Với một hình tượng lớn, quen thuộc, đã được nhiều tác giả đi trước khám phá, thể hiện, Trần Văn Lợi tiếp cận theo lối riêng, đi sâu vào những chi tiết đời thường, tự nhiên để tự thân đối tượng thẩm mỹ bật toát ra ý nghĩa. Về chủ đề ngày thống nhất, Bác vào thăm miền Nam, không giống với các sáng tác trước đó, anh có một giả tưởng khác: “Ngày thống nhất, Bác đã vào thăm/ Nhưng không phải đi bằng máy bay, xe con, tàu hỏa/ Người đến với miền Nam bằng lòng thiết tha mong nhớ/ Bằng niềm kính yêu Người trong tim mỗi chúng ta...” ("Ngày thống nhất, Bác đã vào thăm"). Bác vào thăm miền Nam không phải là con đường vật lý mà bằng “cây cầu” tâm lý, hai “mố cầu” là “lòng thiết tha mong nhớ” của Bác và “niềm kính yêu Người” của tất cả chúng ta. Nhờ giả tưởng đó, các hình ảnh hiện lên chân thực, cảm động: “Người thăm bao khu phố, Người đến mọi xóm làng/ Khuôn mặt tươi nụ cười mà rưng rưng nước mắt/ Cả miền Nam mừng vui chào đón Bác/ Như lòng Bác đêm ngày luôn thương nhớ miền Nam...” ("Ngày thống nhất, Bác đã vào thăm"). Đó là hình ảnh một người đi xa lâu ngày, “vui sao nước mắt lại trào”, nay về thăm quê, muốn đi mọi nơi ("bao khu phố", "mọi xóm làng") cho thỏa lòng.
 |
Nhà thơ Trần Văn Lợi. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Chủ đề ảnh Bác đã có trong nhiều thi phẩm hay, nhờ lối giả tưởng, anh có những cảm xúc mới, phát hiện riêng: “Cháu ngước lên lồng lộng một bóng người/ Bao lần tưởng Bác về trong niềm mong nhớ/ Người bắt tay các cụ già, Người bế bồng em nhỏ/ Rất cao cả thiêng liêng mà thân thiết, thật gần...” ("Ảnh Bác trong mọi nhà"). Thế mạnh thơ anh là kiến tạo các trường liên tưởng, từ điểm tựa trữ tình ảnh Bác mà tưởng tượng ra Bác có mặt ngoài đời “bắt tay các cụ già”, “bế bồng em nhỏ”... Với một hình tượng mang tính phổ quát rộng rãi, ai cũng biết, ai cũng kính trọng, yêu thương, đó là những liên tưởng hợp lý, tình cảm. Thể hiện nhuần nhị qua thể lục bát, "Nhà Bác" là một bài thơ hay: “Đơn sơ một nếp nhà sàn/ Chiếc giường một với một màn, một chăn/ Một ao cá lượn thung thăng/ Một khung trời rộng gió trăng tìm vào/ Một vườn ong bướm lao xao/ Hoa râm bụt kết hàng rào đỏ tươi.../ Ngôi nhà của một CON NGƯỜI/ Là kho báu của muôn đời cháu con...”.
6 câu đầu tả khéo, ngắn gọn, sinh động, cảnh vật tươi tắn, có hồn. 2 câu cuối nâng bài thơ lên tầm nhận thức mới: Nhà Bác đơn sơ nhưng là “kho báu của muôn đời cháu con”. Không phải “kho báu” trong cổ tích xa xưa mà là “kho báu” của hiện tại và tương lai. Ý thơ như nhắc về sự vĩnh hằng của chân lý, đạo lý, của những gì quý giá nhất. Nhờ trường liên tưởng mạnh cùng quan niệm sự vật trong thế phát triển, nhà thơ nhìn vườn Bác không chỉ là cái vườn bình thường, tĩnh tại mà là nơi ươm mầm cho mùa xuân, ươm mầm cho sự sống: “Bao loài cây từ mọi miền Tổ quốc/ Cùng về đây nhận hơi ấm tay Người/ Nhận tình yêu Bác ân cần chăm sóc/ Để mùa xuân trải rộng đến muôn nơi” ("Mùa xuân vườn Bác"). Một sự ca ngợi kín đáo, tinh tế “hơi ấm tay Người” là nơi cội nguồn của mùa xuân. Bác vĩ đại, lớn lao, mang tầm vũ trụ nhưng cũng bình dị, mộc mạc như người nông dân làm vườn vậy.
Là thầy giáo dạy văn bậc phổ thông, anh có chùm thơ khắc họa hình tượng từ góc nhìn nghề nghiệp. Bài "Thầy giáo Nguyễn Tất Thành" lý giải Bác phải dừng lại nghề dạy học là do hoàn cảnh nước mất, nhà tan: “Khi dân tộc lầm than, vận nước đang nguy khó/ Người gấp trang giáo án, tìm đường cứu nước nhà...”. Trong "Đêm Nguyên tiêu, con đọc thơ Người", tác giả đọc thơ Bác từ nhiều góc độ: Một người làm thơ, một người nghiên cứu, một công dân... Cuối bài là một nhận thức khái quát, chân dung Bác không chỉ tỏa sáng trong thơ, còn tỏa sáng vào lòng người: “Con gặp chân dung một CON NGƯỜI/ Nơi hội tụ sáng ngời “nhân, trí, dũng”/ Và đón nhận hào quang từ tâm hồn lồng lộng/ Đêm Nguyên tiêu, con đọc thơ Người”. Đã có hơn 20 bài viết về Bác in rải rác trong các tập, được nâng cấp, chọn lọc, bổ sung, tin tưởng trong tương lai, anh sẽ có một tập thơ ý nghĩa với giọng điệu riêng, lối thể hiện riêng, khó lẫn.
NGUYÊN THANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.