Bạn là người dưng, không quen biết nhưng thấy bạn đi cùng với bác, với anh nhà thơ, nhà văn hay nhạc sĩ nào đấy đến đâu đó, mọi người sẽ xem bạn như một vị khách quý. Bạn là người quen, nhưng nếu một ngày nọ có một danh sĩ nào đó kéo bạn đi cùng thì người làng, người phố sẽ nhìn bạn với con mắt khác. Và nếu bạn cùng ngồi một mâm cỗ có vị danh sĩ đang đọc thơ, bình thơ hay cao đàm khoát luận về văn chương, thời cuộc thì đám đông nơi tiệc tùng sang trọng hay quán bia vỉa hè trong khi dỏng tai, há miệng nghe từng lời vàng ngọc cũng thỉnh thoảng liếc nhìn sang bạn thèm thuồng…
Nhưng oái ăm thay, lại có khi có vị diễn giả cao hứng quá đà chê bai thơ văn người khác: “Thứ ấy có mà xếp xó”; “Văn thế thì cho con gì nó ngửi”; hay “Ngồi với tôi thì đừng có nói đến người nọ, tay kia. Đám ấy ai coi là thơ phú, thi ca”… “Văn mình vợ người”, dân ta, dù là người ít chữ, ít đọc cũng đã quen những sự thể như thế rồi. Đám đông xung quanh ngoảnh mặt dần, không hướng vào mâm danh sĩ.
Rồi “quá mù ra mưa”, diễn giả cao quý của bạn chấp tất, rao giảng và phán bảo, chê bai mọi chuyện trên đời. Rồi “mục hạ vô nhân” không coi ai ra gì. Rồi nói ngược mới là người tài, người sang. Rồi những lời mà con người cao quý ấy cho mới là thực, là đời trong khi người khác gọi là tục tĩu, bậy bạ… Đến lúc này thì bạn chỉ còn nước ngoảnh cái mặt đã tím tái vì ngượng, vì xấu hổ đi nếu như chưa “bỏ của chạy lấy người”…
Những cảnh huống tai ách ấy chẳng hẳn là hiếm gặp lắm đâu nếu như ta có người quen, người bạn là những văn sĩ, thi sĩ quá cao ngạo. Tuy nhiên, đã là người quen, đã là bạn của những người ấy, ta cứ phải quen, phải thể tất để rồi lúc nào người ấy “hạ hỏa” bình tâm, ta mới gắng uốn lưỡi bảy lần trước khi lựa lời thẽ thọt thưa gửi. Bạn phải cực kỳ chịu đựng, cực kỳ nhún mình như thế chứ nếu phản ứng thì lập tức ăn chửi, ăn cơn giận dữ đến không biết chừng nào.
Nghệ sĩ, văn sĩ gì gì thì cũng có người, có lúc (hay lắm lúc) phô bày thứ đời thường, thậm chí tầm thường. Bởi ở họ có lắm thứ cung bậc cảm xúc hơn người đời. Quá kìm nén, quá lạnh lùng, họ không còn cảm hứng sáng tạo.
Xin không bàn đến những người “nửa mùa”, “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, chưa là đấng bậc gì đã lên giọng khinh đời. Với những nghệ sĩ đích thực, họ luôn có trái tim nhiệt huyết tràn đầy thiện tâm, nghĩa hiệp. Trái tim ấy có thể có lúc lạc nhịp song lúc nào cũng cần sự đồng điệu, cũng cần được lắng nghe và hướng tới sự đàng hoàng, trung thực. Đã là bạn, là người mến mộ, ta phải biết nén nhịn, thể tất lúc họ quá đà nhưng trước sau phải tìm cách chuyển tới họ lời nói thẳng, đàng hoàng rằng chỗ nào là hay, là dở theo “thiển nghĩ” của chính mình. Đừng sợ những người cao sang chê mình. Và như thế, ta vẫn được nghe, được đọc những lời hay ý đẹp, những chia sẻ từ những tác phẩm của họ.
SA MUỘN