“Anh, hay là để em đi đón cha!” Tiểu Long vừa dắt xe đạp ra cửa vừa tỏ vẻ lo lắng.

Đại Long giằng lấy chiếc xe : “Để anh đi, em và mẹ ở nhà đợi”. Nói xong, Đại Long liền nhảy lên xe lúc trời vẫn lất phất mưa, nó men theo đường núi có nhiều khúc cua, khuất dần.

“Anh, áo mưa của anh này…”, khi Tiểu Long lấy áo mưa từ trong nhà mang ra đã không thấy Đại Long đâu.

“Mẹ, anh con đi đón cha rồi”. Tiểu Long quay vào nhà nói với người mẹ mù lòa - “Mẹ đừng lo, chắc lát nữa cha sẽ về”.

Người mẹ lần sờ rồi đứng dậy, bà vịn vào Tiểu Long, đi về phía bậu cửa - “Đúng ra, lúc này bố con phải về rồi!” - Bà thở dài, quay ra nói với con: “Có lẽ cha con đến nhà dì Ba, dì con đã hứa cho mẹ mượn mười nghìn nhân dân tệ!”

“Đợi con và anh học xong đại học, chúng con sẽ đón cha mẹ lên thành phố hưởng cuộc sống an nhàn!” - Tiểu Long vừa nói vừa kéo chiếc ghế gỗ cho mẹ ngồi.

Người mẹ cười rơi cả nước mắt: “Con ngoan, vậy mẹ và cha con sẽ trở thành người hạnh phúc nhất làng”.

“Đương nhiên rồi, ai bảo mẹ sinh ra hai đứa con đều trúng tuyển vào đại học!” - Tiểu Long trò chuyện cùng mẹ nhưng mắt không ngừng liếc nhìn về phía đường cái.

Trời tối, nhà nhà đã lên đèn.

Đột nhiên, ngoài cửa có tiếng huyên náo. Mấy người dân nhờ ánh đèn pin yếu ớt , kéo một chiếc xe cải tiến vội vàng lao vào giữa cửa.

“Chị ơi, có chuyện rồi. Xe chở đá anh nhà lái đã lao xuống vực…” -  trưởng thôn hớt hải báo tin.

Tiểu Long lao ra phía ngoài, người mẹ cũng run rẩy theo ra ngoài cửa.

“Mẹ, cha đã…” - Đại Long ướt sũng nước mưa, hai tay vẫn nắm chặt càng xe.

Trên xe cải tiến là người đàn ông trung niên, toàn thân vấy đầy máu.

“Cha, cha làm sao thế?” - Tiểu Long thốt lên.

“Anh làm sao vậy, anh ơi….”, người đàn bà mù cuống cuồng lần sờ cơ thể chồng mình.

Thế rồi những tiếng khóc thê thảm cất lên trong đêm tối .

Ngày thứ ba, người dân trong làng mang quan tài lên núi, một ngôi mộ mới mọc lên.

Sau khi an táng cho chồng xong, đêm ấy bà mẹ mù gọi hai đứa con trai đến và lấy ra một bọc giấy để lên bàn, bảo :“Đại Long, Tiểu Long, ngày kia là đến ngày các con nhập học, hai mươi nghìn nhân dân tệ này các con chia nhau mà dùng!”

Ảnh minh họa.  
“Mẹ, con không học đại học đâu, con ở nhà với mẹ” - Tiểu Long nước mắt giàn giụa, cả người như muốn ngả vào lòng mẹ.

“Mẹ, con không đi học nữa, nếu chúng con đi hết, thì một mình mẹ phải xoay xở thế nào? Vả lại, hai đứa học mất nhiều tiền lắm…” - Đại Long đứng dậy, nắm chặt đôi bàn tay thô ráp của người mẹ.

Người mẹ đẩy hai đứa con ra xa và quát lớn: “Hai thằng súc sinh, chúng bay muốn làm mẹ tức chết phải không? Cha các con vừa mới mất được ba ngày, các con đã không nghe lời mẹ, phải kông? Trời ơi…”.

“Thôi, mẹ đừng khóc, cha không còn nữa, nhà mình làm gì còn nhiều tiền cho chúng con học đại học? Để anh con đi học, con ở nhà làm việc kiếm tiền”.

“Làm thế sao được, anh là anh, phải thay cha lo liệu việc gia đình. Tiểu Long nên đi học! Mẹ, sao mẹ không nói gì?”

Lời qua tiếng lại, Đại Long và Tiểu Long muốn thuyết phục nhau, ánh mắt với vẻ thỉnh cầu, chúng hướng về phía người mẹ. Lúc này, người mẹ vội quay mặt đi, mắt đỏ hoe trông ra cửa sổ.

“Thình” một tiếng, Đại Long và Tiểu Long đều quỳ xuống trước gối người mẹ, ba mẹ con nước mắt đầm đìa. “Cha của các con ơi, em phải biết làm sao đây?”- “Mẹ đừng lo, chúng con sẽ bốc thăm quyết định xem ai đi học đại học” - một lúc lâu sau Đại Long mới nói.

“Mẹ, để anh con đi học, còn bốc thăm gì nữa?”

Hai anh em cãi qua cãi lại vẫn không có kết quả. Lúc này, bà mẹ sau khi đắn đo đã đưa đến quyết định: “Hai con là hai anh em sinh đôi, sinh trước sinh sau là do ý trời. Bây giờ, ai được đi học ai không được đi học, cũng đành phải theo ý trời vậy”.

“Bốc thăm thì bốc thăm. Nhưng, ai thắng người đó sẽ đi học” - Tiểu Long suy nghĩ trong giây lát đã đồng ý. Nó nghĩ, từ nhỏ tới lớn, mỗi khi chơi trò bốc thăm, anh trai đều là người thắng, lần này chắc anh cũng sẽ thắng.

“Mẹ, để con đi tìm chú trưởng thôn, mời chú làm chứng!” - Nghe lời mẹ, Đại Long lập tức bước ra khỏi cửa. Một giờ sau, Đại Long và trưởng thôn cùng bước vào nhà.

Sau khi ngồi, trưởng thôn lấy ra hai mảnh giấy, viết chữ lên đó và vo viên lại.

“Hai mảnh giấy này, một mảnh là chữ  “thua”, mảnh kia là chữ “thắng”, “thua” sẽ ở nhà, “thắng” sẽ đi học đại học. Đại Long, Tiểu Long, đứa nào bốc thăm trước đây?”- trưởng thôn tung hai mảnh giấy được vo viên lên bàn, mắt lim dim chờ đợi, rồi châm lửa hút một điếu thuốc.

Đại Long và Tiểu Long nhìn nhau.

“Anh em mình cùng bốc!”

“Được!”

Hai anh em nhắm mắt, mỗi người bốc lấy một mảnh giấy được vo viên.

Tiểu Long là người đầu tiên đưa giấy cho trưởng thôn. Trưởng thôn mở giấy ra xem, trên mảnh giấy nhầu nhĩ là một chữ “thắng”. Tiểu Long ngây người ra, ngồi phịch xuống ghế, lúc này, bà mẹ dò lần và ôm nó vào lòng…

Trưởng thôn mở mảnh giấy còn lại, liếc nhìn một cái, miệng bật ra chữ “thua”, rồi lập tức quẹt một que diêm đốt cả hai mảnh giấy. Nhìn hai mảnh giấy cháy, Đại Long rơi lệ.

Hai hôm sau, Đại Long gánh hành lý đưa Tiểu Long ra bến xe.

Mấy ngày sau nữa, người mẹ đến thắp hương cho người nằm dưới mộ. Ai ngờ, vừa đến gần mộ phần đã nghe có tiếng một người đàn ông lẩm bẩm :“Anh ơi, xin anh đừng trách em độc ác, Đại Long quỳ dưới chân em mãi không đứng dậy, em đành phải viết hai chữ “thắng”…anh ơi, ai bảo quê mình nghèo!”

“Đại Long, con ơi……”, trong giây lát, tiếng khóc của một người đàn bà vọng vào đá núi…

KIM GIANG (dịch từ truyện ngắn của Đới Hiểu Đông,Trung Quốc)