Điều ấy thật dễ hiểu vì Hồ Chí Minh là sự kế thừa, kết tinh, sáng tạo và nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam và thế giới. Ở phương diện mỹ học, đã có nhiều cuốn sách tìm hiểu tư tưởng văn hóa nghệ thuật, quan niệm và biểu hiện về cái đẹp trong thơ văn của Người, nhưng nhìn từ góc độ chủ thể, năng lực của chủ thể thẩm mỹ cùng các đặc trưng, và nhất là mối quan hệ thẩm mỹ giữa chủ thể với các đối tượng thẩm mỹ… thì hầu như chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống. Cuốn sách mới “Hồ Chí Minh-Một tâm hồn nghệ sĩ” của PGS, TS Nguyễn Thanh Tú (NXB Hội Nhà văn, 2015) là một sự cố gắng bổ sung, làm rõ điều này.

Hồ Chí Minh vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là đối tượng của cái đẹp, một phạm trù mỹ học cơ bản. Điều ấy nhiều người biết qua các tài liệu nhưng còn tản mạn, chính vì vậy, với sự công phu, tâm huyết, nhất là có cái nhìn chỉnh thể về đối tượng, tác giả Nguyễn Thanh Tú đã tạo ở cuốn sách của mình một sự hấp dẫn, lôi cuốn riêng. Thành công của công trình là dựng lại một chân dung nghệ sĩ rất đẹp về danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh mang tầm nhân loại ở cả hai phương diện đời thường và trong tác phẩm.

Bìa cuốn sách.    

Quan hệ thẩm mỹ, một phạm trù nền tảng của mỹ học có ba khái niệm cơ sở là đối tượng thẩm mỹ, chủ thể thẩm mỹ và thế giới nghệ thuật. Ở Hồ Chí Minh, các yếu tố này hòa quyện, thống nhất tạo nên một hình tượng tuyệt vời tiêu biểu cho tâm hồn, tính cách Việt Nam. Chương I cuốn sách có tên “Hồ Chí Minh - Mối quan hệ thống nhất giữa cuộc sống và nghệ thuật” đã làm rõ các mối quan hệ thẩm mỹ ấy. Tác giả có phát hiện tinh tế và khái quát riêng là trong cuộc sống và hoạt động cách mạng đầy huyền thoại của Bác Hồ đã hình thành những nguyên tắc độc đáo, đặc sắc: Cuộc sống hóa nghệ thuật và nghệ thuật hóa cuộc sống. Hai nguyên tắc này luôn song hành, tương ứng trong mối quan hệ thống nhất đến mức lý tưởng, đã góp phần tạo nên một tâm hồn nghệ sĩ Hồ Chí Minh vừa khác lạ vừa thân quen; vừa bình thường vừa phi thường; vừa phương Đông lại rất phương Tây; truyền thống, cổ điển mà hiện đại, mới mẻ. Chương II là sự khái quát “tư chất nghệ sĩ” với các yếu tố cấu thành. Chương III dựng lại chân dung Hồ Chí Minh “Một nghệ sĩ ngôn từ”. Chương IV xác lập mối quan hệ biện chứng giữa chủ thể nghệ sĩ với các loại hình nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, tạo hình.

Cuốn sách đã cố gắng phác thảo trên nét lớn một mẫu số chung về chủ thể người nghệ sĩ ở nhiều phương diện: Quan niệm về nghệ thuật và cuộc sống; các yêu cầu của một tư chất nghệ sĩ; những thành tố cần có ở một nghệ sĩ ngôn từ, biểu diễn, tạo hình… Cuốn sách cho thấy Hồ Chí Minh là hiện thân tiêu biểu cho cấu trúc nhân cách nghệ sĩ, là mẫu người nghệ sĩ vừa độc đáo, đặc biệt vừa phổ quát lại gần gũi. Cuộc sống, phong cách và tác phẩm của Người là tấm gương hoàn chỉnh, trọn vẹn để mỗi bạn đọc soi mình vào đó học tập, phấn đấu, tu dưỡng và cống hiến.

Bẩm sinh mỗi chúng ta cũng là một nghệ sĩ, do vậy mà học theo Bác, làm theo Bác thì cuộc sống sẽ thi vị, sang trọng hơn nhiều. Để cuộc sống này ngày càng ý nghĩa hơn.

ĐINH THỊ HƯƠNG