Những vị thần nào làm việc nghĩa, tốt đẹp cho cộng đồng, đến đứng cạnh cây, mùi hoa tỏa ra càng thơm hơn. Ngược lại, ác thần nào cố ngắt cành, bẻ hoa, cây liền héo rũ, thần đó sẽ gặp thất bại. Từ đó con người lấy hoa lá nguyệt quế làm vòng biểu trưng cho giải thưởng, chỉ có thần linh mới được đội lên đầu; về sau mở rộng được trao cho những người chiến thắng trong những cuộc thi đấu thể thao và thi ca. Điều đó nghĩa là những người được nhận thưởng cũng vĩ đại như thần linh vậy.

Đi vào văn minh nhân loại, khái niệm “giải thưởng” hầu như giữ nguyên nghĩa ban đầu, chỉ hình thức vinh danh sự xuất sắc trong một lĩnh vực nhất định nào đó. Chiểu theo nghĩa nguyên thủy, giải thưởng là sự trong sáng, thuần khiết, mang tính lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp. Đến nay nhân loại vẫn quan niệm thế, nhưng có nơi, có lúc lạm dụng nên tính thiêng giảm nhiều.

 Ảnh minh họa: vov.vn

Với quan niệm đề cao giá trị tinh thần, cha ông ta dùng giải thưởng để khuyến khích, nhân lên những điều tốt lành. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú cho biết, ngoài các tặng vật khác, nhà vua ban thêm cho các tiến sĩ cành hoa bạc rất đẹp. Có thể hiểu “cành hoa bạc” này mang ý nghĩa như “vòng nguyệt quế” vậy. Câu tục ngữ “Trăm đồng tiền công không bằng đồng tiền thưởng” như làm sáng hơn ý nghĩa giải thưởng, động viên, thúc đẩy, nêu gương để cùng vươn tới những nét hay, nét đẹp, nét cao quý. Hiện giới khoa học quốc tế đánh giá cao Giải VinFuture của Việt Nam, không chỉ tôn vinh những đóng góp cho thành tựu nhân loại mà còn thúc đẩy khát vọng nghiên cứu, tạo cơ hội cho giới khoa học Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Trong lịch sử, giải thưởng từng bị lạm dụng hoặc dùng thiếu cân nhắc, thiếu tinh tế nên bị mờ nghĩa, sai nghĩa hoặc hiểu lầm, kể cả giải Nobel. Năm 1974, Giải Nobel văn học được trao cho đồng tác giả Harry Martinson và Eyvind Johnson, cũng là thành viên của hội đồng xét giải. Không biết có phải áp lực vì điều tiếng hay vì nhiều chuyện khác mà năm 1978, Harry Martinson tự tử một cách rất thảm thương. Vụ việc này để lại bài học khi xét, trao giải, nhất là giải văn học phải rất kỹ lưỡng, thận trọng, cân nhắc sao cho thấu tình đạt lý.

Những năm qua, việc trao giải thưởng văn học hằng năm của ta đã tôn vinh những tác giả tài năng, góp phần quảng bá, tạo sự lan tỏa các giá trị đạo đức, nhân văn... Là đất nước yêu văn chương đến mức “thiêng hóa” (ngày xưa, khi đọc sách, các cụ ta thường đốt hương trầm để nhập tâm, thưởng thức), giải thưởng càng nên được bảo đảm minh bạch, vô tư cao nhất. Ai cũng có thể viết văn, in sách, nếu hay, sẽ được nhận giải thưởng. Điều ấy biểu hiện một tinh thần dân chủ cần ủng hộ, hơn nữa, nghĩa gốc của “văn” là đẹp, “chương” nghĩa là rực rỡ nên còn khuyến khích hướng về cái đẹp, cái tốt, cái thiện. Vì vậy, chúng ta hoan nghênh những tác giả ở mọi ngành nghề đóng góp giá trị văn hóa cho đất nước bằng các tác phẩm văn học xuất sắc.

Mấy năm gần đây, một số doanh nhân được nhận giải thưởng văn học hằng năm, là tín hiệu tích cực. Nhưng để “trong sáng hóa” và tránh mọi dị nghị, nên chăng tổ chức hội nghề nghiệp xét giải nghiên cứu có thêm giải phụ để ghi nhận, tri ân những đóng góp tài chính của những “mạnh thường quân”. Nếu tác phẩm mang tính ảnh hưởng lớn, xã hội đồng thuận cao, ngoài nhận giải phụ, tác giả vẫn được nhận cả giải chính thức.

Không chỉ là thước đo tài năng của tác giả, giải thưởng văn chương cũng là thước đo tâm-tài của hội đồng trao giải, rộng hơn thể hiện tầm văn hóa của đất nước. Do vậy, giải thưởng văn chương phải trở về bản thể là tôn vinh cái đẹp, ghi nhận những tâm hồn sáng láng làm nên giá trị của nghệ thuật ngôn từ.

THANH MAI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.