Cần phải chú thích ngay rằng miền Đông ở đây là cách gọi của người Quảng Ninh với phần phía đông của tỉnh nhà, không phải để chỉ miền Đông Nam Bộ rộng lớn, trù phú của nước ta. Nếu tưởng tượng Quảng Ninh như một con thuyền lướt sóng hướng đông bắc thì miền Đông là mũi thuyền đạp sóng tiến lên. Ấy thế mà bao năm, động lực phát triển của “xứ vàng đen” luôn là miền Tây với Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên… giàu đẹp. Miền Đông ngoài TP Cẩm Phả và TP Móng Cái, còn có 6 huyện, gồm: Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Bình Liêu, Hải Hà, Vân Đồn tiềm năng vẫn còn… ngủ quên. Cũng dễ hiểu vì địa hình miền Đông chủ yếu là núi cao, nối tiếp của vùng Thập Vạn Đại Sơn từ Trung Quốc, nơi đây có những dãy núi cao gần 1.500 mét so với mực nước biển như những vật cản của sự phát triển kinh tế-xã hội.
Người Quảng Ninh sống nơi núi bao, biển lớn tính phóng khoáng, năng động, đâu chịu đầu hàng tự nhiên. Tiên Yên-huyện cửa ngõ miền Đông đã kết nối với các đơn vị làm du lịch đưa du khách đến phố đi bộ vào thứ bảy, chợ phiên Hà Lâu vào chủ nhật gắn với các điểm du lịch trên địa bàn: Thác Pạc Sủi, rừng ngập mặn Đồng Rui và mũi Lòng Vàng, hồ Khe Cát… Ở các huyện khác, như: Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu cũng tích cực phát triển du lịch. Thế nên, nhắc đến du lịch Quảng Ninh hiện nay mà không nhắc đến miền Đông là thiếu sót.
Du lịch hay các lĩnh vực khác muốn phát triển thì phải có giao thông thuận lợi, sân bay quốc tế Vân Đồn đã đi vào hoạt động chính là cú hích lớn cho miền Đông để đón khách quốc tế từ Hàn Quốc, Nga, Mỹ... Cao tốc Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn giúp hành trình di chuyển từ Hà Nội được rút ngắn một phần ba và tổng thời gian di chuyển rút ngắn còn một nửa. Miền Đông thực sự đã thức giấc!
Hành trình của chúng tôi thăm miền Đông giờ thật dễ dàng, từ Hà Nội chỉ trong 3 giờ là đến thị trấn Tiên Yên. Trên Quốc lộ 18 đã thấy nhiều trạm dừng nghỉ hiện đại, du khách phương xa không có thời gian lưu lại vẫn có thể mua các sản phẩm đặc sản địa phương trong chương trình OCOP (“Mỗi xã, phường một sản phẩm”-One commune, one product) hay là thưởng thức thịt gà Tiên Yên nổi tiếng đã đi vào câu ca “Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên”. Chúng tôi có vài ngày nghỉ ngơi, chọn cách “câu giờ” hơn. Trên đường đến thác Pạc Sủi 16 tầng, đồng lúa bát ngát chín vàng trải dần lên cao, rất đông khách du lịch tụm năm tụm ba chụp ảnh. Đường lên đỉnh thác láng bê tông ô tô đi bon bon nhưng quanh co, chật hẹp, bác tài tên Thành là thổ công vùng này thuộc đường vẫn phải phanh dúi dụi khi những con gà Tiên Yên dày mình chân lại bé tí bất thình lình băng qua. Bác Thành dừng xe vào nhà một người dân tộc Dao, mua cặp gà trống mái cho đủ bộ. Thế là chúng tôi có bữa ăn nhớ đời, sau khi lạnh run người tắm nước “suối trời” được làm nóng bởi chén rượu ngô và gà nướng “dã chiến” kẹp trên những thanh tre. Gà Tiên Yên béo lắm, mỡ vàng mà sao ăn không ngấy, da giòn như phết mật ong từ trước vậy. Lọt vào danh sách 50 đặc sản ẩm thực của đất nước kể là rất xứng đáng.
Chúng tôi tiếp tục theo hướng Đông Bắc để đến với thành phố biên giới Móng Cái sầm uất. Người ta nói đùa, Móng Cái có lẽ là thành phố biên giới giàu có bậc nhất đất nước, không tin nhìn ô tô đỗ đầy đường là biết. Cái tên Móng Cái thoát thai từ hai tiếng “Mang Nhai” (phố mường) vốn người Hoa, vậy cũng đủ biết truyền thống buôn bán từ trăm năm trước đã phồn thịnh lắm rồi. Gần kề ngay TP Đông Hưng, tỉnh Quảng Đông-một công xưởng lớn của đất nước công xưởng thế giới -Trung Quốc, dễ hiểu vì sao đến Móng Cái giống như thiên đường mua sắm vậy. Hàng Trung Quốc chất lượng mức nào, giá cả ra sao đều có, vấn đề là du khách mang bao nhiêu tiền? Chúng tôi cũng chẳng có nhu cầu gì đặc biệt, ở Hà Nội nơi hội tụ bốn phương, đâu thiếu thốn gì. Mấy chị em ưa xách nách lỉnh kỉnh thì mua một thùng xì dầu “Nhất phẩm tiên” nhãn hàng càng cua về làm quà.
Đến Móng Cái tất nhiên người ta phải đến mũi Sa Vỹ nơi bắt đầu dánh hình chữ S của Tổ quốc. Hai bên đường hàng dương cổ thụ trải thẳng tắp kiên cường trước gió bão trùng dương. Di tích đình Trà Cổ đồ sộ, khiến người ta ngạc nhiên miền gió cát mà sức sống văn hóa người Việt thật mạnh mẽ. Người Việt từ Đồng bằng Bắc Bộ đã đến đây, lấy từ biển những sản vật để nuôi sống bao thế hệ, vẫn không quên văn hóa làng xã, dựng ngôi đình đồ sộ từ thế kỷ 15 thờ Thành hoàng có công lập làng nơi địa đầu Tổ quốc. Cảm hứng đó chắc dẫn đường để người nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Cường sáng tác ca khúc “Mái đình làng biển” ngợi ca sức sống dân tộc mãi trường tồn. Sa Vỹ giờ đây được quy hoạch trở thành điểm du lịch để du khách đến nghỉ dưỡng, chơi golf, tìm hiểu văn hóa miền biển và nhất là để “dân phượt” đặt chân đến một trong mốc chinh phục những vùng đất định hình lãnh thổ cùng với A Pa Chải (Điện Biên), Lũng Cú (Hà Giang), mũi Cà Mau…
Điểm đến cuối cùng trong chuyến đi ngắn ngủi tới miền Đông của chúng tôi là huyện đảo Vân Đồn, nơi được thiên nhiên ưu ái dành tặng những bãi biển tuyệt đẹp với làn nước trong xanh cùng bờ cát trắng trải dài. Đến Vân Đồn, du khách sẽ được thả hồn trong vẻ đẹp của thiên nhiên, tham quan đời sống của ngư dân cũng như thưởng thức những món hải sản tươi ngon “ngất ngây” khiến ai đã lỡ bước đến đây đều hy vọng có một ngày được quay trở lại. Trước đây, Vân Đồn có khách du lịch đấy nhưng chủ yếu là khách Trung Quốc và khách ở miền Bắc. Nay có sân bay, chỉ cần vài giờ, bạn chúng tôi từ miền Nam ra đã có thể phơi mình nghỉ mát ở bãi tắm Quan Lạn nằm trong vịnh Bái Tử Long.
Mấy ngày nghỉ mà chúng tôi đi được vài tuyến du lịch ở miền Đông thế cũng tạm hình dung và hy vọng về sự thức dậy của vùng đất rộng lớn, nhiều tiềm năng này. Chị Hoa, giám đốc một công ty du lịch ở Quảng Ninh nói chúng tôi nên tiếp tục thu xếp thời gian, nhất là dịp nghỉ lễ Quốc khánh tới đây để đi du lịch vùng núi mùa thu, ngắm cây rừng chuyển lá vàng lá đỏ sau khi đã trầm mình vào làn nước biển mát lạnh mùa hè. Như để chúng tôi tin, chị Hoa cho xem những bức ảnh vùng núi miền Đông. Tuyệt đẹp! Vậy là chúng tôi, người Nam kẻ Bắc lại hò hẹn nhau, nói vui: Nước mình đâu cũng có cảnh đẹp, khác gì đâu mà cứ tốn tiền chơi xa. Ngay miền Đông thôi đã rừng vàng, biển bạc…
Ghi chép của NGỌC PHƯỢNG