Đang khi kéo nước lên, Minh nghĩ đôi tay bà Hoa run run trên thành giếng. Gầu nước trong vắt như mắt mèo mát lạnh phả vào mặt, vào cổ… nỗi nhọc nhằn bức bối đường xa loãng tan ra. Lâu lắm rồi chưa khi nào mình được cười thư thái như hôm nay. Ngay bên giếng nước của mẹ, Minh nhận thấy dễ gì có nơi nào bình yên hơn thế!
- Minh đấy hả con? Về hồi nào mà không báo cho mẹ biết?
- Mẹ! Minh quay người, hai tay buông thõng mặc cho gầu nước giữa chừng rơi tự do cứ thế chảy trở lại giếng. Minh chạy vội về phía bà Hoa, ôm choàng lấy tấm thân gầy rộc của bà trong khi đôi tay bà Hoa run run như đang lên cơn sốt đưa ra đón tay Minh. Một cảm giác ấm áp, thân tình mà sợ hãi, chơi vơi trong huyết quản cứ thế lan tỏa chảy dần từ những ngọn tóc, đỉnh đầu xuống tới bàn chân như dòng nước mát lạnh từ giếng phả vào người.
***
Bà Hoa thôi không nuôi giữ trẻ làng Nhân nữa. Bà đã già nhưng vẫn giữ nếp quen cũ. Buổi chiều nhạt nắng, tranh thủ ra đồng thăm đám khoai lang sắp đến ngày dỡ. “Dạo này giáp hạt, chuột đồng ra phá nhiều quá!”. Bà chép miệng. “Cái Hà nhà bác Tường cưới chồng rồi đấy. Nghe đâu nó lấy người mãi tận ngoài Hưng Yên cơ. Hai đứa công tác gần nhau. Hôm nọ đưa nhau về quê có đến chơi với mẹ và hỏi thăm con. Gớm! Người ta có cặp có đôi, có cháu bế cháu bồng. Anh thì liệu liệu đấy. Anh đi rồi còn mỗi thân già tôi sáng trưa chiều tối vò võ!”.
- Mẹ. Thì cũng để từ từ con tính mà. - Minh nói.
 |
Minh họa: Phạm Hà. |
Bà Hoa ngoảnh mặt đưa tay lên quệt ngang mày, không biết là nước mắt hay mồ hôi nữa! Từ lâu, Minh biết mẹ có ý giục cưới vợ. Nhưng lần này, tự thấy lòng mình có lỗi nhiều hơn. Được mẹ nuôi nấng chăm bẵm mà chưa làm tròn bổn phận để mẹ an lòng. Gốc sơ ri bà Hoa nói có người trồng gần giếng nước làng Nhân trước khi có Minh như một chứng tích nhắc nhớ tội ác giặc lái Mỹ đối với miền quê yên tĩnh này. Cái sân gạch cũ với mấy bậc thềm nhà bà Hoa Minh trèo lên tụt xuống ngày xưa giờ đây vài chỗ trơ tróc rêu phong bám xanh biếc. Cây sơ ri như lời nhắc nhủ Minh lòng mẹ bao dung che chở cuộc đời. Như điểm tựa cho con chim non mất mẹ nhớ về tổ ấm. Lòng Minh nhớ về những ngày xa vắng ấy…
***
Ngày ấy, Minh lạc mẹ bên gốc sơ ri gần giếng nước làng Nhân. Đúng ra là vĩnh viễn mất mẹ từ chiều hè rực lửa năm ấy, trong chuyến hành trình dài từ miền quê Minh cùng mẹ đi thăm bố. Bố Minh là bộ đội pháo cao xạ, đóng quân sâu phía trong chân núi bảo vệ phà. Minh kêu khát nước và mỏi chân. Mẹ dẫn vào chỗ đông người bên giếng làng Nhân xin nước uống. Mẹ vừa đưa nón vục xuống giếng múc đã có tiếng quát to sau lưng:
- Này nhà chị! Ai cho phép chị lội xuống giếng còn thả cả nón xuống?
Minh ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì trong khi mẹ Minh cố gắng đứng dậy giải thích thì người đàn ông sấn tới lôi cả người cả nón lên bờ.
- Đây là giếng thiêng của làng. Bất kỳ ai cũng không được dùng nón múc nước.
Nói đoạn, ông ghé đôi thùng làm từ mảnh hợp kim nhôm cánh máy bay múc lên cho hai mẹ con.
- Đấy! Khát thì uống đi. Uống cho thỏa. Lần sau nhớ lấy!
Trong tiềm thức Minh luôn nhớ khuôn mặt ông khó đăm đăm, miệng mắng xơi xơi nhưng lại cố giúp mẹ con Minh. Việc của ông cũng là đang giữ cho giếng thiêng của làng sạch sẽ. Minh nép vào người mẹ, sợ hãi. Mẹ cười xòa xởi lởi xin lỗi và cảm ơn. Ông ta không hỏi gì thêm, chỉ gánh nước mang về. Sau này Minh biết đấy là ông Sơn thọt chân, làm xã đội phó bắn máy bay giỏi nhất làng.
Cạnh giếng làng Nhân, cây sơ ri rực chín trên cao, mẹ ngả nón cố với lên hái cho Minh mấy quả chín mọng dỗ dành: “Sắp đến nơi bố ở rồi đấy!”.
Chợt có tiếng còi báo động máy bay. Như một phản xạ tự nhiên có điều kiện, mọi người nháo nhào, mẹ hớt hải kéo tay Minh chạy. Không kịp nữa rồi. Mẹ kéo tay Minh ngồi thụp xuống rồi choàng người đè lên che chắn cho con. Minh nghe rõ tiếng mảnh đạn xeo xéo qua đầu. Tiếng nổ đinh tai nhức óc ngay bên bờ giếng phá vỡ một mảng rộng. Vài đôi thùng gánh nước vứt tung tóe khắp các bậc giếng. Những chiếc đòn gánh vỡ toác. Mặt đất dựng ngược mùi khét lẹt. Trời chiều nát băm loang đỏ cỏ cây. Cây sơ ri chỉ gãy mấy cành, vẫn đứng yên như vô sự.
Im ắng quá. Minh cố trườn ra khỏi tay mẹ vì rát mặt và khó thở. Mắt mẹ vẫn mở to nhưng nét mặt đau đớn. Một dòng máu loang dần thấm ướt cả áo. Minh lay gọi mà mẹ không nói câu nào. Tay mẹ vẫn quắp chặt cơ thể Minh. Có tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch, rồi tiếng người lớn hô hoán. Tai Minh còn ù đặc. Mấy người chạy vội đến lật mẹ ra, dòng máu từ lồng ngực mẹ Minh túa ra. Một người đàn ông cầm tay kéo lên, xốc nách Minh chạy đi và giao cho một người phụ nữ ngồi dưới căn hầm cùng với mấy đứa trẻ khác. Minh ngoái lại thấy người lớn cáng võng đưa mẹ đi. Minh hoảng loạn, gào khóc. Tiếng khóc rấm rứt chìm dần trong tiếng loa phóng thanh, tiếng gầm rú những đợt oanh kích. Người phụ nữ trông chừng nhắc: “Con ở đây với cô. Không được đi ra ngoài nguy hiểm lắm”.
Minh muốn đi tìm mẹ. Minh sợ khi màn đêm buông xuống làng Nhân, cố im bặt theo theo lời cô nhưng nước mắt cứ chực trào ra. Trong giấc ngủ chập chờn, Minh vẫn nấc những nhịp dài…
***
Mẹ Hoa-cô giáo giữ trẻ làng Nhân-làm mẹ Minh từ đó. Mẹ cũng không có đứa con nào ngoài Minh. Nhà chỉ có bà ngoại và mẹ Hoa. Minh được sống trong ngôi nhà mẹ Hoa, trở thành con mẹ Hoa và cháu ngoại bà. Minh yêu quý cả hai người. Mẹ Hoa chăm chút rất kỹ và thường kể cho Minh nghe về những người thân yêu. Thì ra, người mẹ yêu cũng là một anh bộ đội pháo cao xạ đóng quân ở làng Nhân, người dong dỏng cao, có hàng ria mép giống Minh. Ông đã hành quân tham gia Chiến dịch Quảng Trị đóng quân ở Cồn Tiên, Dốc Miếu. Ngày đi cũng vào một ngày bóng chiều nhập nhoạng tối. Rồi biền biệt không thấy về nhà nữa. Gốc sơ ri bên giếng là các anh bộ đội pháo cao xạ trồng, lên xanh tốt, năm nào cũng trĩu quả. Nhưng chính xác là người nào trồng cây sơ ri thì mẹ không nói, không kể. Hẳn nào mỗi lần ra giếng gánh nước, mẹ Hoa đứng tần ngần hồi lâu, nhìn không chớp mắt vào một cõi vô định...
Và những ngày Minh đi vắng, mẹ Hoa lặng lẽ cất công đi tìm. Tìm ai thì chỉ có mẹ mới biết. Mẹ vào đến tận Vĩnh Linh, vào Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn rồi quay về quê. Đi nhiều nơi nhưng nơi đâu cũng có những nấm mồ với dòng chữ “Tên anh đã hóa thành tên đất nước” mà không có cái tên cụ thể nào.
Minh chưa biết mặt bố, cũng chưa biết đơn vị bố. Không biết ông còn sống hay chết. Nếu còn sống, bố có trở về làng cũ tìm mẹ con Minh không? Tất cả chỉ mơ hồ trong ước nguyện. Nhưng Minh biết rõ mình không biết quê hương ở đâu nữa mà tìm về. Với Minh, làng Nhân là quê hương. Mẹ Hoa là mẹ của Minh. Minh có mẹ Hoa và bà ngoại. Có bạn bè và ký ức tuổi thơ đớn đau giằng xé ở làng Nhân. Những câu hỏi thường ngày cứ miên man trôi và muốn đi tìm sự thật. Minh mất mẹ vĩnh viễn từ chiều Mỹ ném bom ấy khi chưa ai cho biết mẹ con Minh là ai, ở nơi nào đến và vì mục đích gì. Chiến tranh là thế. Thường đem đến sự chia lìa oan khuất mà nhiều năm sau đó thân phận con người như nước chảy bèo trôi. Chỉ biết có mẹ Hoa và người làng Nhân với gốc sơ ri già bên giếng nước thiêng liêng.
***
Minh ngẫm nghĩ cái giá phải trả của cả dân tộc này vì độc lập, tự do mà bất cứ thân phận nào trong thời đại đó đều phải thế. Vì cuộc trường kỳ kháng chiến giành độc lập mà bao lớp người bằng mọi giá phải bảo vệ mảnh đất làng Nhân, trong đó có bố mẹ Minh và cả mẹ Hoa nữa. Định buông dây làm thêm gầu nữa cho thỏa nhưng thôi. Minh quyết định lần này sẽ nói hết mọi suy nghĩ cùng mẹ Hoa và cùng mẹ tiếp tục cất công tìm kiếm. Tìm cho được quê hương của mình và bố mình. Nếu bố còn sống trở về thì đưa bố đến làng Nhân mà tạ ơn. Nếu không may bố đã mất thì đi tìm nơi an táng, rồi lúc ấy hãy nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Minh rời khỏi nhà cuốc bộ ra triền đồi hoang với đám trẻ thả diều, lòng dậy lên những miền ký ức ngập nắng nhưng đầy chơi vơi vì đến khi nào mới tìm lại được quê hương và tìm được bố. Câu trả lời quá khó này trải vào nắng cuối chiều buông năm ấy dội về như những thước phim ngắn miên man trôi. Đi trong hương gió cuối ngày nắng đẹp đầu mùa, con người ta dễ bị dẫn dụ rồi buông lòng bởi nỗi xúc động xao xuyến với hoàng hôn. Minh nhận thấy trong ánh nhìn của mình có bóng chiều xuộm vàng rớt lại cuối đường chân trời một màu tím rịm. Tự mình trở về thời lũ trẻ, ngắm ngợi ánh chiều buông với sắc màu tím phía chân trời mà thả hồn vào đấy rồi dạo quanh xóm nhỏ như một thói quen. Có lẽ giờ nấu cơm chiều nhiều nhà đã xong. Những con chim chìa vôi đuôi trắng ngoài rìa làng thi nhau nâng cánh vồn vã ngang qua thao trường pháo cao xạ cũ vạch hướng đường chân trời bay về tổ. Ngoài kia, lác đác vài nhà đã lên đèn!
Truyện ngắn của NGUYỄN MINH ĐỨC