Đàn cò báo bão năm ấy dường như đã cảm nhận được một tín hiệu thay đổi của thiên nhiên. Tôi khi đó còn nhỏ, vẫn chưa hiểu hết sự tàn phá của những cơn bão. Chỉ biết trong bão, gió rít giật mạnh làm cây cối xiêu vẹo đổ gãy. Nhà cửa dù đã được chằng chịt cẩn thận rồi mà nước vẫn phả rát rạt và tràn vào bên trong.

Có những điều găm vào lòng tôi có lẽ chẳng bao giờ có thể quên. Năm ấy quê tôi, vùng đất ở nơi cuối cùng phía Nam của xứ Thanh, đón cơn bão số 6 và theo sau là trận lụt lịch sử. Khi trời bắt đầu mưa lớn không ngớt, mẹ cùng ông chân trần đội chiếc nón lá khiêng vại mắm trên hàng hiên giữa sân và vườn vào trong nhà. Con lợn con sổng chuồng trước đó không hiểu sao lại biết đường về, chạy vào nhà chui dưới gầm chiếc phản để tránh lụt. Nước khi đó ngập tới nửa chân nó, rồi cứ cao dần lên.

Mẹ kể lại, lúc đó hai anh em ngồi trên mấy thanh giát giường. Nhìn những tàu lá dừa bay tả tơi trong gió, em tôi sợ hãi gọi mẹ. Từ đó về sau cứ thấy gió to, em tôi lại kêu “Bão, bão rồi!”. Ngày đó bố đi chạy gạo ở xa, chỉ còn ba mẹ con và ông ở nhà. Sau cơn bão, tôi không thể nào quên hình ảnh ông nội tôi đội chiếc nồi trên đầu, mình trần bơi đi tìm chỗ không ngập để nấu cơm giữa mênh mang biển nước.

leftcenterrightdel
Lực lượng vũ trang Quân khu 4 giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ. Ảnh: HOA LÊ 

Năm tôi đi làm một dự án ở ngoài vùng Đông Bắc, chứng kiến cơn bão Haiyan, cơn bão mạnh nhất trong lịch sử đổ bộ vào Việt Nam, tới một cách tàn bạo trong đêm tối không ai ngờ. Những lán nhà lợp tôn trong khu cư xá của kỹ sư công trường theo từng cơn gió rít rung lên bần bật rồi bung chốt bay đi từng mảnh. Không còn mái che, nước trút xuống, tạo thành dòng nước chảy xiết ngay trong nhà. Anh em chúng tôi không biết chạy đi đâu trong cơn bão dữ giữa đêm tối. May sao có một anh hô to: “Chạy vào nhà vệ sinh”. Cả một khu lán nhà năm ấy, chỉ có một căn nhà vệ sinh là đổ bê-tông mái bằng có vẻ như là kiên cố nhất.

Trong nhà vệ sinh tối om thỉnh thoảng sáng lên ánh chớp lòe đêm mưa bão năm ấy, anh em chúng tôi ướt như chuột lột, ôm theo chiếc chăn cũng ướt sũng nước, ngồi sát nhau thành hàng co ro run rẩy vì lạnh, chỉ mong bình an qua cơn bão đêm nay. Sáng ra, thấy cả khu nhà lán đều đã bị gió bão giật bốc mái trơ vách, một vài căn nhà đổ sập tường, những tấm tôn rải rác khắp nơi, có tấm bay xa tới hàng mấy chục mét tới tận tường rào... chúng tôi thầm cảm ơn thần may mắn.

Năm nào cũng vậy, theo sau bão là mùa lụt với những cơn mưa như trút nước liên tục chẳng chịu ngớt. Tôi quặn lòng thương dải đất miền Trung nghèo khó lại chìm trong mênh mang biển nước. Nước ngập khắp ruộng đồng, nước ngập khắp đường làng ngõ xóm, nước còn ngập lên tận mái nhà. Tôi xót xa khi tivi chiếu hình ảnh chiếc quan tài của người đã mất vì mưa bão mà phải chằng buộc tạm trên cành cây. Những người dân phải trèo lên mái nhà, đón thùng mì tôm, chai nước lọc từ những chiếc xuồng cứu hộ chạy qua... Sau trận lũ lụt, dù nước rút đã đi, nhưng bùn đất bám hết vào đồ đạc nhà cửa. Thương thật thương khi nhìn hình ảnh những trang sách vở của các em học sinh bê bết bùn đất không thể dùng lại được...

Dù biết rằng thiên nhiên là thử thách, tình đồng bào trong cơn hoạn nạn thắm thiết biết bao, nhưng trước thiên nhiên, con người thật nhỏ bé. Thế nên mỗi khi nghe đài báo bão, khi nhẩm đếm thấy mùa lũ lại sắp về, lòng tôi chợt buốt lên đau nhói. Lại thầm cầu mong sao, năm nay bão lũ không cuốn trôi, không tàn hại một người nào. Điều lường trước và làm được là con người đừng chặt đi những rừng cây đầu nguồn, đừng tàn phá những cây cối giữ đất ngăn lũ, và phải trồng thêm thật nhiều cây xanh.

Mùa bão về, trong cơn mưa giật gió rít năm xưa, mái nhà được ông tôi rồi bố tôi dang tay chống đỡ. Giờ đây ông và bố tôi đã khuất núi, tới lượt tôi lại vươn tay che đỡ cho đàn con thơ khi mùa mưa bão về. Dưới mái nhà kiên cố, tôi không còn cỏm giác sợ những cơn bão như hồi nhỏ, nhưng không biết vì sao tôi nhớ thật nhớ những ngày xưa, nhớ đàn cò trắng bay rợp trời những mùa bão đã qua...

Tản văn của LÊ NGỌC SƠN

Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.