Với những người trong giới văn chương, chẳng có gì ngạc nhiên bởi con số này "xêm xêm" những mùa xét kết nạp hội viên trước, chẳng qua năm nay công khai con số mà thôi. Vì sao số người xin gia nhập HNVVN luôn đông đảo? Phải chăng khi trở thành hội viên sẽ hưởng nhiều ưu đãi nào đó?
Nếu nhà văn làm đơn đề nghị, gửi kèm đề cương tác phẩm sẽ được hỗ trợ trên dưới 10 triệu đồng. Từ đề cương đến khi bản thảo tác phẩm hoàn thành mất vài năm nên cũng chẳng thấm vào đâu. Còn chuyện hỗ trợ xuất bản, được đưa vào danh mục sách nhà nước đặt hàng thì phải là “cây đa cây đề” mới có suất. Nhuận bút được hưởng cũng chỉ dăm ba triệu đồng.
 |
Lễ tổng kết trao Giải thưởng Văn học và kết nạp hội viên 2019. Ảnh: Báo Người Lao động
|
Lợi ích vật chất không đáng kể, rõ ràng chỉ còn lợi ích về chính danh. Dân tộc ta vốn trọng văn hóa, văn học, trọng người có khả năng sáng tác văn chương; nếu có chút năng khiếu chữ nghĩa, ai nấy đều thi nhau múa bút “phun châu nhả ngọc”. Khổ nỗi, giá trị văn chương đôi khi khó có thể định lượng như các ngành khác, xem ai tài giỏi hơn ai. Vậy là nảy sinh một tâm lý ở khá nhiều người là phải được tổ chức chính thống công nhận, trở thành hội viên ắt hẳn sẽ danh giá hơn, sẽ “trên tầm” người khác.
Từ đây, mới xảy ra vô vàn chuyện bi hài. Ví như có một nhà văn làm biên tập viên ở tờ tạp chí văn học miệt mài sáng tác cho ra đời nhiều tác phẩm được đánh giá cao. Với anh thế là hạnh phúc lắm rồi, nhiều người giục anh làm đơn vào HNVVN, anh vẫn bình chân như vại. Bỗng một ngày có nhà văn là hội viên HNVVN gọi điện thoại mắng anh té tát vì “can tội” dám cắt bỏ mấy đoạn trong truyện ngắn của ông. Anh nhà văn, biên tập viên ôn tồn giải thích...
Ông nhà văn nọ đuối lý nhưng không chịu thua bèn lớn giọng: “Thế cậu đã là hội viên HNVVN chưa? Chưa phải hội viên, chưa phải nhà văn sao dám biên tập tác phẩm của tôi?”. Anh nhà văn chết đứng như Từ Hải! Vì lẽ đó nên anh làm đơn kết nạp để còn “đối thoại” với cộng tác viên.
Qua câu chuyện kể trên, có thể thấy “uy lực” danh tiếng khi trở thành hội viên HNVVN rất lớn. Vấn đề sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu hội viên nào cũng tài năng như hội thơ Tao đàn với 28 vị do vua Lê Thánh Tông đứng đầu thời xa xưa hay Viện Hàn lâm Pháp với 40 chiếc ghế thời nay. Nhìn thẳng vào sự thật, trong hơn 1.000 hội viên HNVVN, khá nhiều người có năng lực sáng tác ở mức nghiệp dư, chẳng để lại dấu ấn nào trên văn đàn. Đó là hậu quả của một thời gian, HNVVN kết nạp hội viên do có phần nể nang, dễ dãi.
Dư luận không biết nhiều chuyện hậu trường HNVVN và nói thẳng ra cũng chẳng mấy người đọc hết tác phẩm của các hội viên để nhận xét, so sánh, họ vẫn quan niệm ai trở thành hội viên mới là nhà văn đích thực, mới đáng trân trọng. Điều này vô hình trung tạo ra khát khao cháy bỏng của một số người háo danh, cố sáng tác, cố xuất bản dù tài năng có hạn, chỉ để được kết nạp, để người đời gọi là nhà văn.
Điều đáng buồn là một số trí thức có địa vị xã hội, là chuyên gia đầu ngành, tên tuổi tầm cỡ cũng cố vào HNVVN cho bằng được. Họ không biết rằng khi họ xuất bản những tác phẩm tầm phào, cốt chỉ “đánh trống ghi tên”, để thêm danh xưng vào cardvisit cho oai, oách!
Vốn dĩ “chiếc áo không làm nên thầy tu”, những ai biết chút văn chương, chữ nghĩa không thể không biết chân lý đó. Cớ sao lại suy tâm vọng tưởng về bản thân, hám danh đến mức... không bình thường như vậy? Đến với văn chương bằng mục đích thiếu trong sáng, rất khó có thể viết được tác phẩm hay!
Đã không có tác phẩm giá trị thì hậu thế sẽ quên lãng? Bởi suy cho cùng, văn chương có nhiều điều ảo diệu, nhưng có một sự thật chắc chắn là “Nhà văn tồn tại bằng tác phẩm” chứ không ai nói nhà văn tồn tại sau khi được kết nạp vào hội văn chương.
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG