QĐND - Sử thi Tây Nguyên được đánh giá là đồ sộ vào loại bậc nhất của thế giới, nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ mai một trong chính đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Trước thực trạng này, mới đây Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đắc Lắc đã lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đưa "Nghệ thuật truyền khẩu sử thi Tây Nguyên" vào danh mục "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" để có biện pháp bảo tồn.
Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” được triển khai từ năm 2001 đến 2008, với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng. Từ việc thực hiện dự án này, Viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam phối hợp với các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa và Bình Phước sưu tầm được 801 tác phẩm sử thi với 5.679 băng ghi âm loại 90 phút, quay 15 bộ phim tư liệu về diễn xướng sử thi, chụp 6000 bức ảnh về hát kể sử thi. Đến thời điểm hiện nay, đã phiên âm 123 tác phẩm, dịch nghĩa 115 tác phẩm và xuất bản được 75 bộ sử thi in song ngữ Việt và tiếng dân tộc; 21 bộ sử thi khác đang trong giai đoạn chuẩn bị xuất bản. Đặc biệt, đã có ít nhất 3 bộ sử thi liên hoàn, hay còn gọi là sử thi chuỗi, sử thi phổ hệ, rất đồ sộ được sưu tầm. Có thể kể đến các sử thi: ốt Drông của người M’nông, Dông của người Ba Na và Dăm Diông của người Xê Đăng. Mỗi bộ sử thi liên hoàn này gồm trên dưới 100 tác phẩm có sự liên kết khá hoàn chỉnh và được các chuyên gia đánh giá là những sử thi có độ dài nhất của thế giới, sánh ngang với những sử thi đồ sộ của nước ngoài như Ra-ma-y-a-na, Ka-lê-va-la… Một điều thú vị khác, vùng Bắc Tây Nguyên như Kon Tum, vốn trước đây xác định là “vùng trắng” sử thi, thì qua việc thực hiện dự án đã có hai bộ sử thi liên hoàn của người Ba Na và Xê Đăng được phát hiện, sưu tầm.
 |
Nghệ nhân Điểu Klung - pho sử thi sống của Đắc Lắc |
Vậy là sau gần một thế kỷ, kể từ khi L.Sabatier - nhà nghiên cứu người Pháp, công bố sử thi Đam San (Khan Đăm Xăn năm 1927), giới nghiên cứu và công chúng rộng rãi chỉ biết sử thi Tây Nguyên như một hiện tượng văn hóa đột xuất với vài cái tên ít ỏi (sau Đam San có Đam Di, Khinh Dú, Đam Đơ-roan, Y Ban, Y Bơ-rao), thì nay với kết quả Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” đã khẳng định: “Tây Nguyên đã và đang lưu giữ một kho tàng khổng lồ các tác phẩm sử thi".
Tuy nhiên, những cố gắng kể trên mới chỉ dừng lại ở khâu “sưu tầm và văn bản hóa” sử thi thành sách. Nhà nghiên cứu văn hóa Trương Bi, nguyên là thành viên thực hiện Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên” nhận định: Chỉ dăm năm nữa thôi, những bộ sử thi sống (nghệ nhân biết diễn xướng sử thi) sẽ biến mất trong đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nói một cách thẳng thắn là sử thi đang đứng trước nguy cơ “khai tử”.
Diễn xướng mang tính cộng đồng, như hát kể sử thi là "con đường" ngắn nhất để trí tuệ dân gian được phổ biến, lưu giữ trong ký ức văn hóa. Nhưng hiện tại trong số 368 nghệ nhân biết hát kể sử thi Tây Nguyên đã được lập hồ sơ đề nghị phong tặng Danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”, trong đó có một số người đã được trao tặng, thì hiện nay số nghệ nhân còn sống quá ít ỏi-chỉ đếm trên đầu ngón tay. Riêng ở Đắc Lắc và Đắc Nông, đến đầu năm 2013 này, chỉ còn 5 nghệ nhân biết hát kể sử thi ê Đê và hai người biết hát kể sử thi M’nông. Và trong số nghệ nhân này cũng chỉ còn lại vài "cụ" còn đủ minh mẫn, đủ sức lực để hát kể sử thi. Người biết hát kể sử thi đã như “lá vàng trên cây”, còn lớp trẻ hiện nay lại đang chạy theo các loại hình văn hóa, nghệ thuật đương đại và đa phần đã quay lưng lại với văn hóa truyền thống, trong đó có sử thi.
Cũng theo ông Trương Bi, việc phiên âm, biên dịch các tác phẩm sử thi vốn là công việc khó khăn, nay lại càng nan giải hơn bởi những nghệ nhân vừa biết hát kể sử thi, vừa có khả năng phiên âm, biên dịch chuyển ngữ nay hầu như không còn ai. Bên cạnh đó, không gian hát kể sử thi vốn gắn liền với văn hóa nương rẫy, nhà dài, nhà rông, bến nước, nhà mồ, rừng thiêng... đã và đang thu hẹp nhanh chóng.
Với những nguy cơ hiện hữu ấy, các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên nhận định rằng, chỉ dăm năm nữa, muốn tiếp cận sử thi Tây Nguyên chỉ còn cách duy nhất là tìm đến kho của Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam mà thôi, khó có thể tìm được những “pho sử thi sống ngoài đời”. Nhằm truyền thêm sức sống cho sử thi Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, cần tổ chức nhiều hơn nữa các lớp truyền dạy hát kể sử thi và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với các nghệ nhân. Chuyển nội dung các bộ sử thi từ sách qua băng, đĩa phát trên các đài truyền thanh cho bà con nghe thường xuyên. Nên biên tập sử thi thành các cuốn truyện tranh mỏng song ngữ (tiếng Việt và tiếng các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên) cung cấp cho thư viện các trường học có đông học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí nên phát miễn phí cho bà con. Chuyển sử thi thành phim hoạt hình, phim truyện rồi công chiếu trên truyền hình, chiếu phục vụ các buôn làng… Đồng thời, chọn một số buôn còn các nghệ nhân để phục hồi sinh hoạt hát kể sử thi. Ngoài ra, cần đưa sử thi vào các cuộc liên hoan, dân ca, dân vũ...
Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đắc Lắc đã hoàn tất và gửi Bộ VHTT&DL Báo cáo khoa học “Nghệ thuật truyền khẩu sử thi Đắc Lắc đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Trên cơ sở đó kiến nghị Bộ VHTT&DL có kế hoạch cho việc bảo tồn và lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Sử thi Tây Nguyên là di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH – VIỆT DŨNG