Với nguồn tư liệu phong phú, khả năng phân tích sắc sảo, “Thế giới của truyện Nôm” có thể xem là cuốn sách dẫn nhập quan trọng khám phá di sản đặc biệt của văn học Việt Nam.

M.Durand là con trai của một nhà Hán học người Pháp và mẹ là người Việt. Được nuôi dưỡng bởi hai nền văn hóa, M.Durand là học giả hiếm hoi ở Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) có thể nghiên cứu chuyên sâu văn hóa Việt Nam một cách kỹ lưỡng, đạt nhiều thành tựu lớn. Với những công trình đã được xuất bản như: “Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam”, “Nhập môn văn học Việt Nam”, “Tri thức văn hóa cổ truyền Việt Nam, “Lịch sử thời Tây Sơn”... M.Durand được xem là nhà Việt Nam học hàng đầu trong thế kỷ 20. Dù đề tài nghiên cứu trải rộng song M.Durand luôn dành mối quan tâm lớn đến văn chương, xem đây là công cụ quan trọng để hiểu văn hóa, lịch sử và căn tính dân tộc Việt Nam. Trong đó, “Thế giới của truyện Nôm” được các học giả đánh giá cao bởi tính khái quát, trình bày tường minh dựa trên nguồn tư liệu khả tín.

    Bìa cuốn sách. 

“Thế giới của truyện Nôm” gồm 3 phần: Dẫn nhập, nghiên cứu âm điệu thơ Việt Nam và nghiên cứu các truyện thơ Nôm tiêu biểu. Sở dĩ có sự sắp xếp như vậy bởi truyện Nôm Việt Nam viết theo lối văn vần, phần lớn viết theo thể lục bát; nếu không giới thiệu về âm điệu thơ thì độc giả khó có thể hiểu về giá trị nghệ thuật, chiều sâu thẩm mỹ.

Phần quan trọng nhất của tác phẩm là giới thiệu các truyện Nôm nổi tiếng dựa theo nguồn tư liệu của EFEO và cá nhân M.Durand sưu tầm được. Có truyện ông chỉ giới thiệu ngắn gọn lai lịch tác giả, cốt truyện; song có những truyện phân tích rất kỹ, đặc biệt là “Kim Vân Kiều truyện” (Truyện Kiều) của đại thi hào Nguyễn Du. Giữa những luồng tranh luận đối nghịch theo nhiều góc nhìn của người xưa lẫn đương thời, M.Durand bằng sự khách quan của nhà khoa học nhân văn đã rút ra những kết luận chính xác về kiệt tác của văn học Việt Nam như: Đánh giá cao tài nghệ của Nguyễn Du, toàn bộ truyện thơ là một vở kịch gây xúc động, có tính giáo dục đạo đức, nhiều đoạn mang tính châm biếm, thể hiện lòng yêu nước... M.Durand cũng đưa ra kết luận quan trọng đó là dù mượn cảm hứng từ truyện nước ngoài, song “Truyện Kiều” cũng như các truyện Nôm khác của Việt Nam là sản phẩm sáng tạo quan trọng của người Việt, “đã làm biến đổi bộ mặt tác phẩm gốc gợi nguồn cảm hứng và xóa nhòa nguyên tác”.

Bằng sự phân tích ngắn gọn, chính xác của M.Durand, độc giả có thể thấy các truyện Nôm Việt Nam đều khuyên con người ta sống đạo đức theo luân lý Nho giáo. Đây là điều dễ hiểu, vì các truyện Nôm chủ yếu đều do các nhà Nho sáng tác. Truyện Nôm còn là sản phẩm phản ánh tâm lý và hợp với thị hiếu thẩm mỹ của người bình dân. Chẳng hạn trong “Hữu Kế truyện” mang tinh thần lạc quan, người bình dân có thể thoát khỏi nghịch cảnh bằng sự khôn khéo và may mắn.

Hơn nửa thế kỷ sau khi M.Durand qua đời, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã dày công nghiên cứu truyện Nôm sâu sắc, kỹ lưỡng, dưới nhiều góc độ và phương pháp, tiếp tục đào sâu nhiều vỉa tầng giá trị. Tuy nhiên, công trình của M.Durand vẫn giữ nguyên giá trị là cuốn sách dẫn nhập ngắn gọn, bổ ích cho độc giả bước vào thế giới của truyện Nôm.

HÀM ĐAN