Thấm nhuần tinh hoa
Chu Nhật Quang (sinh năm 1995, nghệ danh Chu Quang) được sinh ra và lớn lên trong gia đình có bề dày truyền thống nghệ thuật; quê gốc ở Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông nội anh là NSND Chu Mạnh Chấn - một họa sĩ và nghệ nhân có những đóng góp to lớn cho nền thủ công mỹ nghệ Việt Nam, bố là NSƯT Chu Lượng - nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối nước Thăng Long.
 |
Họa sĩ Chu Nhật Quang cùng bố là NSƯT Chu Lượng (đội mũ), mẹ là Bà Hồ Thị Cẩm Thạch cùng họa sĩ Thành Chương. Ảnh: HÀ XUÂN
|
Trong 7 năm du học tại Mỹ và Australia, anh được tiếp cận với thế giới hội họa rộng lớn, được tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm từ cổ điển tới đương đại của những danh họa xuất chúng. Chàng họa sĩ trẻ đặc biệt “để mắt" tới các trường phái với những tông màu sống động và nét bút linh hoạt, từ đó chắt lọc tinh hoa trời tây làm hành trang theo đuổi đam mê của mình.
 |
Họa sĩ Chu Nhật Quang. Ảnh: HÀ XUÂN |
Giữa hàng ngàn chất liệu hội họa, chàng trai trẻ đã lựa chọn theo đuổi con đường nghệ thuật sơn mài đầy thử thách. “Tôi luôn trân trọng những giá trị của sơn mài truyền thống, đặc biệt là khi được thừa hưởng ngọn lửa đam mê và tinh thần nghệ thuật của gia đình từ bé, tôi nhận ra rằng sơn mài là một phần không thể thiếu của hội họa và lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy mình cần thử thách bản thân để tìm ra cách diễn đạt mới mẻ hơn đối với chất liệu này”, họa sĩ trẻ tâm sự. Quyết tâm ấy đã mở ra một hành trình theo đuổi nghệ thuật sơn mài mang tên Chu Nhật Quang.
Kỳ công trong từng nét vẽ
Để cho ra đời một tác phẩm tranh sơn mài hoàn chỉnh, đòi hỏi ở người nghệ nhân rất nhiều tâm lực và trí lực. Thời gian hoàn thiện một bức tranh phụ thuộc vào kích thước, độ phức tạp của ý tưởng cũng như kỹ thuật mà họa sĩ muốn sử dụng. Theo đó, quá trình này có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, thậm chí có thể lâu hơn nếu tác phẩm yêu cầu nhiều lớp sơn, vàng bạc và kỹ thuật mài tinh xảo.
 |
Họa sĩ trẻ tỉ mẩn trong từng nét vẽ. Ảnh: HÀ XUÂN |
Khi được hỏi đâu là khâu khó khăn và khiến anh phải trăn trở nhất, anh chia sẻ: “Trong quá trình hoàn thiện tranh có rất nhiều thử thách về mặt kỹ thuật và công đoạn, nhưng nếu để nhắc đến bước khó khăn nhất đối với tôi thì đó là việc ủ tranh. Chất liệu này có đặc trưng là cần độ ẩm để sơn khô. Sau khi mỗi lớp sơn được phủ lên, tranh cần thời gian để khô tự nhiên trong điều kiện độ ẩm cao và nhiệt độ phù hợp. Quá trình ấy có thể kéo dài từ vài ngày cho đến nhiều tháng, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết và tự nhiên, một phần khiến cho nó khá khó để kiểm soát và khiến cho tôi không ít lần gặp khó khăn khi thực hiện”.
Những bước đi đầu tiên
Chu Nhật Quang bắt đầu hành trình hội họa của mình với triển lãm tranh sơn mài “Dấu Thiêng", khai mạc vào ngày 5-10 tại Hoàng thành Thăng Long nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (kết thúc ngày 15-10). Tại triển lãm, loạt 52 bức tranh sơn mài khổ lớn được trưng bày theo 4 chủ đề: Khởi, Cội, Linh, Nôi, tái hiện sống động cảnh sắc quê hương và vẻ đẹp của các địa danh di sản dân tộc.
 |
Một số tác phẩm tại triển lãm. Ảnh: NVCC |
Để có thể bắt đầu với “Dấu Thiêng", họa sĩ họ Chu đã ấp ủ ý tưởng vẽ về di sản văn hóa truyền thống Việt Nam từ 4 năm trước, sau khi hoàn thành bộ tranh tĩnh vật để nghiên cứu chất liệu. Sau đó là cả quá trình trò chuyện, được cố vấn bởi các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực: Sử học, văn học, nghiên cứu những tài liệu quý hiếm về kiến trúc Việt cổ để đi tới sự nhất quán về tư tưởng cũng như chủ đề.
 |
Những bước đầu tiên chuẩn bị cho triển lãm “Dấu Thiêng". Ảnh: HÀ XUÂN |
Tác phẩm đầu tiên mở đầu cho hành trình tìm về với cội nguồn của anh mang tên “Nơi bắt đầu". Bức tranh này là sự khởi đầu của Chu Nhật Quang với ý thức sâu sắc về nghệ thuật múa rối nước. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên đưa loại hình nghệ thuật này vào thế giới tranh của anh, mở ra một hành trình sáng tạo đầy độc đáo trong tâm trí. Tâm điểm của tác phẩm là chùa Thầy - một trong những cái nôi của nghệ thuật Múa rối nước. Quang cảnh nơi đây luôn gợi nhớ chàng họa sĩ trẻ tới những nét đẹp truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc.
 |
“Nơi bắt đầu" là tác phẩm đầu tiên mở ra hành trình về với cội nguồn. Ảnh: HÀ XUÂN |
Trong loạt 52 tác phẩm, “Dấu thiêng" - được lấy tên cùng với sự kiện là tác phẩm mà họa sĩ trẻ đã dành nhiều thời gian và tâm huyết nhất để hoàn thành trong 3 năm.
“Dấu thiêng ẩn chứa những điều thiêng liêng trong từng mảnh di sản, từng nét văn hóa của dân tộc, như những ký ức không thể phai mờ theo dòng chảy của thời gian. Các di tích lịch sử vẫn âm thầm lưu giữ những giá trị sâu sắc, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Dân tộc ta mang trong mình một nền văn hóa trường tồn, không chỉ là niềm tự hào mà còn là biểu tượng của sức mạnh và bản sắc. Tôi thấy rằng trách nhiệm của mọi thế hệ là tìm kiếm, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy, để chúng mãi mãi là nguồn cảm hứng và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước”, Chu Nhật Quang chia sẻ.
 |
Bức tranh “Dấu thiêng" tâm đắc của họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang. Ảnh: HÀ XUÂN |
Họa sĩ trẻ triển vọng
Tiếp nối “Dấu thiêng", Chu Nhật Quang đang tiếp tục hoàn thiện các tác phẩm sơn mài khổ lớn với về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chiến thắng 30-4-1975, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước cũng như hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh tại Thủ đô Hà Nội.
 |
Chu Nhật Quang cùng họa sĩ Đặng Ái Việt. Ảnh: HÀ XUÂN |
Dù nhận được nhiều đề nghị mang tranh ra nước ngoài, bản thân họa sĩ trẻ cũng hy vọng các giá trị bản sắc của dân tộc được lan tỏa tới bạn bè quốc tế, nhưng hiện giờ anh vẫn muốn quảng bá các tác phẩm của mình trong nước để mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ có thể tiếp cận nhằm gìn giữ truyền thống, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc và truyền cảm hứng sáng tạo tới họ.
Xác định rằng đây là một hành trình đầy lao lực để kết nối truyền thống với hiện đại, quá khứ với tương lai. “Hãy luôn trau dồi và phát huy những giá trị và lịch sử đất nước, vì lịch sử và văn hóa chính là cốt lõi cho sự phát triển của con người. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “Văn hóa là hồn cốt dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn””, Chu Nhật Quang nhắn nhủ bản thân cũng như những người trẻ đam mê hội họa.
Triển lãm “Dấu Thiêng” đón khách tham quan tới hết ngày 15-10-2024 tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Bài, ảnh: THANH THẢO
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.