Phóng viên (PV): Không chỉ được chọn làm giám khảo, ở HANIFF lần này còn có hai bộ phim do chị sản xuất là “Song Lang” và “Cô Ba Sài Gòn” được trình chiếu trong Chương trình toàn cảnh điện ảnh Việt Nam. Trong đó “Song Lang” vừa ra mắt hồi cuối tháng 8, tại sao chị không đưa phim đi thi tranh giải lần này?

Diễn viên Ngô Thanh Vân: “Song Lang” không được dự giải, đúng là điều đáng tiếc với chúng tôi. Khi làm bộ phim này bản thân tôi đã rất tâm huyết, phim được sản xuất và ra mắt đúng thời điểm kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương, nhằm tôn vinh loại hình nghệ thuật này.

Sở dĩ “Song Lang” không được chọn bởi Điều lệ của HANIFF 2018 quy định phim chưa từng tham dự ở LHP châu Á. Trong khi mới tuần vừa rồi phim tham dự Tokyo International Film Festival lần thứ 31-LHP lớn nhất châu Á tổ chức tại Nhật Bản. Tôi đã gửi phim tới cả hai LHP, lúc gửi chưa biết HANIFF có quy định như vậy. LHP Tokyo lại báo trước thời gian khai mạc, nên chúng tôi quyết định chọn giữ phim lại để thi tranh giải.

Diễn viên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân.

Tuy nhiên cũng rất vinh dự khi phim được lựa chọn giới thiệu trong suất chiếu mở màn LHP Tokyo trước đông đảo bạn bè quốc tế; được xếp tranh giải hạng mục “Asian Future” (Tương lai châu Á).

PV: Ở HANIFF 2018, dễ nhận thấy khá nhiều đoàn điện ảnh quốc tế đến dự thì trái lại ít ỏi các đoàn, nghệ sĩ của Việt Nam. Chị nghĩ sao về điều này?

Diễn viên Ngô Thanh Vân: Tôi chỉ nghĩ đơn giản, đối với anh chị em nghệ sĩ họ sẽ đến LHP khi phim của họ vào vòng thi. Cũng phải thông cảm, để có điều kiện và thời gian đi dự những cuộc liên hoan thế này thì không phải ai cũng đủ sức; mặt khác họ cũng lại là những người luôn bận rộn với các dự án. Bản thân tôi cũng vậy, nếu tôi không có phim đi dự thì tôi rất ngại xuất hiện. Còn nếu có, chắc chắn mình phải xuất hiện để quảng bá cho phim của mình.

PV: Nhưng rõ ràng HANIFF là cơ hội rất hấp dẫn cho người làm phim Việt Nam?

Diễn viên Ngô Thanh Vân: Đúng vậy. Đây là cơ hội quý giá để những người làm phim Việt Nam, nhất là những bạn trẻ được học hỏi, giao lưu với người làm phim quốc tế, qua đó nhìn ra những cách làm phim mới mẻ, phong phú, đáp ứng thị hiếu của công chúng ngày nay.

 Hình ảnh trong bộ phim “Song Lang”-phim trình chiếu trong Chương trình toàn cảnh điện ảnh Việt Nam.

Như bản thân tôi, ngoài những bộ phim do tôi sản xuất được trình chiếu, giao lưu với khán giả ở các rạp chiếu hoặc các buổi chiếu phim ngoài trời (Tượng đài Lý Thái Tổ) tôi thấy rất thú vị. Đặc biệt được giao trọng trách là đại diện của điện ảnh Việt Nam vào thành phần BGK của phim truyện, đã tạo cho tôi có cơ hội trải nghiệm bởi vì được xem rất nhiều phim, hiểu thêm nhiều nền văn hóa của nhiều quốc gia qua những thước phim họ kể về cuộc sống, cách họ làm phim, diễn xuất, phát hành… Không chỉ ở HANIFF 2018, mà khi có cơ hội được đến các LHP quốc tế khác, tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm.

PV: Vậy chị có thể tiết lộ kinh nghiệm từ LHP quốc tế, nhất là HANIFF lần này?

Diễn viên Ngô Thanh Vân: Trước đây tôi mới chú tâm làm những phim mang tính giải trí. Tuy nhiên khi đi các LHP quốc tế, với những trải nghiệm tạo cho tôi động lực nhiều hơn trong việc tìm kiếm những câu chuyện, kịch bản tốt để làm phim nghệ thuật, có chất lượng. Đó là nguyên do hai năm trở lại đây có “Cô Ba Sài Gòn”, vừa mới đây là “Song Lang”. Ngay cả khi bắt tay làm “Song Lang” tôi xác định đây là một đề tài khó và rất kén khán giả. Nhưng nếu không là những đề tài, câu chuyện mang yếu tố văn hóa, dân tộc thì quả là thiếu sót đối với những người làm phim trẻ như chúng tôi. Trong khi ở các LHP quốc tế họ khá là đề cao câu chuyện văn hóa từ các quốc gia gửi phim tới tham dự.

PV: Xin cảm ơn diễn viên, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)