Giá trị văn chương và những tác phẩm "vang bóng"
Văn học khắc họa, mô tả trí tưởng tượng, làm sáng rõ những suy ngẫm, tư tưởng phức tạp, trừu tượng nhất trong não bộ con người. Đây là những ưu thế vượt trội của văn học so với một số loại hình nghệ thuật khác. Với hàng loạt chức năng cơ bản, như: Nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí... văn học giúp con người hình thành, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm lành mạnh, tốt đẹp; tiếp thu tri thức, tư tưởng nhân văn, tiến bộ của nhân loại. Văn học còn có tác dụng hiệu triệu, đoàn kết con người, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài thơ Thần (tương truyền của Lý Thường Kiệt), "Hịch tướng sĩ" của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có sức mạnh tựa một đạo quân tinh nhuệ, khơi dậy, kích thích hùng tâm, tráng chí cho quân sĩ hai nhà Lý, Trần đánh tan những đạo quân xâm lược hùng mạnh. Có thể nói, văn học có tác động, ảnh hưởng vô cùng to lớn đến đời sống xã hội và mỗi cá nhân con người. Không phải ngẫu nhiên mà Alfred Nobel, người sáng lập giải thưởng Nobel danh giá nhất thế giới, trong bản di chúc nổi tiếng của mình đã đề nghị trao giải cho loại hình nghệ thuật duy nhất là văn học.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu văn chương, có năng khiếu về văn chương. Chúng ta có một nền văn học dân gian dày dặn, phong phú với kho tàng tục ngữ, ca dao, thần thoại, truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích... vô giá phản ánh tư duy, quan niệm sống của cha ông. Bước vào 10 thế kỷ văn học trung đại, dân tộc ta cũng đã xây dựng một nền văn học vững chắc với những nhà văn lớn, cùng những tác phẩm lớn sống mãi với thời gian như: "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn, "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồ Xuân Hương... Bước sang những thập niên đầu của thế kỷ 20, sau những nỗ lực cách tân, hội nhập với văn học thế giới liên tục, bền bỉ, nền văn học Việt Nam cũng đã xuất hiện văn xuôi của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân...; thơ của Tản Đà, Trần Tuấn Khải, các nhà thơ trong phong trào Thơ mới... Sau Cách mạng Tháng Tám, nền văn học cách mạng Việt Nam trong 30 năm (1945-1975) đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần đắc lực vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước với thơ Tố Hữu, Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Thu Bồn...; tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Nguyễn Thi... Khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, nền văn học Việt Nam cũng xuất hiện những tên tuổi và những tác phẩm sáng giá của Bảo Ninh, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Xuân Khánh...
 |
Trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020.Ảnh: TUẤN LINH |
Có thể nói, tính từ khi nền văn học cách mạng ra đời từ năm 1945 đến nay, mặc dù ở mỗi giai đoạn, thời kỳ văn học đều xuất hiện những tác giả-tác phẩm có chất lượng nhưng nhìn chung nền văn học Việt Nam chưa xuất hiện kiệt tác đỉnh cao ở tầm thế giới. Đặc biệt, trong giai đoạn đương đại hiện nay nền văn học Việt Nam thiếu những tác phẩm-chủ yếu là tiểu thuyết-có khả năng phản ánh toàn diện, sâu sắc chiến thắng vĩ đại của dân tộc, tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, con người. Giới nhà văn Việt bao năm nay vẫn trăn trở, đau đáu về một "Chiến tranh và hòa bình" phiên bản Việt.
Nhiều năm loay hoay với tác phẩm đỉnh cao
Theo tôi, sở dĩ nền văn học của chúng ta vẫn chưa hiện thực hóa “giấc mộng Tu-lông” về tiểu thuyết là bởi những nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, yếu tố con người tác động đến phương diện sáng tác văn học. Trong các thể loại văn học tiếp thu từ văn học nước ngoài, tiểu thuyết là thể loại có ít thành tựu nhất ở nước ta. Suốt 10 thế kỷ văn học trung đại, trong khi các thể từ, phú và đặc biệt là thơ ca phát triển hết sức mạnh mẽ với hàng loạt tên tuổi lớn và những tác phẩm lớn làm rạng rỡ nền văn học nước nhà thì tiểu thuyết lại hết sức khiêm tốn cả về số lượng lẫn chất lượng. PGS, TS Nguyễn Đăng Na trong công trình “Tiểu thuyết chương hồi Việt Nam thời trung đại” cho biết, tiểu thuyết Việt Nam ra đời muộn so với các thể loại khác, chỉ xuất hiện từ thế kỷ 18 và “không nhiều, có thể đếm trên đầu ngón tay”. Trong hai thế kỷ 18 và 19, văn học trung đại Việt Nam chỉ có vài cuốn tiểu thuyết chương hồi như: "Nam triều công nghiệp diễn chí", "Thiên Nam liệt truyện", "Hoàng Lê nhất thống chí", "Hoàng Việt long hưng chí" và "Việt Lam tiểu sử". Bước sang thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, với những nỗ lực vượt bậc, không ngừng nghỉ của các nhà văn, tiểu thuyết đã có sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc về số lượng, đã theo kịp những trào lưu, xu hướng, thủ pháp nghệ thuật của tiểu thuyết thế giới. Tuy nhiên, thời gian hơn một thế kỷ phát triển tiểu thuyết vẫn chưa “thấm tháp vào đâu”. Lời nhận xét “Việt Nam là cường quốc thơ” tuy tính chất hóm hỉnh nhưng vẫn có hạt nhân hợp lý ở thời điểm hiện tại. Nền văn học Việt Nam đương đại vẫn là nền văn học của thi ca.
Thứ hai, trong bầu sinh quyển văn học, người viết là chủ đạo, người đọc là trung tâm. Tuy nhiên, cả hai nhân tố này của nền văn học Việt Nam đương đại đều đang đối mặt với những vấn đề riêng. Về phía người viết, thế hệ nhà văn chống Pháp đã dần khuất núi, thế hệ nhà văn chống Mỹ và tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc dần cạn kiệt tinh anh. Các nhà văn thuộc thế hệ 7X, thế hệ đầu tiên sinh ra, trưởng thành khi đất nước hòa bình, thống nhất cho đến thời điểm này đã bộc lộ hết năng lực, khát vọng của bản thân. Đội ngũ nhà văn trẻ, những nhà văn thuộc thế hệ 8X đời cuối, 9X và 10X chưa thể hiện được nhiều. Về phía người đọc, bình quân một người một năm chỉ đọc có 1 cuốn sách (thuộc các thể loại khác nhau). Do đó, việc người đọc Việt Nam thờ ơ với sách văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng là chuyện “thường ngày ở huyện”. Sự thờ ơ của bạn đọc dẫn đến hàng loạt hệ lụy khôn lường: Bạn đọc không trang bị kiến thức, tri thức để cảm thụ văn học đích thực, dễ nhầm lẫn, đánh đồng các giá trị văn học, không phân biệt được tác phẩm hay-dở; tác phẩm ra đời không được nhận xét, đánh giá một cách khách quan, khiến tác giả không nhận ra ưu, nhược trong đứa con tinh thần của mình để khắc phục ở những sáng tác sau; một số nhà văn nảy sinh tâm lý chán nản, buông xuôi, không tha thiết, không sống chết với nghề, sáng tác cầm chừng. Có thể nói, mối quan hệ tác giả-tác phẩm-bạn đọc của nền văn học Việt chưa bao giờ lỏng lẻo, thiếu gắn kết như bây giờ. Tình trạng người viết cứ viết, sách in cứ in, in xong xếp xó, phủ bụi trong thư viện, tuyệt đại bộ phận bạn đọc (ngoại trừ một số ít bạn bè thân thiết, người làm nghề buộc phải đọc) không quan tâm, đoái hoài đến đã tồn tại cả thập kỷ nay và ngày càng trầm trọng hơn.
Kỳ vọng vào sự nỗ lực, dấn thân sáng tạo của các nhà văn Việt Nam
Trong nhiều thập kỷ qua, Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các nhà văn sáng tác, như: Mở trại sáng tác, hỗ trợ kinh phí xuất bản, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đối với một số nhà văn có khả năng... Nhưng những hỗ trợ kể trên chỉ giải quyết “phần ngọn”, mang tính chất khích lệ, động viên nhà văn bám trụ với nghề. Kinh tế chưa bao giờ là điều kiện tiên quyết để có thể hình thành nên những kiệt tác văn học. Lev Tolstoy là bá tước thuộc tầng lớp quý tộc Nga, sống sung túc. Dostoyevsky ngập trong nợ nần, túng thiếu. Song cả hai ông đều là "đỉnh Thái Sơn" sừng sững trong văn học Nga nói riêng, văn học thế giới nói chung. Việc đi điền dã nhiều, thực tế nhiều tuy đem lại một số lợi ích nhất định nhưng cũng không phải là việc quyết định, “sống còn” đến chất lượng tác phẩm.
Để có những tác phẩm văn chương tầm cỡ xuất hiện trong tương lai, trước hết, chúng ta cần tạo ra những tiền đề thuận lợi, căn cơ, trong đó việc xây dựng một bầu sinh quyển văn học là điều kiện tiên quyết. Chỉ khi nào văn hóa đọc được chấn hưng, phát triển, người dân say mê, hứng thú với đọc sách và đọc tác phẩm văn học; mối quan hệ nhà văn-tác phẩm-bạn đọc khăng khít và những buổi tọa đàm, trao đổi, tranh luận về văn học nghệ thuật diễn ra một cách thường xuyên, sôi nổi, hào hứng, rộng khắp trên cả nước thì khi đó chúng ta mới hy vọng về sự xuất hiện của tác phẩm đỉnh cao. Khi dân trí của người dân được nâng cao, họ sẽ khắt khe hơn trong cảm thụ, yêu cầu cao hơn về chất lượng nghệ thuật. Đó sẽ là tiền đề buộc nhà văn phải nỗ lực, vượt lên chính mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Và như vậy con đường dẫn đến tác phẩm đỉnh cao sẽ ngắn lại thêm một chút.
Mặt khác, chúng ta cũng cần quan tâm bồi dưỡng tri thức cho lớp nhà văn kế cận. Bên cạnh những kiến thức, kỹ năng về nghề nghiệp, thế hệ nhà văn tương lai còn có những kiến thức cơ bản, vững vàng về lịch sử, dân tộc học, tôn giáo, chính trị và triết học... Thực tế đã chứng minh một nhà văn lớn luôn là một nhà văn hóa lớn. Các đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Trãi đều là những nhà văn hóa lớn của dân tộc. Một nhà văn mà phông, vốn văn hóa không dày dặn sẽ nhanh chóng tiêu hết “vốn liếng”, nếu có gắng gượng viết tiếp rất dễ dẫn đến tình trạng “gà què ăn quẩn cối xay”. Ngoài nỗ lực tự học, việc được thụ hưởng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, liêm chính cũng sẽ là bệ phóng vững chãi cho các nhà văn trên con đường chinh phục ước mơ lớn. Thực tế cũng phản ánh đa số các nhà lớn trên thế giới đều được học tập, phát triển sự nghiệp ở những quốc gia có nền giáo dục phát triển.
Nâng cao dân trí, cải cách, chấn hưng giáo dục là những việc đặc biệt hệ trọng đối với quốc gia, dân tộc, với mỗi người dân, trong đó có nhà văn. Để thỏa nguyện giấc mơ vô địch bóng đá nam ở SEA Games, chúng ta đã phải đầu tư rất nhiều và chờ đợi đến vài thập kỷ. Để có một tác phẩm văn chương đáp ứng được kỳ vọng của cả dân tộc, chắc chắn sẽ cần thời gian, công sức lâu hơn và nhiều hơn thế. Nhưng, mọi sự chậm trễ, thờ ơ với việc tạo bước đột phá mới, bước ngoặt mới cho nền văn chương nước nhà, trước hết thuộc về trách nhiệm của những người cầm bút. Nói thế để thấy vai trò, sự tâm huyết, dấn thân, nỗ lực cống hiến của các nhà văn Việt Nam lớn đến nhường nào trước mong mỏi, kỳ vọng chính đáng của gần 100 triệu người Việt về những kiệt tác văn chương Việt có sức lan tỏa trên thế giới.
Tiến sĩ văn học ĐOÀN MINH TÂM