Trong năm 2016 này, đến lượt nhà nghiên cứu, Tiến sĩ ngữ văn Phùng Gia Thế (Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) với tập tiểu luận "Văn học Việt Nam sau 1986 - Phê bình đối thoại", một công trình mà theo lời tác giả là “tham góp một tiếng nói của phê bình đối thoại vào đời sống văn học đương đại” (trang 5).

Đi vào chi tiết, dễ nhận thấy tập tiểu luận “ghi dấu ấn” đậm nét bằng những bài viết kỹ càng, chuyên sâu về văn học hậu hiện đại ở Việt Nam trên nhiều phương diện khác nhau. Điều này cũng dễ hiểu vì tác giả vốn là một trong những chuyên gia hàng đầu về hậu hiện đại trong giới nghiên cứu văn học nước nhà. Hậu hiện đại hiện vẫn là một chủ đề được bàn tán, tranh luận nhiều nhất trên văn đàn trong nhiều năm qua. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu thấu đáo về nó, thậm chí có không ít những quan điểm sai lầm, những ngộ nhận về hậu hiện đại. Hậu hiện đại là gì? Có những đặc trưng nào? Chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam đã hình thành trên những cơ sở nào, mối quan hệ giữa hậu hiện đại với hiện đại ra sao? Những tác giả tiêu biểu cho sáng tác hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đương đại… Những vấn đề lý luận và thực tiễn quan thiết bậc nhất của văn học hậu hiện đại nước nhà được Phùng Gia Thế lý giải một cách thấu đáo trên cơ sở nắm vững và vận dụng lý thuyết một cách khoa học, bài bản, có sự soi chiếu, so sánh kỹ càng bằng cái nhìn “toàn cảnh” từ đồng đại đến lịch đại, từ Việt Nam ra thế giới, từ tác giả đến tác phẩm… Trong bài viết mở hàng cuốn tiểu luận “Điều kiện hậu hiện đại của văn học Việt Nam”, tác giả đã giải quyết rốt ráo câu hỏi Việt Nam đã đủ điều kiện để hình thành hậu hiện đại hay chưa bằng cách tham chiếu trên 3 bình diện: Lịch sử - xã hội và ý thức, giao lưu văn hóa quốc tế - toàn cầu hóa và các tiền đề văn học. Sau khi xem xét, phân tích ba bình diện trên, Phùng Gia Thế nhận định rằng Việt Nam không những đủ điều kiện hình thành văn học hậu hiện đại mà điều quan trọng hơn cả là “những dấu hiệu hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đương đại không phải hiện tượng thuần ngoại nhập, mà phần lớn bắt nguồn từ thực tế đời sống - xã hội tinh thần của nước ta” (trang 25). Đây là nhận định nhiều ý nghĩa xóa tan quan niệm cho rằng hậu hiện đại hay nhiều chủ nghĩa, trào lưu văn học ở Việt Nam đều là yếu tố “ngoại sinh” du nhập, khẳng định “nội lực” và sự phát triển mạnh mẽ của nền văn học nước nhà. Tiếp đó, trong hàng loạt các bài viết như: “Khuynh hướng hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam sau 1986”, “Dấu ấn hậu hiện đại trong văn học Việt Nam sau 1986”, “Tính chất các-na-van trong ngôn ngữ văn xuôi Việt Nam đương đại”, “Tính bất khả tín, hàm hồ trong thế giới nghệ thuật văn xuôi Việt Nam đương đại”… Phùng Gia Thế đã làm rõ thế nào là cảm quan hậu hiện đại, nêu lên các thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của hậu hiện đại cùng những hiểu nhầm về thuật ngữ này khiến cho dẫn đến nguy cơ “cả làng hậu hiện đại”, tiến hành công việc “phân loại” các thế hệ tác giả hậu hiện đại ở Việt Nam… Và để bổ khuyết, “cụ thể hóa” những lý thuyết về hậu hiện đại, Phùng Gia Thế dành các bài nghiên cứu công phu về các tác giả quan trọng trong tiến trình hậu hiện đại văn học nước nhà như: Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Đặng Thân... Các bài viết về những tác giả này vừa sâu, vừa rộng, vừa khái quát, vừa cụ thể, trình bày một cách có hệ thống một hoặc nhiều đặc trưng về nghệ thuật tiểu thuyết của họ, qua đó giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về tiến trình hậu hiện đại của đời sống văn học nước nhà. Có thể nói thông qua những bài viết trên, Phùng Gia Thế đã vẽ nên “bức tranh toàn cảnh” về hậu hiện đại ở Việt Nam.

Thứ nhất, sự tỉnh táo trước sức “quyến rũ” của lý thuyết. Là chuyên gia về hậu hiện đại, nhưng Phùng Gia Thế không “tuyệt đối hóa” lý thuyết này. Tác giả chỉ rõ những thành công cũng như hạn chế của hậu hiện đại, đặc biệt về vấn đề tác giả và thủ pháp hậu hiện đại. Không phải mọi tác phẩm viết theo xu hướng hậu hiện đại đều hay, không phải tác giả nào cũng thành công. Và kết luận sau cùng này của Phùng Gia Thế là một điều đáng để các nhà văn cùng suy ngẫm: “Có một khuynh hướng văn chương hậu hiện đại, nhưng chúng ta vẫn chưa có một nhà văn “thuần hậu hiện đại”. Chưa có, vì ngay ở các nhà văn hậu hiện đại nhất, thì cũng chủ yếu là thuần thục kỹ thuật. Họ thừa kỹ thuật mới nhưng lại thiếu những nền tảng cần thiết để có những suy tư lớn. Nói khác đi, đó là sự thiếu vắng một cảm quan mang tính triết học sâu sắc” (trang 118). Thứ hai, bằng văn phong giản dị, trong sáng, cách diễn đạt khoa học, sư phạm (của một nhà giáo nắm vững, hiểu rõ những điều mình muốn viết), Phùng Gia Thế đã biến một vấn đề phức tạp như hậu hiện đại với nhiều thuật ngữ chuyên ngành trở thành trở nên dễ hiểu với những “chỉ dẫn” cụ thể. Tôi có niềm tin rằng mọi người sau khi đọc các bài viết của anh sẽ thu lượm được một lượng kiến thức cơ bản, nhất định về lý thuyết này.

Dẫu chưa và không thể “mười phân vẹn mười” nhưng “Văn học Việt Nam sau 1986 - Phê bình đối thoại” vẫn là cuốn sách thú vị, cần thiết với những người quan tâm về hậu hiện đại ở Việt Nam.

TÂM ANH