Ban tổ chức đã thu được 50 tham luận đóng góp cho Hội thảo. Các tham luận tập trung vào 3 cụm chủ đề: Thứ nhất, khẳng định thành tựu của văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ ngay trong lòng cuộc chiến. Đó là giai đoạn văn học được viết theo khuynh hướng sử thi, nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Thứ hai, ghi nhận những cách tân, tìm tòi, sáng tạo của mảng văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ từ ngày thống nhất đất nước đến nay; tổng kết những bài học kinh nghiệm và đưa ra những đề xuất, gợi ý cho văn học tiếp tục viết về chiến tranh trong thời gian tới. Thứ ba, đánh giá, khẳng định những tác giả, tác phẩm nổi bật, tiêu biểu của văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ trong cả hai giai đoạn trước và sau năm 1975.

 Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ, nhà văn Phạm Duy Nghĩa, Phó tổng biên tập chí Văn nghệ Quân đội nhấn mạnh: Thành tựu của văn học chống Mỹ là ghi lại được lịch sử dân tộc Việt ở một giai đoạn đặc biệt, khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng và chủ nghĩa nhân văn ở phương diện bảo vệ con người, bảo vệ lẽ phải, công lý và chính nghĩa. Tuy nhiên, ra đời trong hoàn cảnh đạn bom, lấy tuyên truyền, cổ vũ làm mục đích chính nên không tránh khỏi tính sơ lược, công thức, minh họa, một chiều. Khoảng trống ấy dần được lấp đầy, hạn chế ấy dần được khắc phục ở những tác phẩm ra đời sau năm 1975. 

 Tiến sĩ, nhà văn Phạm Duy Nghĩa phát biểu.

Dưới hình thức diễn đàn khoa học có nêu vấn đề, phản biện, đặt câu hỏi…, hội thảo khẳng định chất lượng, thành công tốt đẹp ở nhiều phương diện. Các đại biểu nhấn mạnh, thành tựu của văn học thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1954-1975) là vô cùng lớn lao, toàn diện. Mặc dù có những hạn chế song không thể phủ nhận văn học trong giai đoạn chống Mỹ là một “binh chủng” đặc biệt, đóng góp vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Đồng thời, cũng không thể phủ nhận sự hy sinh, cống hiến của hàng trăm nhà văn, nhà thơ xung phong vào chiến trường vừa cầm súng vừa cầm bút; nhiều người trong số họ đã ngã xuống với tư thế một anh hùng.

 Nhà lý luận phê bình văn học Ngô Thảo phát biểu.

Các đại biểu cũng ghi nhận những cách tân, tìm tòi, sáng tạo của mảng văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ từ ngày thống nhất đất nước đến nay. Nhiều tác phẩm đã đào sâu khía cạnh về thân phận con người trong chiến tranh, sự mất mát hy sinh, bi kịch chiến tranh mang lại… Đại đa số các tác phẩm giữ cái nhìn đúng đắn về bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là cuộc chiến chính nghĩa, đánh đuổi ngoại xâm và bè lũ tay sai.

 Quang cảnh hội thảo.

Một phần quan trọng của hội thảo đó là đánh giá về các tác phẩm của các nhà văn sinh trưởng trong hòa bình viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khó khăn, thử thách của thế hệ đi sau, không trực tiếp trải nghiệm chiến tranh là tất yếu, song các đại biểu tin tưởng bằng tài năng, sự hứng thú với giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, độ lùi thời gian, trình độ tiếp nhận của độc giả là những yếu tố cần và đủ để có tác phẩm đỉnh cao về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tin, ảnh: HOÀNG HOÀNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.