Vẫn còn đây bên bờ hữu sông Thái Bình phiến đá mà trên đó khắc những dòng chữ ghi lại sự kiện vỡ đê năm 1971. Cách đây 53 năm, vì đoạn đê vỡ này mà có tới 44.500ha thuộc các huyện Lương Tài, Gia Bình, Thuận Thành (nay là thị xã) của tỉnh Bắc Ninh và một phần tỉnh Hải Dương bị ngập lụt nặng nề.
Đứng bên phiến đá, dòng suy nghĩ của tôi mải miết trôi theo dập dềnh cuộn đỏ phù sa. Nước sông vẫn đang áp sát thân đê. Bao cảnh sắc quen thuộc bấy lâu giờ đang nằm dưới màu nước đỏ.
|
|
Mực nước sông Thái Bình liên tục dâng cao, đến sáng 10-9 đã vượt mức báo động 2. Ảnh: BÁO HẢI DƯƠNG
|
Bên con đê này, nhờ nhiều năm không có nước lên cao mà phù sa cứ thế lặng lẽ lắng bồi, đẩy dòng chảy ra xa. Bà con các xã Lai Hạ, Minh Tân của huyện Lương Tài và Cẩm Văn, Đức Chính của huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) được thiên nhiên ban tặng một dải phù sa bát ngát, mỡ màu. Trên đó, sau mùa xanh bời bời lá, những củ cà rốt óng màu cam, đều chằn chặn được xếp trên mặt luống khi thu hoạch. Nhiều gia đình thoát nghèo, ấm no, thậm chí giàu lên nhờ cà rốt. Khu vực này trở thành vựa cà rốt lớn của miền Bắc, xuất hiện nhiều trên báo chí, được các đoàn của Trung ương, địa phương đến tham quan, tìm hiểu. Vậy mà, sau những ngày lũ lớn, phía dưới chân đê, dọc dài phù sa và những ruộng cà rốt nay mất dạng, chỉ còn lúp xúp vài ngọn chuối lắt lay trong gió.
Bên điếm canh đê thuộc xã Lai Hạ, vài chiếc ô tô dừng lại. Cứ ngỡ vẫn có lệnh cấm ô tô di chuyển trên đê, hóa ra đó là nơi có vài người đang mướt mải mồ hôi bán cá. Lồng bè nuôi cá trên sông Thái Bình quanh khu vực này khá nhiều. Bão số 3 đến, rồi lũ lên, nước phù sa cuộn đỏ, có những lồng bè mất trắng, những lồng còn lại cũng không thể giữ cá sống lâu nên phải bán tháo. Chẳng thế mà trên đê Thái Bình đoạn chạy qua TP Hải Dương, mỗi con cá chép chừng 2kg chỉ có giá 30.000 đồng.
Trạm bơm Văn Thai không yên ắng như trước đây mà hôm nay ồn ã tiếng máy vận hành, bởi hai trong số 8 tổ máy bơm đang hoạt động. Bên ngoài cửa xả, mấy người đàn ông bì bõm lội ngang ngực nước, nét mặt hớn hở mỗi khi kéo tay lên với con cá đành đạch giãy. Một người đàn ông đứng cạnh nói với tôi: “Nhiều điểm ở xã Cẩm Văn cũng ngập nên trạm bơm phải hút nước ra sông. Cá ở ao trong làng thoát ra ngoài nhiều, tiếc lắm!”. Tôi thấy nét mặt anh vừa lo lắng, vừa đượm buồn, như thể nhà anh cũng vừa có cá tràn ao.
Mặt sườn đê phía xã Đức Chính ngày nào rực rỡ màu hoa xen lẫn các vạt cây lá nhiều màu sắc, được bà con nhân dân địa phương trồng để tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp, nay “trọc lốc”. Có lẽ, việc quan trọng hơn trong những ngày lũ lớn là phải kiểm soát chặt chẽ tình trạng thân đê, nên “cạo trọc” sườn đê là cách giúp phát hiện, xử lý sớm mạch dò cũng như quản lý “sức khỏe” của con đê.
Đi dọc dài con sông Thái Bình đã nhiều năm, đôi lúc tôi thấy những bụi tre già nằm dưới chân đê như thừa thãi, bởi cái suy nghĩ rằng bao năm rồi nước sông đâu có dâng cao. Hôm nay tôi nhận ra mình đã nhầm, bởi trong đợt mưa bão, lũ lụt của những ngày tháng 9 này, những búi tre lặng lẽ, khiêm nhường kia lại lĩnh sứ mệnh dựng thành dựng lũy. Mềm mại mà vững chãi, dẻo dai, những thân tre đã chắn che, bao bọc cho con đê trước gió giật, lũ cuốn, sóng dồn.
Nắng đã lên, nước cũng dần rút, để lộ những cành tre ngâm trong lũ nay đã thâm đen, quắt lá. Lòng bâng khuâng trước cảnh sắc và những câu chuyện bên dòng sông cuộn đỏ, để rồi tôi thầm mong và thêm tin tưởng, khó khăn sẽ sớm qua đi, dải phù sa sẽ mỡ màu hơn trước, cà rốt tiếp tục lên xanh, để những tiếng cười giòn tan lại vang lên, mang cái hân hoan lan theo gió sông lồng lộng. Rồi chẳng bao lâu nữa, những bụi tre vừa bị bão lũ dập vùi cũng sẽ lại tốt tươi, vững chãi, như cách chúng đã tồn tại cùng đất, cùng người, cùng dòng sông thân thuộc nơi đây suốt bao năm tháng...
Tản văn của PHẠM HOÀNG HÀ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.