Nhà thơ Sếch-xpia

Cảnh giới cao nhất của con người là ý thức được tinh thần và tư tưởng của mình, có nghĩa là nhận thức được chính mình. Điều này cho phép con người cũng nhận thức một cách sâu sắc đối với tâm hồn người khác. Có người sinh ra đã có năng lực này. Năng lực này sẽ giúp họ gặt hái được thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Nhà thơ bẩm sinh đã có năng lực ấy, nhưng họ không phải vì những mục đích trực tiếp mà họ vươn cao hơn bằng tinh thần. Sếch-xpia là một trong những nhà thơ vĩ đại, chúng ta khó lòng tìm được một ai khác có khả năng nhạy cảm tuyệt vời đối với thế giới, nói hộ tấm lòng của con người như ông. Thế giới qua bút pháp của ông trở nên rõ ràng, làm cho chúng ta cảm thấy mình trở thành thân tín của đạo đức-tội ác, vĩ đại-nhỏ bé, cao quý-hèn nhát. Những sự vật này được lột tả một cách chân thực bằng những phương pháp đơn giản nhất. Chúng ta tưởng rằng ông sáng tác chỉ phục vụ cho con mắt của khán giả, nhưng thực chất chúng ta đã cảm nhận không đúng. Có một thứ còn trong sáng hơn đôi mắt, đó là cảm quan bên trong. Thông qua ngôn ngữ, sự vật được truyền đạt đến cảm quan bên trong một cách nhanh chóng. Ngôn ngữ là thứ có thể ra hoa kết trái, còn mắt thịt chỉ nhìn thấy bề ngoài của sự vật, không để lại cho chúng ta những ảnh hưởng sâu sắc. Sếch-xpia hoàn toàn nhờ vào cảm quan nội tại để truyền đi hình tượng về thế giới, làm thế giới trở nên sinh động. Nhiều sự việc phải thông qua tưởng tượng để thể hiện ra ngoài. Linh hồn của Ham-lét, mụ phù thủy của Mắc-bét và một số hành vi tàn bạo phải thông qua sức tưởng tượng mới thể hiện giá trị của chúng. Những câu từ mà Sếch-xpia dùng ảnh hưởng đến chúng ta, trong đó câu từ tốt nhất phải được đọc lên để truyền đạt thông tin. Khi chúng ta nghe thấy tên của nhân vật thì trong tưởng tượng đã có hình tượng nhất định. Thực chất, chúng ta phải thông qua một loạt câu từ và lời nói mới biết được diễn biến trong nội tâm của nhân vật. Những bí mật trong nội tâm cần được tiết lộ, ngay cả những vật vô tri vô giác đều có nhu cầu này. Trong tác phẩm của Sếch-xpia, có thể nhận thấy dấu tích của nước Anh, nơi bốn mặt đều là biển, mây mù bao quanh. Nhà thơ sống trong một thời đại đáng được tôn trọng. Ông nhận thức rõ về đạo đức văn hóa cũng như những điều phi đạo đức, phi văn hóa. Nhà thơ nhận thức rõ về tâm hồn con người, có người nói ông miêu tả người La Mã cực tốt, nhưng tôi nghĩ không phải vậy, ông miêu tả từ đầu đến chân đều là người nước Anh, chính vì những sai lệch về trang phục này làm cho tác phẩm của ông càng có sức sống mãnh liệt hơn.

So sánh Sếch-xpia và cổ kim

Điều mà Sếch-xpia cảm thấy hứng thú chính là sự vật trên thế giới này, những tiên tri, dự cảm, tiên nữ, linh hồn, pháp sư v.v.. ít nhiều đã xuất hiện trong tác phẩm của ông. Tuy vậy, những thành phần huyễn hoặc đó không phải là thành phần chủ yếu, cơ sở vững chắc cho tác phẩm của ông là chân thực của cuộc sống, là tinh thần mạnh mẽ, cho nên người ta đã thấy rõ, ông không phải là nhà thơ hiện đại. Nhưng xem kỹ, ông tuyệt đối vẫn là một nhà thơ hiện đại, có một khoảng cách không nhỏ giữa ông và cổ nhân.

Khổ đau của con người xuất phát từ mối tương quan không hài hòa giữa thiên mệnh và nguyện vọng hoặc thiên mệnh và mãn nguyện, sự không hài hòa này khiến con người gặp phải bất hạnh, khi chúng ta không có khả năng giải quyết vấn đề này thì bi kịch xảy ra. Trong thơ cổ, sự không hài hòa giữa thiên mệnh và mãn nguyện có vị trí thống trị. Tại hai thời đại khác nhau, có thể mặt này chiếm vị trí thống trị hoặc mặt kia chiếm vị trí thống trị, nhưng thiên mệnh và nguyện vọng không thể tách rời, nên luôn tồn tại hai mặt cùng một lúc, một mặt sẽ chiếm ưu thế còn mặt kia sẽ đóng vai trò phụ thuộc. Bi kịch thời xưa lấy thiên mệnh làm cơ sở, khi nguyện vọng chống lại nó thì sự việc càng khắc nghiệt, phán xét của thần linh trở thành khởi đầu cho mọi bất hạnh, Ơ-đíp là tác phẩm tiêu biểu, trong Ăng-ti-gôn, thiên mệnh xuất hiện dưới hình thức trách nhiệm, điều này có vẻ ôn hòa. Nhưng suy cho cùng, thiên mệnh là tàn khốc, bất luận trong lĩnh vực lí trí như luật pháp hoặc lĩnh vực thuộc tự nhiên như thay đổi, trưởng thành, diệt vong, sinh tử đều cho thấy điều này. Sếch-xpia đã dùng thủ pháp vô cùng tuyệt diệu khi ông kết nối được xưa và nay. Trong kịch của ông, thiên mệnh và nguyện vọng đấu tranh một cách quyết liệt để tạo nên trạng thái cân bằng, nhưng trong đấu tranh, nguyện vọng thường ở vào thế yếu. Sếch-xpia không để cho nguyện vọng từ trong nội tại thoát ra mà để cho cơ duyên bên ngoài kích hoạt, do đó nó trở thành thiên mệnh, biểu hiện giống kịch thời xưa.

Nhà thơ và sân khấu

Sếch-xpia thuộc về lịch sử sáng tác thi ca, đôi khi xuất hiện trên sân khấu. Là một nhà thơ, ông được người ta tôn vinh, nhưng đối với kịch, ông làm cho mình thích ứng với một số điều kiện, người ta phải xem xét các điều kiện này, không cho đó là ưu điểm để tôn vinh. Tác phẩm của Sếch-xpia mang đậm chất kịch, ông đã khai thác những mặt bên trong của cuộc sống, chính thủ pháp này đã thu hút được nhiều độc giả; yêu cầu đối với sân khấu của ông không cao, ông chỉ xử lý sơ qua những yêu cầu này. Như vậy, tinh thần của con người cũng sẽ dao động theo một cách tùy ý. Chúng ta cùng nhà thơ đi hết từ chỗ này đến chỗ khác, trí tưởng tượng của chúng ta đã bổ sung cho những gì là trung gian của hành động. Chúng ta phải cảm ơn nhà thơ đã cho chúng ta những trải nghiệm có ích. Tất cả được đề cập trên sân khấu, do đó giảm bớt công việc của sức tưởng tượng. Có thể nói, đối với những sự việc đồng thời mang tính tượng trưng thì chúng mới có tính kịch; một hành động quan trọng sẽ luôn tiềm ẩn sau nó một hành động khác. Sếch-xpia đã đạt đến cảnh giới này, người con và người thừa kế đã lấy vương miện mang đi, đội lên đầu trong khi đức vua đang ngủ say. Khoảnh khắc ấy đã chứng minh cho nhận định trên. Đây chỉ là những viên ngọc rời rạc, trung gian còn nhiều thứ phi sân khấu. Ở Đức, nhiều năm nay người ta có thành kiến rằng, kịch của Sếch-xpia phải được diễn nguyên bản không sai một chữ nào. Do biên dịch có độ chính xác cao nên người ta đã thử làm như vậy, nhưng không có thử nghiệm nào thành công. Nếu nhiều người vẫn giữ thiên kiến này, có lẽ vài năm nữa Sếch-xpia sẽ biến mất khỏi sân khấu nước Đức, đương nhiên đây không phải điều tồi tệ. Người ta từng giao “Rô-mê-ô và Giu-li-ét” cho Nhà hát Weimar cải biên, chúng ta cần nhanh chóng làm rõ nguyên tắc tiến hành lúc bấy giờ, kết quả có thể giải thích được, tại sao công diễn không khó khăn, nhưng tác phẩm cải biên được xử lý nghệ thuật đã không bén rễ tại các nhà hát ở Đức. Những thử nghiệm tương tự đang được tiến hành, sự việc trong tương lai đang nảy mầm bởi vì không phải tất cả các nỗ lực đều phát huy hiệu quả ngay tức thời.

Tiểu luận của J. W. GỚT

PHẠM HUY QUỲNH (dịch)