Hình ảnh ấy sẽ chẳng có gì đáng nhớ nếu như một đứa trong nhóm không chúi đầu, phồng má ra sức thổi vào chiếc bùi nhùi rơm đang cầm trên tay. Một ngọn lửa bùng cháy giữa tiếng hò reo của đám trẻ, nhen lên trong tôi những hoài niệm xưa cũ.

Ngày ấy, diêm hay bật lửa là những vật dụng xa xỉ, đâu sẵn như bây giờ. Mỗi nếp nhà thường có chiếc bùi nhùi rơm để giữ lửa dùng cho sinh hoạt. Trẻ nhỏ ở nông thôn chẳng cần ai dạy cũng đã quen tay, quen mắt với việc bện bùi nhùi. Bện bùi nhùi chỉ cần bó rơm cũ ấp ủ trong đống lớn ngoài vườn. Sau những ngày phơi nắng, phơi sương, thân rơm rạc khô, cầm vào cũng đã đủ mềm, đủ rối. Bàn tay ta nắm bó rơm cho thật chặt, bện chéo hai đầu như người phụ nữ tỉ mẩn tết tóc đuôi sam. Cái đuôi tóc bằng rơm rối óng lên màu vàng hanh hao nắng cũ ấy cũng không cần quá dài, chỉ ước chừng hơn hai gang tay người lớn. Quan trọng là bện cho chặt tay, bó rơm đủ đầy, thân cầm tựa bó đuốc là đủ âm ỉ nuôi ngọn lửa được nửa ngày rồi.

leftcenterrightdel
Lấy lửa bằng bùi nhùi. Ảnh minh họa/dantri.com 

Bùi nhùi rơm làm đơn giản vậy mà rất tiện dụng. Ngoài việc giữ lửa cho sinh hoạt gia đình, bùi nhùi rơm còn theo người lớn ra đồng. Ngày cánh đồng chuẩn bị lấy nước đổ ải, người lớn tranh thủ phát bờ, dọn cỏ. Đồng xa hun hút gió, nhìn đâu cũng chỉ thấy bàng bạc một màu nâu của đất. Những tay liềm xén cỏ ven bờ, tay cuốc phạt đất, đắp lại bờ dẫn nước. Cánh đồng xa trống vắng bao ngày xếp ải, nay lại bừng lên những thanh âm lao động hăng say, miệt mài.

Rộn nhất là lúc giải lao, các ông truyền tay nhau bùi nhùi rơm, vừa thong thả châm điếu cày vừa bàn chuyện đồng áng. Khói thuốc lào quấn quýt, tỏa lan trong không gian. Các bà cũng nhặt nhạnh được kha khá những gốc rạ đã khô còn vương đất trên mình. Nhận bùi nhùi rơm từ tay các ông, các bà đốt lên đống lửa ấp ôm nồng đượm đủ sưởi ấm những bàn tay khỏi buốt giá.

Đám trẻ con cũng học theo người lớn. Mỗi khi ra đồng chăn trâu, chăn bò, chúng tôi đều mang theo bên mình bùi nhùi rơm đang âm ỉ lửa hồng. Vừa cho trâu, bò ra bãi thả, đặt bùi nhùi vào nơi kín gió, chúng tôi túa đi nhặt củi. Bên cạnh mương nước, hàng bạch đàn vừa trút lá. Những tấm vỏ dày khô cong bong ra khỏi thân rơi đầy ven bờ. Cạnh những tấm vỏ bạch đàn, thi thoảng chúng tôi lại nhặt được cành bạch đàn khô rụng xuống từ bao giờ. Chỉ nhoáng cái, chúng tôi đã kiếm được đống củi to mang về chất đống trên bãi. Chúng tôi lựa đoạn bờ cao như bức tường để chắn gió, lấy những tảng đất ải đã khô để đắp chắn xung quanh chỉ chừa một lối đưa củi vào. Một lò sưởi tự nhiên được đốt lên từ ngọn lửa của bùi nhùi rơm trong tiếng hò reo thích thú.

Sưởi ấm chán, đám trẻ lại hò nhau đi mót khoai. Bãi khoai tây vừa dỡ cách đây một tuần còn vương vãi những thân cắt xếp dài trên mặt ruộng. Chúng tôi vạch từng đống thân ấy, mong tìm được một vài củ khoai còn sót lại. Ấy vậy mà cũng có đứa may mắn mót được cả vầng khoai nhà nào bỏ quên. Khoai mót được nhiều thì chúng tôi mang về, còn nếu chỉ được đôi củ thì bỏ ngay vào lò nướng. Khoai vùi than hồng chẳng mấy chốc đã tỏa mùi thơm nưng nức. Chúng tôi vội vàng bóc lớp vỏ cháy đen để lộ màu vàng ửng của khoai đã chín. Những miệng cười, những cái xuýt xoa vì nóng, thở vào không gian làn hơi lẩn khuất. Ngoài kia, đám trâu, bò như ủng hộ những đứa trẻ, ậm ò vang cả cánh đồng.

Bùi nhùi rơm gắn bó với ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ đồng làng xưa. Để đến bây giờ dẫu xa, tôi vẫn nhớ về một thời nâng niu chiếc bùi nhùi trên tay. Thời của khói rơm ướt nhèm mắt trẻ vậy mà vui, thổi bùng lên hơi ấm thật nguyên sơ, gần gũi và mộc mạc.

Tản văn của NGUYÊN ĐỨC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.