Núi chẳng cao, nước chẳng sâu (cũng)

Tranh sơn thủy một màu ai khéo vẽ

(Thơ Phùng Khắc Khoan)

Đó là những câu thơ nói về mảnh đất Con Cuông, một huyện vùng cao phía tây tỉnh Nghệ An, nơi có vẻ đẹp mê đắm của miền sơn thủy hữu tình; có hoa mận nở trắng bản làng mỗi khi xuân về, và đặc biệt có người bạn Thái trắng ở đây lên xe hoa đã bắc nhịp chuyến hành quân dài nhiều trăm cây số này.

Chuyến xe đường dài Hà Nội-Nghệ An không làm giảm đi những háo hức, mong chờ của chúng tôi khi lần đầu tiên được đặt chân đến bản của người Thái trắng. Đi bộ chừng hai cây số, khi trời tối hẳn thì chúng tôi đến nhà bạn ở bản Đình. Mọi người đã tụ tập đông đủ dưới sân, trên nhà, quanh bếp, vừa là ăn cưới, vừa là để đón tiếp người phố lên chơi. Người Thái vốn hiếu khách có tiếng. Những câu mời chào tiếng Kinh lẫn tiếng Thái, những câu gọi nhau í ới, tiếng dao thớt chế biến món ăn pha tiếng nói cười khiến chúng tôi thấy không khí ấm áp, thân quen vô cùng, dù cái lạnh của đêm miền núi đang len lỏi vào thịt da. Những người già ngồi khoanh chân trên sàn nhà quanh ấm trà, đĩa trầu đứng dậy mời chúng tôi ngồi xuống. Người già và phụ nữ ở đây hầu như ai cũng mặc trang phục của dân tộc mình.

 

Sau màn giới thiệu dân dã của trưởng bản và chủ nhà, chúng tôi được mời ngồi vào mâm. Đám cưới của người Thái cũng có những món ăn phổ biến ở miền xuôi như giò, chả, nem, nhưng món ăn đặc biệt và truyền thống của họ mà lần đầu tiên chúng tôi biết đến, đó là moọc. Moọc được chế biến khá cầu kỳ. Nguyên liệu bao gồm lõi cây chuối rừng, gạo nếp tấm, quả mắc khén hay còn gọi là tiêu rừng, thịt hoặc cá và sả. Tất cả đều được băm nhuyễn, trộn đều rồi gói trong lá chuối rừng, sau đó xếp vào nồi lớn và được đồ trên bếp lò đào bằng đất. Khỏi phải nói sự thích thú của chúng tôi khi lần đầu được thưởng thức món ăn dân dã mà lại cầu kỳ đến thế. Các nguyên liệu quyện vào nhau hài hòa, làm tất cả chúng tôi ngạc nhiên đến thảng thốt, thức ăn lại được đồ nhuyễn trên bếp lò càng khiến cho món ăn như đạt đến độ tinh hoa nhất. Biết khách thích ăn, những chàng trai, cô gái Thái liên tục tiếp đồ ăn bằng những cử chỉ ý nhị và đôi mắt biết cười.

Khi men rượu đã chếnh choáng làm say lòng chủ và khách thì đêm đã khuya lắm. Chẳng nhớ chúng tôi đã hòa cùng họ trong điệu múa lăm vông từ lúc nào. Những vòng xoay cứ xoay mãi, xoay mãi tưởng như bất tận. Đến khi một hồi chiêng vang lên như đánh thức chúng tôi ra khỏi những mê đắm lạ lùng. Đó là lúc người ta chuẩn bị đi rước dâu. Chúng tôi ngỡ ngàng khi được biết người Thái đón dâu vào lúc 1 giờ sáng. Đoàn người đi trong rộn rã trống chiêng, xé sương đêm, xuyên bóng tối và cái lạnh thấu da mà đi. Những đuốc lửa rừng rực như muốn đốt cháy cả màn đêm. Tàn đuốc bay như triệu con đom đóm. Đấy là vì tôi không muốn ví chúng giống như pháo hoa trong đêm ba mươi ở thành phố. Họ nói cười xôn xao bằng tiếng Thái, khung cảnh tưởng như chỉ có trong huyền thoại, cổ tích. Còn tôi lại cứ hình dung ra một đám rước đi trong chiều dài lặng lẽ, đi trong mờ ảo của sương và hoa. Đó là vì tôi muốn ghi lại hình ảnh tuyệt đẹp này mà thôi.

Lúc cô dâu rửa chân, rồi chú rể dìu cô dâu lên nhà, dáng váy thổ cẩm nhập nhòa trên mỗi bậc cầu thang. Đó cũng là lúc chúng tôi ngồi lại bên những đống lửa, nghe nhà trai nhà gái hát đối, nghe những câu chuyện xa xăm, huyền bí của người già. Bao nhiêu vẻ đẹp và sự bí ẩn của núi rừng, của đêm tối ngoài kia như như hóa thân vào những lời kể, những đôi mắt và khuôn mặt kia. Chúng tôi hiểu vì sao người Thái lại yêu bản làng đến vậy. Khi những đống lửa đã tắt, than đã lụi dần cũng là lúc trời tang tảng sáng. Một tiếng gà lanh lảnh vang lên đánh thức bản làng. Nhưng trưởng bản bảo mỗi khi có đám thì chẳng ai ngủ đâu, cả bản thức thâu đêm. Trong cái dụi mắt của đất trời, bản Đình đẹp như chiếc khăn voan che mặt cô dâu ngày cưới, vừa thầm kín, vừa như gọi mời, dẫn dụ.

Trên những lối đi quanh bản, chúng tôi dừng chân ở mỗi nhà sàn. Người Thái giữ lại nếp nhà sàn như giữ lại hồn cốt của dân tộc mình. Bên mỗi cầu thang, chúng tôi lại được nghe những câu chuyện đầy thú vị. Những đứa trẻ thấy khách giơ máy ảnh định chụp lại nép vào cột nhà sàn, khi khách quay đi lại ùa ra nhìn theo. Người già bảo, làng bản dù đẹp đến mấy thì phố phường đều có trong mỗi giấc mơ của bọn trẻ. Chúng tôi nhìn đôi mắt xa xăm không biết nên nói gì. Cuối bản, mạ xuân đã lên xanh mươn mướt. Cô bạn bâng quơ dự đoán về một mùa màng bội thu. Người già lại trầm ngâm bảo, còn tùy vào đất trời. Chúng tôi nghe lòng mình chùng xuống, dù ngoài kia trời đất vẫn hân hoan, rạo rực tiết xuân.

Chúng tôi chia tay bản Đình trong sự luyến tiếc. Dù chuyến xe đêm muộn chưa đến nhưng dường như cả bản vẫn muốn thao thức để tiễn chúng tôi. Nhà xe liên tục gọi lại nói chờ thêm mấy chục phút nữa, xe sắp đến rồi. Độ vài lần như thế thì một đống lửa đã được đốt lên bên đường, soi sáng những gương mặt đầy xúc cảm. Cái lạnh vùng cao như tan đi, một câu hát tiễn khách cất lên giữa đêm xuân diệu vợi. Tiếng còi xe từ xa vọng lại, trong đêm nghe càng giục giã hơn. Chúng tôi gửi lại trời đêm bản Đình một điều gì rất khó gọi thành tên.

Tản văn của TÙNG QUÂN