Hai tay này được chú ý bởi là vì trong đám lính trơn, một lớn tuổi nhất, một nhỏ tuổi nhất. Hình dáng lại gần như tương phản nhau. Cụ Lai cao một mét năm nhăm, nặng bốn mươi lăm ký, da đen, tóc thưa, mũi tẹt. Mặc bộ quân phục thắt dây lưng to bản nhìn như bó mạ. Còn Lai con lại cao đến một mét bảy lăm, nặng gần bảy chục ký, tóc dày, mũi to như Tây. Lai con từng là tiền đạo cắm của đội tuyển bóng đá xã. Hai tay này cùng xã, khác thôn, cùng nhập ngũ một đợt. Năm ấy, Lai con vừa tròn mười tám, còn cụ Lai nhập ngũ khi đã hăm ba tuổi, một vợ, ba con, đang là đội phó sản xuất hợp tác xã nông nghiệp.     

Cụ Lai bảo Lai con: “Mày to cao, ăn khỏe gấp bốn thằng khác. Mày xuống lĩnh chân nấu cơm, hằng bữa thế nào cũng được thêm miếng cháy!”. Do đã là đội phó sản xuất nên sau khi kết thúc khóa huấn luyện chiến sĩ mới, cụ Lai được điều đi học lớp nghiệp vụ ba tháng rồi trở về làm quản lý hậu cần ngay tại đại đội tôi. Nghe nói thế, Lai con đồng ý ngay. Thế là hai cụ con làm thành một cặp, rất ăn ý. Một đằng sổ sách tính toán, cân đong chia chác. Một đằng xách nước, bổ củi, cuốc đất, trồng rau, khuân vác, nấu cơm... gì cũng làm hết. Lai con gọi luôn cụ Lai là “cụ” xưng “con”. Lâu ngày, cả đại đội tôi cũng gọi theo thế. Thượng úy, Đại đội trưởng Nghiêm Xuân Yên, từng là bộ đội đánh Mỹ, quê ở Ba Vì, hồi ấy đã ngoài bốn mươi tuổi, quen mồm rồi cũng cứ cụ Lai, cụ Lai... như lính. Đại đội tôi chỉ có hai sĩ quan, ông Yên-Thượng úy và Thiếu úy Nguyễn Văn Lam, Đại đội phó, trẻ, chưa vợ nên bọn tôi gọi là anh. Hai ông sĩ quan cũng quần đùi, áo cộc ngồi ăn cơm chung với lính. Cũng kể chuyện tiếu lâm, đánh cờ thua-được cãi nhau ầm ĩ. Đến là vui!

*      *

*

Ở trong núi một thời gian, chúng tôi phát hiện ra một điều: Tại những nương rẫy bỏ hoang của đồng bào dân tộc có thể bòn mót được không ít thứ về ăn để thêm, như: Khoai lang, sắn, bí ngô... Công đầu việc này là Lai con. Vốn là một thằng rất ngoan, chăm chỉ, lại dưới sự rèn cặp của “cụ”, Lai con thành ra một chiến sĩ nuôi quân tiên tiến. Lai con lọ mọ đi hái rau rừng về nấu canh, tiện tay nhổ mấy cái dây khoai lang sót lại trên rẫy, thế mà ra cả dây củ to lúc lỉu. Còn món bí ngô mọc hoang bìa nương tuyệt hơn nữa, ăn ngọt thỉu... Từ ấy trở đi, lính tráng đại đội tôi khá no đủ, phởn phơ. Chiều đến còn dắt nhau xuống mãi dưới chân núi, chỗ mấy mảnh ruộng mới gặt của dân, đá bóng hò hét vang rừng. Lai con vốn có năng khiếu bóng đá, lại khỏe, dẫn bóng chạy trên ruộng mấp mô gốc rạ mà như chạy trên sân Hàng Đẫy! Nhờ có Lai con làm trung phong, đội bóng đá của đại đội tôi rất nổi tiếng, đá đâu thắng đó. Lính đại đội tôi có phần vẻ vang.

Minh họa: Quang Cường.

Họp chi đoàn, nhiều thằng giơ tay giới thiệu Lai con vào Đảng. Lai con có vẻ khoái. Nó chả từng kể với tôi là, bố nó bảo đi bộ đội thì phải phấn đấu vào Đảng rồi hãy về! Nhưng thực sự nó chưa biết phấn đấu nghĩa là thế nào. Lai con bèn tâm tư với cụ Lai. Bởi lúc bấy giờ cụ Lai đã là đảng viên, giảng giải ra vẻ hiểu biết: “Vào Đảng là phải có thành tích nổi bật. Kể như mày chỉ có môn đá bóng giỏi thì hơi khó. Môn ấy ai tính là phấn đấu! Phải xem làm cái gì cho thành tích. Để tao nghĩ đã nhé!”.

Hôm sau, cụ Lai đi bộ xuống bản, ôm về một chú lợn con lai kinh tế trắng hồng rất đẹp. Cụ Lai bảo Lai con: “Giao cho mày chăm nuôi, từ giờ đến Tết lớn lên, thịt ra bán bớt trả nợ giống, còn lại cả đại đội làm bữa tươi đón xuân thì thành tích lớn đấy con nhé!”. “Dạ vâng. Con xin lĩnh ý chỉ của cụ!”. Thì ra, cụ Lai xuống nhà người quen, nói sao đó, họ bán chịu cho một con lợn giống, cuối năm thịt trả. Chú ỉn con ấy lớn nhanh ra trò. Ỉn nặng cỡ hơn 70 ký hơi, phải ra 50 cân móc hàm. Đó là tính toán của cụ Lai. Cái này thì lính đại đội tôi tin tuyệt đối. Do có thâm niên mấy năm làm đội phó sản xuất nên “cụ” nhìn ra và đoán rất nhanh cân nặng của các con vật, từ chó đến gà, sai số chỉ một vài lạng. Cụ bảo: “Đến Tết âm lịch thì con này phải tạ chứ không ít. Thịt ra cả đại đội làm trận rượu lòng lợn, tiết canh đón xuân thì thôi rồi!”

     *      *

*

 Trung đoàn cho phép đại đội tôi thu quân từ các điểm chốt tạm về doanh trại chính nghỉ ngơi đón xuân. Lính nằm mấy tháng liền trên chốt xuống, tay nào tay ấy mặt vàng như nghệ vì ăn uống thiếu chất, thiếu rau và cả vì ít được tắm rửa. Về doanh trại, nhìn thấy chú ỉn chuẩn bị cho bữa tiệc đón xuân, tay nào cũng háo hức. Lòng râm ran nghĩ đến cảnh cả đại đội quây quần bên món thịt lợn tươi ngon, nóng hổi. 

Thế nhưng bỗng có một việc đột xuất. Đó là bố của Đại đội phó Lam đánh điện tín lên, xin phép đơn vị cho anh ấy về cưới vợ! Nhận được điện của bố, Đại đội phó Lam lập tức lên trung đoàn lấy giấy phép về xuôi. Dự kiến đám cưới sẽ diễn ra trước Tết một tuần. Nhưng đại đội phó cưới vợ thì phải có đại diện đơn vị về chúc mừng. Không thể không được. Bàn đi tính lại, Đại đội trưởng Yên quyết định cử cụ Lai thay mặt đơn vị về đám cưới Đại đội phó Lam. Bởi mấy lẽ, một là, quê của cụ Lai khá gần quê của Đại đội phó Lam, chỉ mất độ một tiếng đạp xe theo đê sông Thương là tới. Hai là, cụ Lai tuy là lính dưới quyền, nhưng mặt mũi già dặn nên có thể đóng làm “cán bộ”, lên hội hôn phát biểu dặn dò, “vui duyên mới không quên nhiệm vụ” được! Và ba là, đã lâu, cụ Lai cũng không được về thăm nhà nên cho đi phép nghỉ Tết luôn dịp này rất tiện. Còn công việc hậu cần bàn giao luôn cho Lai con trông nom ít bữa là yên tâm. Thế là cụ Lai về phép Tết. Khi giao chìa khóa kho gạo, mắm và sổ sách, tiền nong chi dùng cho Lai con, “cụ” dặn riêng: “Còn con ỉn phải để đợi tao Mồng 5 Tết lên mới được hạ nhé. Để làm bữa tiết canh cho nó đỏ cả năm!”.

*      *

*

Ngoài tiêu chuẩn ngày thường, mỗi thằng chỉ có thêm một cái bánh chưng và nửa cân thịt lợn muối mặn chát. Ngày Tết mà mặt mũi buồn thiu, bụng dạ vẫn cứ sôi òng ọc. Đã thế lại nghe quân báo nói, bên kia biên giới có hiện tượng đối phương chuyển quân. Đại đội trưởng Yên gọi với sang phòng quản lý nơi Lai con đang ở tạm: “Lai con ơi, sang tao bảo cái này. Mày xuống gọi các tiểu đội trưởng, trung đội trưởng lên nhà đại đội hội ý gấp!”.

Đại đội trưởng Nghiêm Xuân Yên nổi tiếng là người thương lính. Thì ra ông đang muốn thịt chú ỉn kia để cho lính tráng của mình được một bữa ăn Tết tươi trước khi lên chốt. Thế nhưng người chủ trì nuôi con ỉn tăng gia là cụ Lai lại chưa lên. Ông bèn đưa ra cán bộ chỉ huy họp bàn. Các cán bộ bàn nát nước mà không quyết được. Tôi lúc ấy là trung sĩ, tiểu đội trưởng, cũng được dự họp. Tôi bảo Đại đội trưởng Yên: “Cụ Lai không có đây thì đã có Lai con! Nó cũng có công chăm nuôi. Mà có khi công còn lớn hơn ấy. Mà nó đang phụ trách hậu cần còn gì? Đại trưởng cứ cho gọi Lai con hỏi ý kiến nó xem sao!”.

Lai con nghe vậy ấp úng, không biết nói thế nào. Tôi ngồi gần bèn ghé tai xui: “Mày quyết thịt đi, để cho quân ta làm bữa tươi rồi lên chốt. Nhỡ mai "ùng oàng" thằng nào cõng được con lợn tạ mà chạy? Thịt béng đi cho anh em nó ăn. Nó nhớ mày, họp kỳ tới kiểu gì cũng trăm phần trăm kết nạp! Còn cụ Lai về quê ăn Tết nhờn mép, thiết gì nữa!”.

Đòn bồi của tôi thế mà hiệu nghiệm. Lai con đồng ý phắt. Cả đại đội tôi hơn trăm thằng tưng bừng như nhà có giỗ. Thằng đun nước. Thằng mài dao. Thằng pha muối hãm tiết. Thằng ra rừng hái lá thơm, gia vị... Cứ rộn ràng cả lên. Tết năm ấy, chúng tôi được bữa nhớ đời. Bữa tiệc Tết ngon nhất đời lính. Ăn miếng thịt lợn nóng hổi, thơm phức ấm cả chân răng. Mà đúng sáng hôm sau đã có lệnh lên chốt ngay...

Mồng 5 Tết cụ Lai lên. Nhìn cái chuồng trống hoác, mấy túm lông trăng trắng, hồng hồng còn vương vãi đâu đây, cụ hiểu. Cụ đi thẳng vào phòng quản lý, ném ba lô đánh uỵch xuống sạp. Lai con ấp úng: “Con... con... con để phần cụ cái chân giò đây...”. “Vứt mẹ nó đi! Đồ... đồ...”. Vừa lúc Đại đội trưởng Yên bước vào nên cụ Lai cố kìm lại không văng ra tiếp. Đại đội trưởng Yên bèn ôn tồn giải thích mọi việc. 

Tưởng chuyện thế là qua, nhưng không. Kỳ họp xét kết nạp Đảng đợt ấy, cụ Lai dứt khoát không đồng ý trường hợp Lai con, nói để phấn đấu, rèn luyện thêm. Ai nói thế nào cũng không nghe. Mà cụ Lai chính là người được phân công giúp đỡ Lai con. Thế là chịu cứng.

Sau vụ đó, Lai con tức khí, lên quân lực trung đoàn xin đi đơn vị khác. Đi lên chốt tiền tiêu cũng được. Nó tức cụ Lai nhớ lâu thù dai, chỉ vì chuyện con ỉn mà dìm không cho nó vào Đảng. Mấy tháng sau, tôi cũng được điều về đơn vị khác. Rồi ra quân. Rồi đi học, đi làm. Chuyện con ỉn, chuyện cụ con ông Lai tôi cũng quên bẵng...

Thế rồi dịp gần đây tôi về hưu nhàn rỗi bèn tham gia mạng xã hội. Tôi kết nối được với rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đơn vị cũ. Chúng tôi hò hẹn nhau tổ chức gặp mặt thường niên để ôn lại những ngày gian khổ xa xưa.

Năm vừa rồi chúng tôi gặp mặt tại trang trại nhà... Lai con! Chả là sau khi ra quân, Lai con bung ra kinh doanh, rất giỏi, thành đại gia, có doanh nghiệp lớn làm ăn hiệu quả. Hắn mua đất làm trang trại ở quê, bảo chỉ để lấy chỗ đi lại, gặp gỡ đồng đội cũ.

Hôm ấy Lai con sai người nhà làm thịt vài con lợn rừng nuôi sẵn trong trang trại, đủ các món. Tất nhiên là lính tráng thì không thể thiếu món tiết canh, lòng lợn nhắm rượu. Lúc vào mâm, Lai con trịnh trọng đứng dậy nâng chén rượu lên: “Tôi xin giới thiệu với các đồng đội đạo diễn của bữa tiệc lợn rừng hôm nay”.

Một tay đàn ông già, đầu trọc lốc cười cười bước từ trong nhà ra. Một thoáng sững sờ. Chúng tôi đứng hết dậy, hét to: Cụ Lai!

Thành ra sau khi ra quân, cụ Lai về xã công tác, lên đến chức chủ tịch UBND xã. Oách phết! Thế nhưng rồi bị dính vào vụ bán đất vượt thẩm quyền cho dân. Dù là để lấy tiền xây điện, đường, trường, trạm, vẫn bị kiện. Giải trình mãi không xong, bị kỷ luật nặng. Biết chuyện, Lai con đến đón về làm tại trang trại hắn mới mở thêm ở quê.

 Cụ Lai gật gù cái đầu trọc lốc nói, đời may rủi, rủi may không biết đâu mà lần được. Cơ mà căn bản là phải giữ được cái tình...

 

Tôi ngồi nhấm nháp chén rượu quê thơm nồng, ngắm đồng đội cũ đang hân hoan chúc tụng nhau. Tôi gắp miếng thịt lợn ba chỉ hấp cho vào miệng. Một mùi thơm ngọt ngào lừng lên trong mũi, miệng. Bỗng tôi cảm thấy mình như vẫn đang trong bữa tiệc thịt lợn đón xuân trên biên giới năm xưa...

Truyện ngắn của TRẦN THANH CẢNH