Những con đường nhỏ hẹp ôm eo sườn núi, đoạn bê tông, chỗ đường đất đang dần hoàn thiện. Một mai con đường đó sẽ trở thành con đường vui nối những vùng sơn cước xích lại gần nhau. Tôi đang đi trên một con đường mới, lòng lại thấy bồi hồi những con đường tôi đã qua, chập chờn trong trí nhớ...
Đó là buổi sáng đầu tiên đến trường, mẹ dẫn tôi đi trên con đường làng qua cánh đồng ngạt ngào hương lúa. Những bông cỏ may líu ríu chân người. Thỉnh thoảng, có bóng cò trắng từ bờ ruộng giật mình bay lên chấp chới phía trời xa. Trên cánh đồng làng, các bà, các chị mặc áo tơi, đội nón đang còng lưng lam lũ… Theo năm tháng, tôi lớn lên từng ngày. Còn con đường quê vẫn vậy, tuy có được nới rộng ra chút ít nhưng cũng chỉ đủ cho hai chiếc xe bò tránh nhau. Người dân quê tôi vẫn giản dị, đơn sơ theo lề lối cũ… Mỗi kỳ nghỉ phép, tôi lại về thăm con đường tuổi thơ. Ngôi trường mái lá năm xưa được thay bằng mái ngói đỏ tươi. Hàng rào râm bụt và xương rồng trồng bao bọc xung quanh đã bị chặt phá từ hồi nào chẳng rõ. Những gốc xà cừ già nua, ríu rít tiếng chim ngày ấy cũng bị đào tận gốc rễ để người ta lấy gỗ. Thay vào đó, hàng phi lao chưa đủ lá để hát lời vi vu của gió. Ngôi trường khang trang trơ trọi với tường xây nham nhở. Văng vẳng tiếng trẻ ê a đánh vần, tiếng trống tùng tùng báo hiệu giờ xuống lớp, tiếng ve râm ran gọi hè về… Những âm thanh ấy gõ vào tâm thức tôi ký ức về những miền xa xăm…
Đó là con đường mà cha tôi đã đi không biết bao nhiêu lần trong những năm tháng làm cán bộ lâm nghiệp. Cha tôi đã già, con đường cha tôi đi giờ là những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo hỏi chào những gương mặt thân quen. Thỉnh thoảng, ai đó hỏi về công việc cũ, mắt cha tôi lại xa xăm, hình như trong ông đang nhớ lại những tháng ngày đi đường rừng, xuyên qua những đám cây tầm thấp để mở đường. Mỗi khi nghỉ hè, tôi hay đến thăm nơi cha làm, lẽo đẽo theo sau bóng lưng to lớn của cha, ngước lên cao thấy mình thật bé nhỏ giữa đại ngàn.
Tôi lớn lên. Nhớ như in ngày đầu nhập ngũ, mẹ tiễn tôi đi trên con đường làng, qua cánh đồng xanh dậy mùi lúa mới. Lắc lư trên chuyến xe khởi hành từ Hà Tĩnh vào Đà Nẵng, nhìn thấy hai bên đường bạt ngàn những cồn cát trắng mênh mông, tôi cảm nhận một điều: Người dân dọc dải miền Trung đầy nắng gió đều sinh ra trên cát, lớn lên trên cát. Họ là những con người gian khổ và hạnh phúc. Gian khổ bởi chính cuộc mưu sinh, song cũng hạnh phúc bởi thành quả lao động của chính họ.
Buổi đầu tiên ra với Trường Sa, bàn chân tôi rộp phồng vì cát cháy dọc đường tuần tra. Nắng, gió và cát bỏng nơi tiền tiêu của Tổ quốc đã rèn luyện cho người lính đảo càng chắc tay súng, vững niềm tin. Bao chiến sĩ tóc đen, da nâu, ngực trần, đầu đội nắng, vần vũ trên cát để gieo mầm cho loài cây phong ba vươn cành, tỏa bóng là minh chứng nói lên sức sống mãnh liệt của con người nơi đây. Những ngày trời yên, biển lặng, cánh lính trẻ chúng tôi chạy dọc theo triền cát trắng, ngắt mấy chùm hoa muống biển ép vào trang thư gửi về đất liền làm sứ giả của tình yêu nói hộ lòng mình. Mỗi khi có đồng đội hoàn thành nghĩa vụ về với quê hương, chúng tôi quây quần bên nhau không nói nên lời. Những lúc ấy, tôi lại nôn nao nhớ con đường quê dậy mùi rơm rạ, mùi khói sương vương vấn chiều đông… Ôi con đường quê ngập tràn kỷ niệm, mang yêu thương dệt vào bức tranh ký ức, nhuộm thắm mỗi cuộc đời, mỗi con người…
Tôi đã đi dọc dải đất miền Trung-chiếc đòn gánh “gánh” hai đầu đất nước với một thời đạn bom, bao mùa nắng lửa, bão giông, nhưng người dân miền Trung vẫn son sắt và mộc mạc. Họ luôn biết vượt lên, vươn lên như cây lúa ngoi lên giữa dòng nước bạc...
Tản văn của PHAN TIẾN DŨNG