Đất nước thanh bình, ông lại mải mê chức phận một người làm báo ở Thành phố Hồ Chí Minh, rồi tiếp tục miệt mài mưa nắng làm một nông dân ở Long Khánh, ở Măng Đen. Suốt hành trình vừa ngổn ngang háo hức vừa trĩu nặng âu lo ấy đã cho ông sự trải nghiệm phong phú mà không phải ai cũng được sở hữu. Và ông đã gửi gắm tất cả vào trong thi ca.
Những bài thơ cất giữ cẩn thận trong ba lô thời khói lửa chiến tranh, những bài thơ chắt chiu ghi lại giữa bộn bề thời thị trường xô đẩy, đều lưu dấu tháng ngày sống tận tụy của nhà thơ Trịnh Duy Sơn. Hiền lành, trong sáng và đôn hậu, thơ của Trịnh Duy Sơn cũng giống như con người ông, rất đỗi dung dị. Niềm đam mê thi ca đã kéo ông ra khỏi những bộn bề đời thường. Ông tìm thấy chính ông trong lặng lẽ sáng tạo: “Một thời làm lính làm thơ/ Một thời ấp ủ mộng mơ cao vời/ Thời tim tôi đập vì người/ Người ơi ở phía cuối trời có hay?”. Bởi lẽ, ông thấu hiểu nguồn cơn xúc động riêng mình “Đêm nằm sinh hạ câu thơ/ Đau như đạn bắn bâng quơ phận người” để ung dung tự tại trên đất đai ân cần “Tôi viết câu thơ như cha mở đường cày”.
Tập thơ “Chốt nợ” của ông mới xuất bản tháng 5-2024 với 79 bài thơ dài ngắn khác nhau là một hệ thống xuyên suốt khiến người đọc không khó để nhận ra chân dung thơ Trịnh Duy Sơn. Nhà thơ Trịnh Duy Sơn bộc lộ mọi riêng tư, như một lễ vật truy cầu tâm hồn đồng điệu. Ông khai báo day dứt nỗi tha phương: “Tôi đi phiêu dạt cuối trời/ Cái tên cũng bỏ rớt rơi giữa làng” và ông tường trình hân hoan niềm hồi hương “Tôi đi hai mốt nghìn ngày/ Chỉ mong có được hôm nay trở về/ Rưng rưng bưng bát cơm quê/ Nhớ bao đồng đội không về cùng tôi”.
 |
Tập thơ "Chốt nợ" vừa xuất bản của tác giả Trịnh Duy Sơn.
|
Một đặc điểm dễ thấy ở nhà thơ Trịnh Duy Sơn là những vướng mắc nghĩa tình của một cựu chiến binh. Ông lúc nào cũng nhớ gần thương xa, dõi theo bụi mờ ký ức, trông theo trống vắng kỷ niệm với từng đồng đội đã gặp gỡ, đã tin yêu: “Ta giờ dính chút đa đoan/ Nên còn vất vả gian nan với đời/ Đêm nằm gọi - bạn bè ơi/ Nhớ chăng một thuở ngút trời đạn bom”. “Giờ này ai mất ai còn/ Ai lên quan chức ai còn chơi vơi/ Cửa Thiền ta gắng tới nơi/ Đường trơn gánh nặng đã trôi dần rồi”. Do vậy, ông thường cúi xuống để an ủi những sự giản dị “Hoa Bèo không bán chẳng cho/ Thủy chung muôn thuở chẳng so đo gì/ Hoa Bèo ai tỏ mà chi/ Cái màu tím ấy nói gì cùng tôi?” và để nhắc nhở những sự độ lượng: “Suốt đời lặn lội ta tìm/ Chỉ thương phận cỏ yếu mềm cô đơn/ Bao giờ về với Tổ tiên/ Ta nằm dưới cỏ xanh thêm mỗi ngày”.
Bước vào thơ Trịnh Duy Sơn, độc giả được hít thở trong một không gian bịn rịn của những thanh âm gần gũi. Bởi lẽ, ông quan niệm “Thôi thì lấy bến làm quê/ Lấy sông làm sạch lấy nghề làm sang”, nên thơ không cần những mỹ từ ngụy trang khéo léo. Ông chấp nhận định mệnh “Ta luôn bước chân thẳng/ Sao lại gặp đường vòng/ Đi cả đời quanh quẩn/ Lại trở về điểm không” để được đứng gần sự thật “Học không hết sách/ Làm không hết việc/ Chơi không hết chỗ/ Ngủ không hết đêm/ Già! Ăn không hết/ Chết! Có mang theo?” và để được kết nối lẽ phải “Biết bao nhiêu triết lý/ Rồi cũng chỉ bằng không/ Thứ rộng hơn biển cả/ Là tấm lòng bao dung”.
 |
Nhà thơ, cựu chiến binh Trịnh Duy Sơn. |
Thơ Trịnh Duy Sơn không nhiều ý tứ bay bổng. Thơ ông tương tác trực diện mỗi khúc quanh đời ông và lắng lại thành những xao động thở dài: “Bởi ta đã đón bao ánh nắng ban mai/ Đã tiễn đưa bao ngày tàn lụi/ Giữa cuộc đời cát bụi/ Ta như cây phong ba/ Đội bom đạn/ Đội nắng mưa/ Đứng giữa trời mà hát/ Đứng giữa đời mà khóc”. Và cũng từ góc độ soi chiếu sòng phẳng, ông có được ưu tư đáng sẻ chia: “Bởi ham chức tước quyền hành/ Bao người vùng vẫy quẩn quanh bể đời/ Ngoi lên lặn xuống hụt hơi/ Chỉ riêng Đức Phật thảnh thơi đứng nhìn”.
Trên cõi người dan díu trìu mến, bất kỳ ai tự trọng cũng có cảm giác mang ơn cuộc sống và mắc nợ cuộc sống. Nhà thơ Trịnh Duy Sơn không đứng ngoài dòng chảy luân lý vô tận ấy. Ông thẳng thắn “chốt nợ” với từng bận bịu, từng rung lắc, từng hoang mang “Nhiều khi mình với lòng mình/ Cũng còn có chuyện bất minh nữa mà/ Chút tình lụy tới người ta/ Có khi khó nói hơn là người câm”. Và dù đã biết “Chưa ai mò được chiếc kim khâu vết thương nhân loại”, thì ông cũng sẵn sàng gửi gắm chút hy vọng mong manh cho những khao khát lương thiện: “Ta trôi dạt trên dòng đời nghiệt ngã/ Nên thơ ta cũng vật vã trôi cùng/ Liệu hồn ta có trôi ra biển cả/ Để thơ được hòa cùng sóng trùng dương?”.
LÊ THIẾU NHƠN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.