Nhà tôi ở một vùng miền núi xa xôi, từ nhỏ tôi đã hiểu gia đình mình không có điều kiện như nhiều gia đình khác.
Tôi có một người em trai 5 tuổi. Có một lần do quá thích một chiếc khăn tay thêu hoa, tôi đã lén lấy 5 đồng của bố tôi để trong ngăn kéo để mua chiếc khăn ấy. Ngay ngày hôm đó bố tôi phát hiện tiền bị thiếu, bố tôi bắt hai chị em phải úp mặt vào tường. Bố cầm con roi mây và bắt chúng tôi khai thật ra xem ai đã lấy tiền. Tôi sợ rúm ró người, cúi đầu không dám nói.
 |
Cả đời này người tôi phải biết ơn nhất chính là em trai mình. Ảnh minh họa: phunuvietnam.vn
|
Thấy chúng tôi không đứa nào thừa nhận, bố tôi quát to và dọa nếu không ai nói thật bố sẽ đánh cả hai chị em. Nói đoạn bố giơ roi vụt chúng tôi. Bỗng nhiên em tôi ôm chặt lấy tay bố cầu xin: “Bố, là con lấy, bố đừng đánh chị nữa!”.
Biết em tôi mắc tội, bố tôi cứ thế đánh liên tiếp vào lưng, vào vai em tôi, vừa đánh bố vừa quát to: “Giờ đã biết ăn cắp của nhà rồi, lớn lên còn như thế nào nữa?”. Đêm hôm đó, nhìn em tôi mình đầy thương tích, tôi và mẹ ôm lấy vỗ về, đau như vậy nhưng em không hề rơi một giọt nước mắt.
Nửa đêm, tôi không kìm được khóc thật to, em trai vội lấy tay che miệng tôi lại rồi nói: “Chị, chị đừng khóc, em không sao đâu, chị đừng khóc nhé!”.
Tôi dằn vặt không nguôi, giận mình không dám nhận lỗi. Nhiều năm sau, hình ảnh em trai vì tôi mà “ăn” một trận đòn đau vẫn hằn trong tâm trí.
Tôi và em trai đều là những học sinh xuất sắc. Cùng năm đó, tôi thi đỗ đại học, em trai cũng đỗ vào trường THPT trọng điểm của tỉnh. Tuy đây là tin vô cùng tốt lành với gia đình tôi, nhưng nghĩ đến khoản tiền học phí, lòng tôi chợt thấy lo lắng không nguôi. Em trai tôi quyết định sẽ không đi học nữa. Biết chuyện, bố tôi rất bực và trách chị em tôi không có ý chí. Bố nói, dù ông có phải đi bán đồng nát cũng cố gắng nuôi chúng tôi ăn học được. Sau đó, bố tôi đi chạy vạy tiền để lo cho chị em tôi.
Tôi áy náy vô cùng, nói với em: “Em phải tiếp tục học, con trai mà không học hành sẽ không ra khỏi cái làng này được!”. Đó cũng là lúc tôi đã quyết định từ bỏ cơ hội đi học.
Ai ngờ mới tờ mờ sáng hôm sau, em trai tôi đã lén lấy mấy bộ quần áo và mấy cái bánh bao rồi bỏ đi. Để lại cho tôi một mẩu giấy, trên đó viết rằng: “Chị, chị đừng lo, đỗ đại học không phải là chuyện dễ, em sẽ đi làm để nuôi chị đi học”.
Tôi cầm tờ giấy mà lòng xót xa vô cùng, tôi úp mặt mặt vào giường khóc nức nở, thương em biết bao nhiêu.
Năm em trai tôi 24 tuổi, trong lễ cưới, người dẫn chương trình có hỏi em rằng người em kính trọng nhất là ai? Em tôi đã không chút do dự mà trả lời rằng: “Chị gái!”. Em bắt đầu kể lại câu chuyện về tôi mà đến tôi cũng không còn nhớ rõ: “Ngày đó tôi còn là một học sinh tiểu học, trường học ở làng bên cạnh, tôi và chị gái phải đi bộ hàng giờ mới về tới nhà. Một hôm, găng tay của tôi bị rơi mất một chiếc, chị gái nhường luôn một chiếc găng tay của chị cho tôi, chị chỉ đeo một chiếc còn lại và đi cả chặng đường xa giá rét như vậy. Về tới nhà, tay chị lạnh cóng tới mức không thể cầm được đũa. Từ đó trở đi, tôi luôn dặn lòng mình cả đời này tôi sẽ đối xử tốt với chị”.
Những tràng pháo tay vang lên, quan khách hướng ánh mắt dồn vào tôi. Còn tôi, cả đời này người tôi phải cảm ơn nhất chính là em trai mình. Trong giờ phút trọng đại của cuộc đời mình, tôi bỗng không kìm được những dòng nước mắt xúc động và biết ơn khi đã được làm chị gái của một người em như thế.
TƯỜNG VY (dịch từ truyện ngắn của Đan Đan, Trung Quốc)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.