Nay, những thiếu niên, thanh niên như thế được gọi bằng từ nôm na dân dã là “gà công nghiệp”, thật phù hợp với cái gọi là thời mới.

Thì cả ngày hết “nhốt” con ở trường học lại “nhốt” chúng trong bốn bức tường, chẳng giống với nuôi gà công nghiệp sao? Thì thiếu kỹ năng sống, thiếu hiểu biết và va đập xã hội, lớ nga lớ ngớ trong nhiều công việc và các mối quan hệ, sao có thể ra dáng đáng mặt với con người hoàn thiện, chủ động trong cuộc sống? Ác nỗi cậu ấm cô chiêu xưa chỉ là số ít, nay không chỉ những gia đình khá giả mà số đông gia đình ở đô thị đều ít nhiều cam chịu để con cháu bị ngu ngơ, thiếu hiểu biết và xa rời thực tế. Người lớn đi làm cả ngày, đưa con gửi vào nhà trẻ, lớp mẫu giáo hay trường phổ thông, bên cạnh việc được học tập thì còn có ý nghĩa như việc trông giữ. Cứ vào hè thì lại thấy nhiều nhà bấn bíu cả lên vì lo việc trông giữ con. Chỗ chơi hay một không gian thoáng đãng thì ngày mỗi hiếm mà để chúng tự ra đường sao có thể yên tâm vì nhiều thứ bất trắc. Cho đến các lớp, các trại học hè, chơi hè thì lại tốn kém tiền bạc. Thế nên “nuôi nhốt” trong nhà là lựa chọn không mong muốn nhưng cũng chẳng đặng đừng. Luẩn quẩn như thế nên trò chơi điện tử, cái điện thoại trở thành bảo bối với nhiều gia đình để giữ con tại nhà.

Dễ hiểu vì sao cha mẹ học sinh luôn có nguyện vọng, mong mỏi nhà trường dạy thêm các kỹ năng sống cho học sinh. Do không có thời gian, không gian và cả do ngại và thiếu phương pháp nên nhiều gia đình nảy sinh tâm lý ỷ lại, trông chờ, phó thác việc dạy và rèn kỹ năng sống cho nhà trường. Mà nhà trường thì chưa thể hoặc không thể. Chương trình, người dạy, thời gian và không gian đều thiếu. Và thế là việc dạy và rèn kỹ năng sống, khả năng vận dụng kiến thức vào đời sống cho con trẻ-học sinh đã trở thành khoảng trống lớn trong xã hội.

Những năm gần đây, khi xã hội hóa giáo dục được mở ra, chúng ta đã được biết đến những mô hình trường lớp với triết lý và cách thức giảng dạy, học hành mới mẻ, khác biệt. Ở một số trường quốc tế và tư thục, người ta dạy môn Toán kết hợp với thực tế bằng nhiều cách. Ví dụ, có bài thực hành với số tiền nhất định, học trò tự “đi chợ” làm vài món cho một số người ăn nhất định. Vậy là phải tính toán nhưng là chơi mà học. Ngoài ra còn các môn thể thao, các tiết học âm nhạc, hội họa, các trò chơi tập thể, tập diễn thuyết, kể chuyện, hát và đóng kịch bằng ngoại ngữ… Ở những trường lớp ấy, câu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” rõ ràng có “lượng” và "chất” khác hẳn. Tất nhiên là tiền bạc tốn kém hơn nhưng bù lại chẳng có dạy thêm, học thêm…

Phải chăng những mô hình đó là gợi ý cho việc tổ chức triển khai cụ thể những phương hướng của công cuộc đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện. Rõ ràng việc gia đình trông chờ, phó mặc việc dạy kỹ năng sống và vận dụng kiến thức học tập vào đời sống là sai lệch; song trong xã hội hiện đại, việc nhà trường phải là cấu trúc chủ yếu gánh phần việc này sẽ là yêu cầu phải nhẽ.

Nếu chủ tâm, chuyên chú, các nhà trường, gia đình và xã hội chúng ta sẽ tìm ra nhiều cách thức, nhiều mô hình để giáo dục, dạy dỗ con trẻ để chúng sẽ trở thành những con người ngày mỗi hoàn thiện, chứ không phải những cậu ấm cô chiêu, những chú “gà công nghiệp” lơ ngơ./.

SA MUỘN