Nhiều người lấy làm khó hiểu vì sao có những cây bút vẻ ngoài không được tao nhã, ứng xử không được khéo léo lại có thể viết những vần thơ xuất thần, những tác phẩm văn xuôi sống mãi với thời gian. Có lẽ do quan niệm thời trung đại “văn là người” nên mới có sự đánh đồng con người trong đời thực với con người sáng tạo của nhà văn. Nhà văn ngoài thế giới nội tâm phong phú, phức tạp còn có cách học “đặc biệt” ít người biết giúp họ có thể viết được tác phẩm lớn.

Để trở thành nhà văn, người ta cần có một số điều kiện cần và đủ, trước tiên là niềm đam mê và năng khiếu. Đam mê thì dễ nhận biết, năng khiếu thì khó thấy hơn và ít người có, đó là khả năng tưởng tượng, biết rung cảm trước cái đẹp, sở hữu năng lực thẩm mỹ và năng lực ngôn ngữ cao... Năng khiếu về cơ bản là trời cho, thế nên vì sao lượng người có thể viết văn chuyên nghiệp thường không nhiều. Năng khiếu có thể tạo ra những thần đồng thơ ca, những hiện tượng “nhà văn một tác phẩm” nhưng không bảo đảm sự nghiệp đồ sộ, chất lượng. Phát triển được năng khiếu là yếu tố quyết định tạo ra nhà văn lớn, đòi hỏi nhà văn phải học.

Học trước hết là ở trường lớp bài bản, một số quốc gia có chương trình đào tạo viết văn, như ở Mỹ có 24 khoa viết văn ở các trường đại học để lấy bằng cử nhân hoặc các khóa bồi dưỡng viết văn ngắn ngày. Tất nhiên, chương trình đào tạo này không chỉ dạy sinh viên ra trường để làm nhà văn mà còn có thể viết kịch bản phim, chương trình giải trí, tham gia ngành xuất bản để “lấy ngắn nuôi dài”. Hiệu quả của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng viết văn vẫn nằm ở chất lượng các tác phẩm của cựu học viên. Nhà văn Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro (Nobel Văn chương năm 2017) đã từng có thời gian học khóa bồi dưỡng viết văn tại Đại học miền Đông Anh quốc (UEA) năm 1980. Hai năm sau, ông xuất bản tiểu thuyết đầu tay “Cảnh đồi mờ nhạt”, ngay lập tức tạo được tiếng vang. Việc học viết văn sẽ đỡ cho các cây bút mới vào nghề mất một quá trình tự học vất vả, mệt nhọc, mất thời gian. Các nhà văn tương lai sẽ biết văn chương đã đạt đến thành tựu nào, kỹ năng viết văn nào đang là chủ đạo; từ đó, tìm ra hướng đi mới cho bản thân. Các chương trình đào tạo viết văn thực sự giống như “bệ phóng” cho sự nghiệp của tài năng văn học. Thế nên, nếu có năng khiếu và quyết chí trở thành nhà văn thì nên học viết văn ở trường lớp cũng không phải là thừa.

Nhưng đại đa số các nhà văn thành danh lại không qua trường lớp dạy văn chương, vậy họ đã học như thế nào? Câu trả lời là quá trình tự học suốt đời bền bỉ. Không hiếm những nhà văn Việt Nam lẫn thế giới không kinh qua nhiều trường lớp: Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng chỉ học hết tiểu học; văn hào Pháp Patrick Modiano (Nobel Văn chương năm 2014) chỉ có bằng tú tài, không học đại học… nhưng khả năng đọc và tự học, ghi chép thì đáng nể. Tô Hoài xuất bản nhiều cuốn hồi ký chất lượng là nhờ thói quen đọc và ghi chép từ thời còn trẻ. Nguyễn Tuân để viết được một tùy bút chất lượng thì lượng tài liệu ông đọc thực sự là khổng lồ. Chẳng hạn để tả cảnh bình minh, ông sử dụng điểm nhìn của điện ảnh, điều đó có nghĩa ông phải đọc kha khá tài liệu về kỹ thuật quay, dựng phim. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng mất 6 tháng trời đọc tư liệu về phù thủy, pháp thuật để viết 28 tập bộ truyện “Chuyện xứ Lang Biang”.

Ngoài việc đọc tư liệu phục vụ cho các tác phẩm, nhà văn lại chủ yếu đọc các sách kinh điển, sách công cụ là chính. Đọc tư liệu dù nhiều, trở thành người uyên bác đi chăng nữa mà tư tưởng không đổi mới, không sáng tạo thì cũng khó viết được tác phẩm chất lượng. Thế nên, không khó hiểu vì sao các nhà văn lớn trên thế giới vừa là nhà văn đồng thời là nhà tư tưởng như: Voltaire, J. J. Rousseau, J. P. Sartre, A. Camus (Pháp), Russell (Anh), J. L. Borges (Argentina), I. Calvino (Italy)… Cũng dễ hiểu vì tác phẩm văn chương là sản phẩm không chỉ của tài năng cá nhân mà còn chịu tác động của môi trường văn hóa, truyền thống tư tưởng… Chính vì vậy đọc sách và nghiên cứu về tư tưởng, văn hóa là cách nhà văn tạo ra nhân sinh quan và thế giới quan độc đáo cho tác phẩm của mình. Điều này làm cơ sở vững chắc cho “độ lớn” của tác phẩm vì không có tác phẩm văn chương lớn nào mà không có tính tư tưởng sâu sắc.

Về mặt kỹ thuật viết văn, sự học của các nhà văn rất đa dạng, không ai giống ai. Nhà văn Nguyễn Thi đọc nhiều văn học nước ngoài mô phỏng cấu trúc, từ ngữ nên nội dung tác phẩm Nguyễn Thi viết về đời sống dân dã nhưng giọng văn, ngôn ngữ lại mang tính hiện đại, ngày nay đọc vẫn còn rất thú vị. Patrick Modiano học kỹ thuật viết văn thông qua bậc thầy Raymond Queneau-chủ soái nhóm “Xưởng văn học tiềm năng” (Oulipo). Nhóm Oulipo nghiên cứu khoa học tự nhiên (toán học, số học, hình học, cấu trúc...) để áp dụng vào văn chương nên các tác phẩm họ rất độc đáo, kỳ lạ về cấu trúc văn bản, ngôn ngữ… Tác phẩm của Patrick Modiano tuy không “kỳ quái” như các nhà văn trong nhóm Oulipo nhưng nhờ học được kỹ thuật viết văn mới mẻ nên xây dựng nhiều thủ pháp phản ánh ký ức bí ẩn được bạn đọc ngợi ca.

Có thể nói rằng, làm nghề gì nghiêm túc đều cần tâm huyết, bỏ công sức, thời gian, có khi mất cả một đời người. Lao động của nhà văn tuy không đến nỗi quá bí ẩn nhưng cũng phải học suốt đời chứ không cứ phải dựa vào năng khiếu trời cho, tâm hồn mơ mộng lãng đãng như nhiều người lầm tưởng.

 

VIỆT PHONG