà là, kiểm tra chất lượng. Một vài người bốc chà là ăn thử. Ông nội đưa tôi một nắm. Tôi nhệu nhạo nhai trong khi Ma-xút đưa hai lòng bàn tay xúc đầy chà là, đưa lên mũi hít hà, rồi lại thả xuống.
Mọi người chia nhau số chà là vừa thu hoạch. Thương gia Hút-xen lấy mười bao. Hai người đàn ông lạ mặt lấy mỗi người năm bao. Ông chủ Mô-xa lấy năm bao. Ông nội tôi lấy năm bao. Không hiểu vì sao, tôi ngước nhìn Ma-xút, thấy mắt ông cứ đảo qua, đảo lại như hai con chuột quên đường về hang.
Ông nội tôi bảo Ma-xút: “Ông vẫn còn nợ tôi năm mươi bảng đó nhé. Chúng ta sẽ nói chuyện này sau”.
Hút-xen gọi trợ lý mang lừa tới. Hai người đàn ông lạ mặt chất mấy bao chà là lên lưng lũ lừa. Một con lừa kêu be lên, khiến mấy con còn lại cũng phì bọt miệng, be lên ầm ĩ. Tự nhiên tôi tiến đến gần Ma-xút, thấy tay mình đưa ra như thể muốn chạm vào vạt áo của ông. Đột nhiên tôi nghe thấy từ cổ họng Ma-xút phát ra một tiếng gì đó như tiếng kêu của một con cừu bị cắt tiết. Chẳng hiểu sao, tôi thấy ngực mình đau nhói.
Tôi vùng chạy ra xa. Có tiếng ông nội gọi tôi phía sau. Do dự một chút, nhưng rồi tôi tiếp tục chạy. Lúc đó, một cảm giác như căm ghét trào lên. Chạy hết tốc lực như thể đang có một bí mật cần được giải thoát, tôi đến phía bờ sông đang mải miết chảy phía rừng keo. Đặt ngón tay vào cổ họng, tôi móc mạnh, tống hết ra ngoài những gì vừa mới ăn.
HỮU DƯƠNG (dịch)