Đọc bài thơ “Tuổi ấu thơ của một chiến binh” của nhà thơ Châu La Việt tham dự Trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang-Chiến tranh cách mạng” năm 2022 tại Cần Thơ, nhạc sĩ Ngọc Khuê đã rất xúc động. Sự xúc động còn được nhân lên nhiều lần khi ông biết rằng người chiến binh ấy chính là Đại tá Lê Thạch Hãn, năm nay đã 93 tuổi và là con trưởng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Cái tên Lê Thạch Hãn được người cha lấy tên dòng sông ở Quảng Trị quê mình để đặt tên cho con với tình yêu thương dào dạt, sâu sắc.
Trong suốt 28 năm từ khi sinh ra cho đến khi theo học ở Học viện Không quân Giucốp (Liên Xô), chàng thanh niên Lê Thạch Hãn được gặp cha vỏn vẹn 3 lần, lần nào cũng ngắn ngủi nhưng đầy ắp kỷ niệm, chan chứa tình cảm. Bài thơ của nhà thơ Châu La Việt là câu chuyện kể xúc động về tuổi thơ của Đại tá Lê Thạch Hãn, ở đó có sự cách xa và niềm thương nhớ vô hạn với người cha, có tinh thần cách mạng đầy nhiệt huyết.
 |
Đại tá Lê Thạch Hãn cùng con gái Lê Ngọc Hiếu (năm 2012) tại Quảng Trị. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Chia sẻ cảm xúc khi sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ Ngọc Khuê cho biết: “Vì là bài thơ dài nên tôi đã rút gọn sao cho vừa đủ ý của nhà thơ vừa toát lên được cả tâm tình của người con đối với cha, vừa nêu bật được chí khí cách mạng đã được người cha truyền cho con cháu. Bài hát được viết theo thể hai đoạn có tái hiện và phát triển. Đoạn đầu mang âm hưởng của một điệu hò dân gian Quảng Trị, diễn tả sông nước quê hương và lời ru của mẹ khi nhân vật ở tuổi ấu thơ. Đoạn hai là nỗi mong chờ, giằng xé trong tình cảm của người con, khi chưa biết hết những hoạt động cách mạng của cha mình. Bắt đầu từ khi gặp con, cha đã dạy con bài ca cách mạng thì giai điệu bừng lên, sử dụng những quãng nhảy bất ngờ tạo nên sự đột phá”.
Nghe và cảm nhận ca khúc này, bà Lê Ngọc Hiếu, con gái út của Đại tá Lê Thạch Hãn, xúc động cho biết: “Lời thơ hết sức chân thật, gần gũi của nhà thơ Châu La Việt được cất lên trong giai điệu khi da diết, lúc hùng tráng của nhạc sĩ Ngọc Khuê, cùng phần thể hiện của Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hưng khiến nhiều người rưng rưng nước mắt. Những đứa trẻ thời đó như cha tôi được nuôi dưỡng không gì khác bằng tình thương của người thân, của xóm làng và tình yêu vô hạn với gia đình, quê hương, đất nước, bằng sự tự hào không kể xiết về người cha chưa từng gặp mặt. Có biết bao đứa trẻ như cha tôi trong thời kỳ ấy, tuy nhiên có lẽ chỉ có một đứa trẻ mang tên dòng sông quê nhà Thạch Hãn. Đứa trẻ 7 tuổi lần đầu gặp cha, 16 tuổi “trốn nhà” tham gia cách mạng, luôn mang trong mình tiếng nói quê hương (cha tôi luôn giữ giọng Quảng Trị đến tận bây giờ), sự giản dị trong mọi sinh hoạt và một ý chí, lòng quyết tâm. Tôi tin rằng bài hát sẽ là chiếc “cầu nối” cho người nghe trở về một thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc”.
NGÔ KHIÊM