Tôi lặng nhìn cánh diều đơn lẻ đang thả mình giữa bầu trời trong vắt. Bỗng nhớ da diết cánh diều nhỏ của ông nội với những kỷ niệm tuổi thơ ùa về.
Ông nội khéo tay, những lúc rảnh lại ngồi chế tạo đồ chơi cho đám con trẻ. Ông hay làm cho chúng tôi chiếc diều cung trăng đẹp mắt. Gọi là diều cung trăng vì mỗi khi được thả, nó tô điểm lên nền trời xanh cái dáng cong khum khum như mảnh trăng non đầu tháng.
Nhà có bụi tre lớn cạnh bờ ao, lại thường xuyên phải cạp thúng, mủng, nong, nia… nên ông luôn có sẵn bó tre gác trên xà ngang bếp. Tre gác bếp đượm khói, trở nên cứng, bền và chống mối mọt rất hiệu quả. Ông với tay lựa mấy thanh tre đã khô để làm khung diều. Ngồi trên chiếc ghế gỗ thấp, ông đặt thanh tre ngang đùi, đôi tay lựa đường dao vót lại thanh tre nhỏ. Lưỡi dao sắc lướt đi trên bề mặt, kéo từng lớp phôi bong ra từ thanh tre rơi xuống nền sân uốn cong, móc vào nhau như những sợi dây leo màu vàng nhạt quấn quít. Đám dây leo ấy cứ xếp đầy lên, đầy lên mãi trong ánh mắt trẻ thơ.
Đôi tay ông khéo đến nỗi những thanh tre được vót ra, chúng tôi xếp lại thấy đều nhau chằn chặn. Ông đặt hai thanh tre sao cho cật tre nằm hướng xuống đất, bụng tre ngửa lên trời, buộc cố định cán diều vuông góc với hai thanh tre. Rồi từ từ cố định, gò hai đầu khung diều. Khi sợi dây sắt mỏng vừa siết chặt hai đầu khung diều, chúng tôi reo lên đầy ngạc nhiên nhận ra chiếc khung đã biến hình, hai đầu uốn cong lại. Trên nền sân đã ố màu, chiếc khung diều cong vút như mảnh trăng non tươi tắn xuất hiện trong sự ngỡ ngàng, thích thú của đám trẻ.
Chúng tôi tranh nhau phụ ông phết hồ làm từ bột nếp nấu nhuyễn lên mặt khung để ông dán từng tờ giấy báo cũ lên mặt. Giấy báo gặp hồ nếp dính chặt vào mặt khung, ông đợi hết lớp này khô rồi lại dán chồng lớp khác. Cứ thế, mặt khung được căng đều các góc bởi giấy báo. Nhấc chiếc diều lên cao, ánh nắng chiếu qua thân diều làm nổi lên những dòng chữ in trên nền giấy. Ông đùa vui, cánh diều của chúng tôi đặc biệt lắm vì đó là cánh diều chở đầy chữ nghĩa.
Công đoạn khó nhất có lẽ là buộc dây khung, độ dài của dây khung được tính bằng hai phần chiều ngang diều. Dây khung tạo thành bộ dây chạc 3 giữ chiếc diều chắc chắn. Mối nối giữa dây khung và dây diều có thể điều chỉnh được tùy theo hướng gió và độ cao của diều. Cách buộc dây khá rắc rối nhưng khoa học, mãi sau này chúng tôi mới học được bí quyết buộc dây khung đúng cách của ông.
Trời chiều mùa nắng, khi những cánh hoa mướp vàng rộ trên giàn đã bắt đầu thu mình, gió cuộn lên thành từng đợt từ cánh đồng xa. Lũ trẻ í ới gọi nhau lang thang tìm thú vui bên cánh đồng làng. Chọn bờ cỏ rộng gần con mương dẫn nước vào đồng, chúng tôi theo ông mang những chiếc diều mới ra thả. Cuối chiều nhưng nền trời vẫn xanh thẳm, vài chùm mây bị gió thổi thơ thẩn trôi.
Trên bầu trời ấy, tô điểm những cánh diều đủ chủng loại, diều tam giác, diều thoi, diều vuông… nhưng nổi bật nhất vẫn là diều cung trăng của chúng tôi. Cánh diều cong nên đón gió tốt, vừa thả đã bật lên cao. Theo nhịp kéo dây, cánh diều lên cao nhỏ dần, nhỏ dần, thu vào tầm mắt chỉ còn là dấu móc nhỏ. Gió đồng nội thổi lên nhè nhẹ. Trên cao, trăng mọc sớm lẫn cả vào mảnh trăng non của ông đang thả hồn giữa nền trời xanh thẳm.
NGUYÊN ĐỨC